'Cuộc chiến' giữa Đại học Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bắt nguồn từ đâu?

Giáo dụcThứ Ba, 11/06/2019 07:05:00 +07:00

Đại học Tôn Đức Thắng cho biết trường lên tiếng không chỉ vì vấn đề tài chính, mà từ lâu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra nhiều yêu cầu vô lý với họ.

Nhiều ngày qua, Đại học Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có những tranh cãi gay gắt liên quan đến việc trích nộp tài chính.

Mới đây, các cán bộ, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng viết đơn gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quốc hội,…  tố Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trước đó, trường nhận được văn bản của Tổng Liên đoàn yêu cầu kinh phí hoạt động phải trích nộp về cơ quan quản lý tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế. Mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định.

Đây là lần đầu tiên cán bộ, giảng viên một trường đại học công lập phản đối cơ quan chủ quản.

dai-hoc-ton-duc-thang

Khuôn viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TDTU) 

Theo đại diện Đại học Tôn Đức Thắng, việc trường bây giờ mới lên tiếng phản ứng gay gắt vì không chỉ một sự việc về tài chính, mà từ lâu Tổng Liên đoàn Lao động có một chuỗi các yêu cầu vô lý, chưa đúng chủ trương của Đảng, vi phạm pháp luật.

Đến khi trường triển khai công việc liên quan đến công tác nhân sự thì mâu thuẫn giữa hai bên càng thêm trầm trọng. Trong đó, Tổng Liên đoàn muốn quyết định người làm Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng mà không cần tới ý kiến tập thể và hội đồng trường.

“Chúng tôi chỉ kiến nghị hai nội dung. Thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải tuân thủ Luật giáo dục Đại học sửa đổi và các Nghị quyết của TW Đảng về đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, tôn trọng Hội đồng trường - cơ quan quyền lực cao nhất của trường là điều rất đúng, rất bình thường. Chúng tôi không nhìn thấy mình sai ở chỗ nào trong kiến nghị”, đại diện Tôn Đức Thắng khẳng định.

Tôn Đức Thắng là trường đại học công lập tự chủ tài chính, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về quản lý Nhà nước, cơ chế tổ chức của trường được thực hiện như một trường công lập với cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động.

Về mặt tài chính, trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước và từ Tổng Liên đoàn.

Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của trường. Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định như một trường đại học ngoài công lập.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn