Bức thư đầy trăn trở về môi trường của nam sinh lớp 12 gửi Thủ tướng

Giáo dụcThứ Năm, 10/10/2019 17:01:00 +07:00

Trần Việt Anh (lớp 12 Văn trường Phổ Thông Năng Khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM) gửi tâm thư đến Thủ tướng bày tỏ mong muốn chung tay bảo vệ môi trường.

Đứng trước nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường đang gây ảnh hưởng đến bản thân cũng như cộng đồng xung quanh và đang có nguy cơ đe dọa đến đất nước, Trần Việt Anh (SN 2002, TP.HCM) quyết định viết thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều ban ngành của TP.HCM mong nhận được sự quan tâm và đồng thuận để cùng giải quyết vấn đề môi trường.

Trong thư, Việt Anh chia sẻ rằng cậu rất đau lòng khi mỗi ngày nhìn thấy môi trường sống chuyển biến tiêu cực, thấy gia đình và bà con vì mưu sinh ngày ngày phơi mình chịu trận trước bao nhiêu tai họa khủng hoảng từ môi trường và khí hậu, mà hậu quả phần lớn là do con người gây nên.

Theo học sinh này, một dân tộc yêu hòa bình không thể là một quốc gia đứng hàng đầu về ô nhiễm. Hòa bình còn là việc tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu, mà vấn đề khẩn cấp và sát sườn chúng ta nhất là thảm họa môi sinh. 

61016556_2063862700390629_8930964933856722944_n

 Trần Việt Anh, học sinh lớp 12 Văn, trường Phổ Thông Năng Khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM. (Ảnh: FBNV)

Với vai trò là đầu tàu về kinh tế - văn hóa, nam sinh lớp 12 cho rằng, TP.HCM nhất thiết phải là tấm gương về phát triển bền vững và tin tưởng giải quyết được vấn đề môi trường ở đây sẽ là cơ sở tham chiếu cho các địa phương khác để rồi nhân rộng ra cả nước.

"Thay vì 'tranh hạng' trên những báo cáo ô nhiễm, tại sao các thành phố chúng ta không hành động để tự hào trở thành địa phương tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ, và hơn nữa là tái tạo môi trường xanh? Tại sao không đột phá và quyết liệt trong vấn đề môi trường dù chúng ta tự hào là một nền kinh tế năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm?", Việt Anh viết.

Theo thanh niên này, việc cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp tại TP.HCM từ tháng 8/2019 là động thái tích cực nhằm hướng tới việc chung tay hành động giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Tuy nhiên, để giải quyết một cách triệt để, nam sinh này cho rằng cần phải đi từ gốc rễ là kinh tế và giáo dục.

"Thành phố cần dành ưu tiên cho môi trường trong phát triển kinh tế và quy hoạch đô thị, đồng thời vừa giáo dục người dân về thực trạng cũng như vừa đối thoại cùng người dân tìm ra các giải pháp môi trường. Quan trọng nhất là phải làm sao để tạo ra ý thức quốc dân về môi trường, biết yêu quý trân trọng và chung sống nương tựa vào thiên nhiên", Việt Anh trình bày.

nguoi-dan-tphcm-can-lam-gi-khi-khong-khi-bi-o-nhiem-071400

Ô nhiễm không khí ở nước ta đang rơi vào ngưỡng báo động, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM. (Ảnh minh họa: Một Thế Giới)

Theo Việt Anh, việc cấp thiết nhất hiện nay là phải ứng phó với khủng hoảng rác thải và ô nhiễm không khí. Em đưa ra ba giải pháp đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét.

Thứ nhất, về rác thải, cần phổ biến một quy trình phân loại rác từ nguồn đồng bộ, thống nhất toàn dân và liền sau đó là công nghệ xử lý rác hiệu quả, có thể kéo dài tối đa vòng đời của các sản phẩm tiêu dùng.

Thứ hai, về ô nhiễm không khí, cần quy hoạch thêm nhiều mảng xanh hơn cho khu vực nội thành, ưu tiên cho năng lượng sạch và phương tiện giao thông công cộng/ phương tiện thân thiện với môi trường. Người dân phải được cảnh báo và thông tin cụ thể về tình trạng ô nhiễm.

Thư ba, cần minh bạch kết quả quan trắc không khí và có khuyến cáo giải pháp ứng phó và phòng ngừa sức khỏe kịp thời cho người dân.

Kết thư, Việt Anh đặc biệt nhấn mạnh vào hậu quả mà người dân, đặc biệt là tại khu vực Nam Bộ phải gánh chịu do hậu quả của khủng hoảng môi trường như hạn hán mất mùa, vật nuôi chết hàng loạt, mùa lũ thất thường, nguy cơ sẽ bị chìm ngập khi mực nước biển ngày càng dâng. Riêng TP.HCM phải chịu ngập lụt và ô nhiễm môi trường nặng.

Bên cạnh đó, môi trường ô nhiễm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em bé còn quá nhỏ, chưa có đủ khả năng phòng vệ. Hơn thế nữa, nay mai chính các em sẽ phải gánh chịu món nợ thiên nhiên mà thế hệ trước đang gieo.

"Nếu cuộc đời là một cuộc trao truyền và tiếp nối để biến cái hữu hạn thành vĩnh cửu, thì chúng ta đang trao truyền gì cho thế hệ tương lai? Chúng ta đang lấy đi và để lại gì? Có quốc gia nào muốn những mầm non của đất nước mai sau trở nên những thân cây èo uột, khẳng khiu phải gánh đỡ cả bầu trời tương lai đầy u ám, mịt mờ?", Việt Anh đặt câu hỏi.

Bức tâm thư cũng được Việt Anh gửi tới Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng; Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã; Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh.

Bức thư của Việt Anh sau khi được cậu chia sẻ trên trang cá nhân nhận được hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng và những người trẻ cùng thế hệ.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn