Bất ngờ thú vị về vị hiệu trưởng đứng ở cổng trường chào học sinh mỗi ngày

Giáo dụcThứ Năm, 26/10/2017 11:30:00 +07:00

Những khi rảnh, thầy Nguyễn Quốc Bình lại ra đứng ở cổng trường THPT Việt Đức, Hà Nội, chào và nhắc nhở học trò trước khi vào lớp và lúc tan học.

Video: Thầy Nguyễn Quốc Bình đón học sinh vào trường

"Từ lúc còn chưa là học sinh của trường, em đã được thầy chào đón ở cổng rồi. Lúc đó, em không biết thầy là hiệu trưởng đâu. Thầy em tâm lý lắm”, Nguyễn Trang Linh, học sinh lớp 11, tươi cười kể về vị hiệu trưởng đáng mến của trường THPT Việt Đức (Hà Nội).

Trang Linh là một trong số hàng nghìn học sinh được thầy Nguyễn Quốc Bình chào đón ở cổng trường trong gần 20 năm qua. Không quản nắng, mưa, hễ có thời gian rảnh, vị hiệu trưởng lại ra cổng trường trước giờ vào lớp hay lúc tan học, mỉm cười thân thiện với học trò.

Kiên trì chào học sinh dù nhiều em quên đáp lại

Năm 1994, thầy Bình kiêm nhiệm vụ giám thị và thường đứng ở cổng trường để dặn dò, nhắc nhở học sinh. Khi trở thành phó hiệu trưởng, thầy vẫn duy trì thói quen này.

Ban đầu, thầy đứng nhắc nhở các bạn trẻ chấp hành nội quy về trang phục, đầu tóc, đội mũ bảo hiểm hay ngăn các em đánh nhau.

Hieu truong THPT Viet Duc: Bai hoc lam nguoi tu loi chao o cong truong hinh anh 1

 Thầy Quốc Bình đứng ở cổng trường đón học sinh, đồng nghiệp. (Ảnh: Đ.T)

Thầy Bình cho hay thời gian đó, nơi ông công tác (THPT Trần Hưng Đạo và THPT Nhân Chính) có vấn đề về kỷ luật. Đặc biệt, trường Nhân Chính vừa thành lập, điểm tuyển sinh thấp nhất thành phố, lại nằm ở khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều tệ nạn.

Thầy đứng ở đó, gặp học sinh nào cũng chào. Nhiều khi, học trò “quên” chào thầy, ông vẫn chủ động hỏi han, nhắc nhở. Dần dần, việc chào hỏi trở thành thói quen của cả thầy lẫn trò.

"Trường học quá chú trọng về kiến thức mà chưa dạy các em quy tắc, hành vi ứng xử cần thiết trong cuộc sống. Tôi thấy đây cũng là một phương pháp giáo dục. Một lời chào, động viên, hỏi han hay cái vỗ vai nhiều khi hiệu quả hơn những biện pháp xử phạt cứng nhắc", thầy Bình chia sẻ.

Thầy lý giải cách làm này cũng giúp giáo viên dễ tiếp cận những học sinh vi phạm kỷ luật, để các em tự nhận thức sai lầm và chủ động điều chỉnh hành vi.

Bên cạnh đó, ông quan niệm ở tuổi mới lớn, học trò còn bồng bột, áp dụng biện pháp xử phạt cứng nhắc chưa chắc hiệu quả, thậm chí để lại “dấu vết” cho cuộc đời bạn trẻ. Vì thế, ông chọn cách cảm hóa học sinh bằng sự quan tâm qua những việc nhỏ nhất.

“Cũng giống như trong gia đình, bố mẹ ngoài lo những việc lớn lao như kiếm tiền để cho con cuộc sống đầy đủ, vẫn cần dành thời gian tâm sự, chia sẻ với đám trẻ”, vị hiệu trưởng lý giải thêm.

Ông cũng hy vọng hành động nhỏ này có thể tác động phần nào đến hoạt động giáo dục của thầy cô, nhà trường, tạo nên môi trường sư phạm thân thiện.

"Lời chào cao hơn mâm cỗ", việc thầy đứng ở cổng, mỉm cười chào hỏi học sinh đã tạo nên văn hóa ứng xử lễ phép trong tập thể học sinh trường Việt Đức. Cũng qua đó, các em học cách tôn trọng người lớn, tin tưởng giáo viên, không chỉ bản thân thầy Bình mà còn những thầy cô khác. 

Tạo lòng tin cho học trò

Trong gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Bình luôn trăn trở về nhiệm vụ dạy học sinh làm người. Ông mong muốn những hành động nhỏ như việc đứng chào học trò ở cổng trường có thể góp phần hướng thiện cho bạn trẻ.

Hieu truong THPT Viet Duc: Bai hoc lam nguoi tu loi chao o cong truong hinh anh 2

 Thầy Bình chia sẻ thời đi học, ông nghịch ngợm nên khi làm giáo viên thấu hiểu học sinh. (Ảnh: Quang Anh)

Thầy luôn quan niệm những cô cậu học trò tuổi mới lớn thường có những bức xúc khó giải tỏa. Nếu cha mẹ, giáo viên không là nơi tin tưởng, giãi bày, các em sẽ tìm đến nơi khác, nhiều khi gây hậu quả xấu.

Ông kể bản thân đã trải qua thời kỳ "nhất quỷ nhì ma", từng là học sinh dùng những trò nghịch ngợm để chứng minh mình là người lớn vì không được bố mẹ, thầy cô công nhận.

Vì thế, ở tuổi đôi mươi, ông lựa chọn nghề giáo và gắn bó với nghề gần 40 năm qua. Dù ở vai trò giáo viên trực tiếp đứng lớp hay người quản lý trường học, thầy luôn tự dặn mình tạo điều kiện cho học sinh, không để các em ấm ức như mình từng phải chịu vì cha mẹ áp đặt hay thầy cô đánh giá không đúng, thiếu công bằng.

Gần 40 năm trong ngành giáo dục, hạnh phúc với người thầy đơn giản chỉ là những lời chào từ học trò cũ bất chợt gặp trên đường hay ở một nơi nào đó, có chiến sĩ bộ đội, công an, du học sinh nhớ đến mình. Ở cổng trường, thầy chào các em. Khi trưởng thành, các em chào lại thầy ở... "trường đời".

Hieu truong THPT Viet Duc: Bai hoc lam nguoi tu loi chao o cong truong hinh anh 3

 Hiệu trưởng trường Việt Đức luôn gần gũi với học trò. (Ảnh: Anh Tuấn)

Ở tuổi gần nghỉ hưu, thầy Nguyễn Quốc Bình vẫn tự nhắc nhở xã hội phát triển, tốt xấu đan xen ít nhiều tác động đến một bộ phận nhà giáo.

Trong khi đó, dư luận thường chú ý đến các vấn đề tiêu cực, những chấm đen trên khoảng trắng. Vì thế, giáo viên phải điều chỉnh mình để cùng tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực, đúng nghĩa.

Ông khẳng định người thầy ngày nay có thể khác ngày trước nhưng nhất thiết phải là tấm gương tốt, truyền cảm hứng sống đẹp tới cộng đồng, đặc biệt thế hệ tương lai.

“Tôi hy vọng mỗi giáo viên cố gắng bỏ đi những thứ không cần thiết với nghề giáo, nhân lên các hành động đẹp để giáo dục thực sự đem lại giá trị tinh thần cho xã hội và hình ảnh chúng ta có trong trái tim học trò theo cách tốt đẹp”,  Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức nhắn nhủ.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn