Cảm phục nghị lực nam sinh nằm trên giường sáng chế robot dành cho người bại liệt

Giáo dụcThứ Năm, 27/07/2017 08:21:00 +07:00

Khi sản phẩm Robot hỗ trợ đa ngành nghề dành cho người bại liệt hoàn thành, ngoài giúp chính mình, Hải có thể giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ có thể tự chủ trong mọi công việc.

Mẹ là “đôi chân” của con

Ngày 19/7, tại lễ tuyên dương gần 500 học sinh giỏi TP.HCM, Trần Phan Thanh Hải(SN 1999, HS lớp 10 trường THPT Marie Curie) ngồi trên xe lăn lên bục nhận thưởng trong tiếng vỗ tay đầy xúc động của nhiều người có mặt ở khán phòng.

Nhiều lần liên hệ với bà Phan Thị Huỳnh Mai (mẹ của Hải), người mẹ đều nhẹ nhàng từ chối gặp gỡ. Bà giải thích: “Từ rất lâu rồi Hải đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ mọi người, giờ cả 2 mẹ con đều nghĩ nên nhường cơ hội lại cho những mảnh đời khác”. Phải “năn nỉ” đến “gãy lưỡi” Hải cùng mẹ mới đồng ý một cuộc trò chuyện tại nhà.

Video: Thí nghiệm thiết bị Robot có khả năng ghi nhớ hoạt động do Hải sáng chế.

Bà Mai kể, bà quê ở tỉnh Tiền Giang, lên Sài Gòn học tập và làm việc khi còn rất trẻ. Bà là giáo viên dạy Toán tại một trường cấp 2 hiện đã nghỉ hưu. Hai vợ chồng bà Mai chỉ sinh được 2 người con, Hải là con trai út, trước Hải là một chị gái.

“Sinh ra, nó cũng bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Khoảng 2 tuổi, vợ chồng tôi thấy chân con đi lại rất yếu ớt nên ôm con đến khắp các bệnh viện để thăm khám. Đến đâu bác sĩ cũng đưa ra nghi vấn 2 căn bệnh là sốt bại liệt, hoặc bệnh teo cơ. Không có cách chữa trị cụ thể, vợ chồng tôi lại ôm con về”.

IMG_8215

 Từ nhỏ Hải đã bị bại liệt phải ngồi và nằm một chỗ. (Ảnh: Dương Thương)

Người mẹ 2 mắt rưng rưng lệ: “Năm nó khoảng 4 tuổi, đang chơi đùa thì bỗng dưng bị té không tự đứng lên được, sau đó sức khỏe yếu dần rồi nhanh chóng chuyển sang bại liệt phải ngồi một chỗ”.

Thương con đến “đứt ruột”, bà Mai cùng chồng lại tức tốc bỏ hết công việc đèo con đến các bệnh viện này đến phòng khám khác “vái tứ phương” nhưng vẫn không có chuyển biến tích cực. Những năm đó, bệnh tình của Hải “xuống dốc” rất nhanh, 2 chân bị teo liệt hoàn toàn, trở nên co quắp, những bộ phận khác trên cơ thể cũng bị co rút lại.

Nhìn con từ một đứa trẻ bình thường trở nên bại liệt, mẹ của Hải đêm nào cũng nước mắt chảy dài. Bà nhớ lại: “Hồi đó, không đêm nào là tôi không khóc, dần dần tôi mới quen được với... nỗi đau”. Hải đến tuổi đi học, bà Mai lại chạy đôn chạy đáo tìm trường, nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được câu trả lời “không nhận” vì Hải bị khuyết tật.

IMG_2584

 Với những thành tích học tập vượt trội Hải được Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng bằng khen

“Các thầy cô hướng dẫn tôi đưa con đến các trường dành cho trẻ khuyết tật, khi tôi đưa con đến người ta xếp cho con tôi vào lớp trẻ bại não nhưng thực sự trí não Hải rất bình thường”. Không từ bỏ quyết tâm cho con đến trường, bà Mai ôm con về tận Tiền Giang để nhập học lớp 1 khi đã 8 tuổi. Mỗi tuần 1 lần, vợ chồng bà bắt xe về quê thăm con.

Học ở quê được khoảng 3 năm, bà Mai chuyển trường cho con lên TP.HCM để tiện săn sóc. Người mẹ hai mắt hoen lệ nhớ lại: “Trước khi sinh Hải, chồng tôi bị ngã té từ tầng 5 xuống, may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhưng sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nên mọi sinh hoạt của con đều một tay tôi cáng đáng. Hồi đó gia đình tôi sống ở tận tầng 5 cũng là tầng thượng của căn nhà tập thể, không có thang máy, 1 ngày tôi cõng con lên xuống 4 lần, ngày nào cũng như ngày đó”.

Đã hơn 15 năm nay, Hải không thể đi lại chỉ ngồi một chỗ, mọi việc sinh hoạt cá nhân đều nhờ bàn tay của mẹ. Đối với Hải, ngoài thời gian đến trường thì cuộc sống gần như thu nhỏ trên chiếc giường. Bà Mai trở thành đôi chân đôi tay của con, như hình với bóng chưa hề rời.

Nằm trên giường sáng chế robot

Dù cơ thể bị bại liệt phải nằm hoặc ngồi một chỗ, thế nhưng chưa bao giờ Hải chịu đầu hàng số phận. Với sự cần cù chịu khó lại sáng dạ, đã 10 năm liền Hải đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện.

Bà Mai xúc động kể: Kể từ khi còn nhỏ, Hải đã ý thức được việc tự học. Cũng vì không có thời gian, bà không thể chở con đến các trung tâm học thêm. Sợ mẹ vất vả khó nhọc Hải cũng chưa bao giờ đòi hỏi điều đó.

Ngoài học văn hóa, từ những năm tiểu học Hải đã tham gia những cuộc thi cờ vua và đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Năm học lớp 8, thấy mẹ vừa cõng mình vừa phải vất vả mở khóa cửa, Hải trăn trở chế tạo “hệ thống cửa khóa trong tự động mở khi có số điện thoại cho phép gọi đến”, dự án bất ngờ đạt giải 2 cấp TP và giải khuyến khích cấp quốc gia trong kỳ thi Sáng tạo KHCN ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

ch 3

 Hải và robot hỗ trợ đa ngành nghề cho người bại liệt. 

Tháng 1/2017, tại cuộc thi KHKT cấp TP, Hải đạt giải nhất với thiết bị “Robot hỗ trợ đa ngành nghề cho người bại liệt”, tháng 3/2017 dự án tiếp tục đạt giải 3 cấp quốc gia.

Hải kể, năm học lớp 9 mẹ phải phẫu thuật và điều trị bệnh sỏi mật ở bệnh viện suốt hơn nửa tháng trời. Khoảng thời gian đó Hải phải ở nhà một mình, vô cùng khó khăn. Không có mẹ bên cạnh, căn bệnh của Hải bỗng nhiên tái phát và trở nặng hơn, mọi việc học tập đều bị gián đoạn. May mắn được các bạn ở lớp hỗ trợ tận tình, hàng ngày đều chụp ảnh lại bài học mang đến cho Hải xem. Từ đó Hải đã ấp ủ ý tưởng cho dự án Robot hỗ trợ đa ngành nghề cho người bại liệt.

“Em thiết kế con robot đó trước hết là giúp đỡ bản thân em, và nó có thể sẽ giúp được nhiều người không may bị bại liệt khác. Một điều nữa em muốn trả ơn người thân thầy cô và bạn bè đã giúp đỡ hỗ trợ em rất nhiều” - Hải chia sẻ.

IMG_8209 4

 Hải chưa một lần đi học thêm mà đều tự lên mạng học ngay học cả lập trình trên máy tính. (Ảnh: Dương Thuong)

Hải kể để thực hiện được dự án, Hải đều tự lên mạng tìm hiểu về cách lập trình, viết chương trình. Ngồi bên con, bà Mai cho hay, quá trình hơn 4 tháng Hải vừa tự lên mạng tìm hiểu vừa tự mày mò chế tạo. Việc thức đêm đối với Hải là chuyện thường ngày; còn bà vừa là mẹ vừa trở thành trợ thủ đắc lực cùng thức, cùng làm với con.

 “Vì sức khỏe không cho phép đến trường nhiều nên quá trình đó Hải gần như thực hiện ở nhà, ngay trên giường vừa nằm vừa nghiên cứu. Hải nghiên cứu xong, cần thứ gì thì tôi sẽ chạy ra chợ hoặc cửa hàng bán linh kiện điện tử để lựa mua”. Người mẹ vừa kể vừa đọc tên của những con chíp làu làu đến thuộc lòng.

Lúc thiết bị hoàn thành cũng là lúc cả 2 mẹ con thở phào nhẹ nhõm. Hải kể, sau mỗi cuộc thi, thiết bị robot đều được nâng cấp cải tiến hơn trước. Hải giải thích về nguyên lý hoạt động của Robot: Robot được kết nối Bluetooth với điện thoại thông minh, qua smartphone nhập tên công việc đang làm, đồ vật cần cho công việc đó, vị trí ban đầu của vật và lưu lại vào bảng danh sách. Người dùng chỉ cần chọn công việc trong bảng danh sách và chọn tốc độ. Điểm đặc biệt của robot là có khả năng ghi nhớ công việc và người dùng có thể điều khiển đánh chữ bằng mắt.

Những năm học THCS, Hải không thể ngồi được, thầy cô và các bạn phải hỗ trợ cho Hải nằm học ngay trên bàn, ấy vậy Hải luôn vươn lên giữ vững thành tích. Kỳ thi lên lớp 10, Hải bệnh liệt giường, dù chỉ nằm trên giường xem ảnh, Hải vẫn thi đỗ vào lớp chọn của trường Marie Curie với số điểm 38,5 điểm.

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn