Biên chế nhà nước: Người chi bộn tiền mua 'ghế', kẻ tự nguyện rút chân

Giáo dụcThứ Sáu, 16/03/2018 15:37:00 +07:00

Trong khi nhiều người 'khóc đứng khóc ngồi' khi bỏ hàng trăm triệu để được vào 'biên chế' nhưng lại sắp bị đẩy ra khỏi cái ghế công chức thì có không ít người dù đã chắc chân nhưng vẫn làm đơn xin ra khỏi biên chế nhà nước.

Chi bộn tiền để được... mang danh "công chức"

Dư luận đang “dậy sóng” bởi vụ việc hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắc có nguy cơ bị mất việc. Sự việc càng được đẩy lên cao trào khi nhiều giáo viên lên tiếng họ mất hàng trăm triệu đồng mới có được suất dạy hợp đồng…

Có hay không việc “chạy” tiền đổi việc? Sự thật như thế nào còn phải chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng có một sự thật nhãn tiền là hơn 500 giáo viên này đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp!

Trở lại với vụ việc này, vào chiều 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức họp giải quyết hơn 600 giáo viên hợp đồng lao động dư thừa mà địa phương đã tuyển dụng trước đó.

anh-phu-3-15208628515282078613225-0754233

Các giáo viên tại huyện Krông Pắk bỏ hàng trăm triệu đồng để mong muốn được vào biên chế. (Ảnh: TN) 

Chúng tôi, gặp cô giáo Nguyễn Thị M (trú huyện Krông Pắk) - một trong số 500 giáo viên đang nằm trong danh sách chờ “phán xét” của cấp trên. Cô M. chia sẻ đang chán nản không biết tương lai sẽ đi về đâu sau gần 6 năm làm việc tại một trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

“Tôi làm ở đây gần 6 năm. Tôi rất lo lắng khi bất ngờ bị thông báo nằm trong danh sách tinh giảm biên chế. Con tôi còn rất nhỏ. Nếu mất việc thì tôi không biết lấy gì để nuôi con”.

Video: Giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) rớt nước mắt nghe tin sắp nghỉ việc.

Cô M cho biết thêm, cô phải bỏ khá nhiều tiền “trà nước”. Nếu mất việc thì số tiền này sẽ tan thành mây khói.

Cũng vì mong muốn có một suất “biên chế” mà nhiều người bị rơi vào hoàn cảnh giống cô M.

Như trường hợp gia đình bà Đặng Thị Ngọ (SN 1965, trú thị trấn Phước An) có ba người con được nhận vào dạy tại các trường ở huyện. Bà Ngọ cho biết, để có việc làm, các con bà đều phải vay mượn tiền của người thân, thậm chí gia đình bà phải mang sổ đỏ đem đi cầm để có tiền "chạy" việc.

Tuy nhiên, hiện nay các con bà đều đang ở diện có thể “mất việc”, tất cả đều đang rất hoang mang, lo lắng. Khi được hỏi về các chứng cứ nhận tiền để “chạy việc” thì hầu hết đều chỉ biết lắc đầu. Tiền "chạy" việc chủ yếu đưa cho “cò” môi giới, hoàn toàn không biết ai là người nhận cuối cùng.

Còn thầy Nguyễn Văn Đ. (giáo viên trường Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) kể, năm 2015 thấy mọi người đua nhau chạy để vào ”biên chế” nên thầy cũng nhờ người “chạy” việc cho cả hai vợ chồng. Tổng cộng vợ chồng thầy Đ. phải chi 120 triệu đồng và nhận được lời hứa “sau ba năm sẽ vào biên chế”.

Tuy nhiên sau đó, cả hai vợ chồng đều chỉ được ký hợp đồng giảng dạy với mức lương rất thấp. Vì không đủ sống nên vợ chồng thầy Đ. lần lượt xin nghỉ dạy và tìm cách đòi lại tiền nhưng không được.

...kẻ làm đơn xin ra khỏi biên chế

Từng giữ chức trưởng phòng công nghệ thông tin của một trung tâm thuộc sở Công Thương Tỉnh Đắk Lắk, nhưng anh Nguyễn Như Hoàng (SN 1984) đã quyết định nghỉ việc để về nhà kinh doanh gà khiến không ít người kinh ngạc và chê trách.

Tuy nhiên, khi lựa chọn con đường từ bỏ “biên chế” nhà nước, anh Hoàng đã có thời gian suy nghĩ khá dài và cẩn thận.

Video: Một ngày làm việc của nguyên trưởng phòng bỏ việc về bán gà nướng ở Đắk Lắk

10 năm trước, khi vừa tốt nghiệp đại học, anh Hoàng được phân công về làm việc tại trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghệ trực thuộc sở Công Thương Tỉnh Đắk Lắk.

Sau thời gian miệt mài làm việc chăm chỉ, anh Hoàng được cất nhắc lên vị trí trưởng phòng với mức lương hơn bốn triệu.

Đến đầu tháng 7/2017, anh Hoàng quyết định nộp đơn xin nghỉ việc với lý do “không còn nhiệt huyết để cống hiến, mức lương quá thấp không đủ chi phí đảm bảo cuộc sống”.

Khi biết tin anh Hoàng nộp đơn xin nghỉ một công việc mà nhiều người “ao ước”, không ít bạn bè cho rằng anh bị “hâm” khi bao nhiêu người chạy chọt lo lót để có được vị trí đó.

“Tôi nghĩ, tuổi xuân thì có hạn, nếu không mạnh dạn từ bỏ thì không có cơ hội thực hiện những việc mình mong muốn. Cảnh sáng cắp cặp đi chiều cắp cặp về, sống mòn nhờ đồng lương công chức khiến tôi thấy chán nản, không còn nhiệt huyết làm việc”.

img_1483-5-1604334 3

Nguyên trưởng phòng bỏ việc về bán gà nướng ở Đắk Lắk. (Ảnh: Thanh Hải)

Rời khỏi ngành sư phạm, anh Hoàng quay sang kinh doanh mặt hàng gà quê, chuyên cung cấp sỉ và lẻ cho các nhà hàng quán ăn và khách có nhu cầu.

Khi mới bắt tay vào công việc kinh doanh, anh Hoàng cũng gặp nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian cố gắng phát triển, hiện thu nhập của anh Hoàng dù chưa cao nhưng vẫn hơn hẳn khi anh làm việc tại cơ quan cũ.

Sau khi biết anh bỏ việc để kinh doanh, nhiều đồng nghiệp cũ cũng ghé ủng hộ, trong số họ không ít người mong có đủ dũng khí để nghỉ việc như anh Hoàng nhưng vì nhiều lý do đều không dám.

Về việc anh Hoàng xin nghỉ việc đề chuyển sang kinh doanh riêng, ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk khẳng định, trong thời gian làm việc tại đây, anh Hoàng chấp hành tốt nội quy của đơn vị, không hề bị kỉ luật. Việc anh Hoàng nộp đơn xin nghỉ vì lý do gia đình hoàn toàn chính đáng, nên sở đồng ý phê duyệt.

Ông Miên Klơng - Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk cho rằng, đã là công chức, viên chức thì ai cũng được hưởng lương theo quy định của nhà nước nên khó phân định chuyện lương cao, lương thấp.

Ông Miên Klơng lấy ví dụ bản thân ông hiện là chuyên viên cao cấp với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Với ông có thể thấp nhưng người ngoài lại cho rằng mức lương như vậy là cao.

“Trường hợp của ông Hoàng tự nguyện xin nghỉ việc về nhà kinh doanh theo tôi là điều tốt. Đối với cán bộ viên chức, khi ý thức được công việc không phù hợp, không còn niềm đam mê thì nên “từ quan” tìm một việc khác. Đó là người có tự trọng, bởi hiện trên địa bàn tỉnh vẫn có tình trạng cán bộ, viên chức sáng cắp cặp đến cơ quan chiều cắp cặp về mà không làm gì”, ông Miên Klơng nói.

THANH HẢI - PHAN VI
Bình luận
vtcnews.vn