Chương trình giáo dục phổ thông mới: Bồi dưỡng, đào tạo giáo viên thông qua gói bài giảng trên mạng

Giáo dụcChủ Nhật, 30/12/2018 17:16:00 +07:00

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ về việc đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mới đây, chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được công bố. Song song với đó, có nhiều ý kiến lo lắng việc đào tạo giáo viên để bắt kịp chương trình giảng dạy mới tại các địa phương sẽ không đảm bảo.

Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý Cán bộ Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng, những năng lực để tiếp cận chương trình phổ thông mới đã bắt đầu cách đây 5 năm. Bản thân chương trình phổ thông hiện hành cũng được các giáo viên áp dụng đổi mới để thích ứng dần.

"Khi chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị ban hành, kế hoạch 791 vào tháng 9/2018 nói rất kỹ về đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình. Với tinh thần ấy, bắt đầu từ quý III năm 2019 sẽ bồi dưỡng cho giáo viên lớp 1. Sau đó sẽ tiếp tục với các khối lớp khác cho đến hết lộ trình”, ông Minh chia sẻ. 

Ở địa phương, Bộ sẽ tổ chức các hoạt động thảo luận, các giáo viên cốt cán sẽ được hỗ trợ trực tiếp nhiều hơn và vẫn lấy công nghệ thông tin làm nền tảng chính. 

Cũng theo ông Minh, kể từ khi có Nghị quyết 29 từ năm 5 trước, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Sở GD&ĐT và các trường Sư phạm tổ chức những khóa bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cốt cán theo hướng phát triển định hướng học sinh và xây dựng chủ đề liên môn.

2b5307b6e0f009ae50e1

 Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục, Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tới việc bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp, ứng dụng bài giảng đã được số hoá.

Giáo viên chủ yếu sẽ tự học, tiếp cận trực tiếp với gói bài giảng được đưa lên mạng. Đồng thời, sử dụng môi trường bồi dưỡng mới này để hỗ trợ,  tháo gỡ, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy giữa các giáo viên.

Ngoài ra, Bộ cũng tính đến việc chú ý hơn bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên cốt cán trong các đợt tập huấn giáo viên trực tiếp.

Giải quyết lo ngại về việc ở cấp trung học phổ thông, học sinh học có 5 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn, việc này khả năng dẫn đến thừa thiếu giáo viên do các em chọn môn học lệch,  Bộ cũng đã tính toán, rà soát và quy hoạch lại hệ thống sư phạm.

Các tỉnh cũng đồng thời rà soát số lượng, cơ cấu chất lượng để có phương án cùng với Bộ Nội vụ đề xuất, bổ sung kịp thời.

Đồng thời, đối với những môn tự chọn cho trung học phổ thông, Bộ cũng tính đến việc tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo phát huy tất cả hoạt động trao đổi, thảo luận, định hướng nhóm chọn cho học sinh; làm sao cho số lượng giáo viên kiểm soát được và các địa phương cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giáo viên. 

"Những việc này Bộ cũng đã tính và giao cho các đơn vị nghiên cứu lại định mức làm việc của giáo viên để có cơ cấu giáo viên hợp lý nhất giúp các địa phương không bị động”, ông Minh khẳng định.

Lộ trình áp dụng chương trình mới của Bộ GD&ĐT như sau: Năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo chương trình mới, bậc Tiểu học có một số điều chỉnh. Lớp 1 và lớp 2 sẽ chỉ có 7 môn học, lớp 3 có 9 môn học (chương trình hiện hành lớp 1, 2, 3 là 10 môn). Lớp 4, 5 có 10 môn học (chương trình hiện hành có 11 môn học).

Video: Giáo viên cốt cán được bồi dưỡng, đào tạo thông qua gói bài giảng trên mạng

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn