Chủ quyền biển đảo xuất hiện trong sách giáo khoa lớp 1 mới thế nào?

Giáo dụcThứ Tư, 04/12/2019 07:11:00 +07:00

Trong bài 66, SGK Tiếng Việt 1 chương trình GDPT mới do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, nội dung chủ quyền biển đảo được đưa vào để giáo dục học sinh.

Bài 66 với dạy học sinh vần “yên”, “yết”, tác giả lồng chủ quyền biển đảo vào phần tập đọc. Với các câu ngắn kèm hình ảnh như: “Nam Yết nằm giữa biển, như nét chấm nhỏ trên bản đồ Việt Nam”; “Từ xưa, Việt Nam đã làm chủ Nam Yết”; “Nam Yết có nhà cửa, có đèn biển” ; “Chiến sĩ ở đó như ở nhà”; “Nam Yết là bộ phận của cơ thể Việt Nam”.

Sau đó, tác giả thêm phần đặt câu hỏi yêu cầu học sinh nói điều em biết về đảo Nam Yết qua một tấm ảnh.

biendao1

Bài học đầu tiên của SGK lớp 1 mới có nhiều hình ảnh.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới kiêm Chủ biên SGK môn Tiếng Việt cho biết, đưa nội dung giáo dục chủ quyền quốc gia vào SGK từ lớp 1 là yêu cầu của chương trình. Ở lớp 1, tác giả thiết kế dạy âm vần với tranh một cách dễ hiểu, dễ đọc. Bài 66 cũng là bài duy nhất có nội dung giáo dục về chủ quyền biển đảo.

SGK mới giảm tải ở đâu?

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, SGK chương trình mới có tính kế thừa chương trình, SGK hiện hành và có nhiều điểm mới.

Cụ thể, SGK mới kế thừa SGK hiện hành về mục tiêu dạy học. Với môn Tiếng Việt, mục tiêu vẫn giúp học sinh đọc thông, viết thạo và phát triển kỹ năng nghe, nói. Mỗi bài học vẫn cấu tạo 3 phần như sách hiện hành gồm: học chữ cái, học vần và luyện tập tổng hợp. Mỗi bài học dạy 1 đến 2 vần. “Nếu dạy nhiều hơn học sinh sẽ bị quá tải”, GS Thuyết nói.

 Ngoài ra, mỗi bài học cũng được thiết kế bắt đầu bằng một từ khóa quen thuộc với học sinh. Ví dụ để dạy vần “om”, “óp”, tác giả bắt đầu bằng hình ảnh con “đom đóm”; dạy vần “b” tác giả minh họa hình ảnh con bê giúp học sinh dễ nhớ, dễ hình dung.

GS Thuyết cũng cho biết, điểm mới của SGK Tiếng Việt này là tác giả sắp xếp chữ cái theo tuần tự các nét liền mạch giúp học sinh dễ tiếp thu. Ví dụ, bắt đầu bằng vần “a” đến vần “c” thay vì “b” như thông lệ. Bởi “a” là nét cong kín và nét hất, “c” là nét cong hở…trong khi “b” là nét khuyết và nét thắt yêu cầu khó hơn. Tiếp sau đó, tác giả sắp xếp các vần “o”, “ô”; “ơ”, “d”, “đ”…

Tác giả cho rằng, sách thiết kế những bài đọc đơn giản, bài viết chính tả gắn liền với nhiều tranh hình minh họa giúp trẻ nhớ âm vần nhanh hơn.

sach2

 

Điểm mới nữa, trong SGK mới thiết kế những bài học yêu cầu học sinh phát triển năng lực đọc và rèn thói quen đọc bằng cách bố trí tuần 2 tiết đọc truyện. Ban đầu, sách thiết kế truyện tranh, yêu cầu giáo viên đọc, học sinh trả lời các câu hỏi đơn giản. Đến giữa học kỳ II, học sinh là người đọc và kể lại truyện. Sau đó, mang truyện lên lớp đọc cho nhau nghe. Để tránh chuyện học sinh miền núi không có truyện, tác giả thiết kế sẵn 1 số truyện trong SGK.

GS Thuyết cho rằng, SGK mới giảm tải ở chỗ tác giả tiết chế ít chữ, ít vần. Thiết kế những bài đọc thú vị, thu hút học sinh. Ngoài ra, chương trình tăng thời lượng Tiếng Việt từ 10 tiết/ tuần như chương trình hiện hành lên 12 tiết/ tuần trong chương trình mới. 

Được biết, SGK Tiếng Việt 1 mới này đã thực nghiệm 2 năm liền trong 1 số trường học. Riêng NXB Sư phạm TP HCM đến thời điểm này vẫn chưa công bố bộ SGK mới và sách vẫn là bản mẫu chưa có giá bán. 

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn