Báo Mỹ lý giải nguyên nhân sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học danh tiếng vẫn thất nghiệp

Giáo dụcThứ Sáu, 08/02/2019 06:49:00 +07:00

Tờ Bloomberg của Mỹ có bài viết phân tích nguyên nhân sinh viên Việt Nam dù học các trường đại học “top” vẫn không thể kiếm được một công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp.

Vài năm trước, Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân kinh tế của một trong những trường đại học tốt nhất Việt Nam. Giờ đây, anh hài lòng với công việc lái xe taxi với mức lương gần 6 triệu đồng/ tháng. 

Đức chỉ là một trong số hàng ngàn sinh viên Việt Nam không có kiếm được công việc phù hợp với ngành nghề mà mình theo học ở đại học dù tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ ở mức 2,3%. 

thicongchuc-7748-1446190788-3313-1508906246-0831276

 Sinh viên thất nghiệp đang ở con số báo động. 

Theo Bloomberg, mặc dù hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam thường trang bị cho học sinh các kỹ năng cơ bản để tìm kiếm các công việc lao động tay chân với mức lương thấp, hệ đào tạo đại học và cao đẳng lại không chuẩn bị cho sinh viên thích ứng với các công việc phức tạp hơn. 

Trong bối cảnh lương tăng và các doanh nghiệp sản xuất đang có xu hướng đầu tư sang các quốc gia có nguồn nhân công rẻ hơn, hiện trạng này đang thực sự đáng báo động. 

Các doanh nghiệp không muốn trả tiền cho những nhân công có bằng cấp nhưng lại thiếu các kỹ năng tương xứng. Đó có thể là một trong những lý do dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở các sinh viên mới ra trường ở Việt Nam lên tới 17%.

Nhận ra tình trạng này, chính phủ cũng đang cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng. Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giảng dạy mới của Bộ giáo dục khẳng định. 

“Chúng ta cần phải cải tổ lại chương trình giảng dạy để giảm tải nhưng môn học xa rời thực tế. Nhưng tiến độ này vẫn còn đang rất chậm và chưa có nhiều tiến triển được ghi nhận”, ông này cho hay. 

Bloomberg dẫn thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội năm 2016 chỉ rõ mặc dù tỷ lệ biết chữ ở Việt Nam là 97%, nhưng chỉ 1/3 lực lượng lao động ở nước ta đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Trong giai đoạn phát triển này, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh ngay cả khi năng suất lao động thấp. Tuy nhiên, Việt Nam còn kém xa so với các nước còn lại trong khu vực nếu tính tới khả năng tận dụng tối đa năng lực lao động.  

Việt Nam cũng là nền kinh tế có năng suất công nghiệp gần như thấp nhất so với các nước trong ASEAN, kém Singapore tới 26 lần, Malaysia 6,5 lần và Thái Lan khoảng 1,5 lần.

Tuy nhiên, vẫn có những lý do để chúng ta có thể hi vọng vào những chuyển biến tích cực trong tương lai, theo Bloomberg.

Đơn cử như việc Đại học Fulbright Việt Nam, tổ chức giáo dục độc lập và phi lợi nhận đầu tiên do chính phủ phê duyệt và nhận được kinh phí ban đầu từ Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2018. Tại ngôi trường này, sinh viên sẽ được tiếp cận với chủ nghĩa Mác hay các triết gia khác như Hegel và Kant giống như cách mà sinh viên các trường đại học phương Tây được giảng dạy. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đang cung cấp thêm các chương trình giáo dục bổ sung giúp người lao động có thể bắt kịp với yêu cầu.  FPT, một trong những tập đoàn viễn thông và công nghệ lớn nhất Việt Nam đã mở thêm các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước cho khoảng 20.000 học sinh phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng.

Intel, tập đoàn đang phát triển một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp ở TP.HCM cũng đã cam kết chi 22 triệu USD cho một số chương trình giáo dục.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn