Hốt hoảng với kiểu bạo lực học đường mới, không chỉ là nắm đấm

Giáo dụcThứ Năm, 03/08/2017 14:47:00 +07:00

Không chỉ là đánh nhau, ngày nay bạo lực học đường còn rầm rộ diễn ra ở hình thức xúc phạm nhau trên lớp, thóa mạ nhau trên mạng xã hội... gây ức chế tinh thần, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với lứa tuổi học sinh.

Video: Nỗi ám ảnh của gia đình, nhà trường và xã hội về nạn bạo lực học đường. 

 

Là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Thành Sang (SN 1997, học sinh lớp 11 trường THPT Lương Thúc Kỳ) nhận được bao sự kỳ vọng của gia đình, thế nhưng chỉ vì một phút không khống chế được cơn giận dữ, Sang đã thẳng tay đâm dao vào ngực bạn ngay tại khuôn viên trường học.

Hậu quả của cơn bạo lực học đường ngày 25/3/2014 tại trường THPT Lương Thúc Kỳ (Quảng Nam) khiến cha mẹ của nạn nhân Huỳnh Nguyễn Thanh Thiên phải mang nỗi đau "đứt ruột" vì mất con vài ngày sau đó. Còn Sang từ một học sinh trên ghế nhà trường thì hơn 2 năm nay đang phải thi hành án trong trại giam, tương lai lỡ dở. Cha mẹ Sang khóc cạn cả nước mắt.

20624051_1386363958151473_1093228658_n

 Vấn nạn bạo lực học đường là nỗi lo của cộng đồng. 

Cũng như câu chuyện vấp ngã của Sang, trong hàng nghìn trường hợp bạo lực học đường luôn để lại những hậu quả nặng nề như: Nạn nhân bị thương tật vĩnh viễn, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề phải chuyển trường, chuyển đổi nơi sinh sống hoặc nguy hiểm hơn là dẫn đến tự vẫn khi mới tuổi thanh xuân vì khủng hoảng tâm lý. 

Nếu như trước kia, câu chuyện của Sang dấy lên vấn nạn bạo lực học đường ở trường, thì ngày nay nạn bạo lực học đường còn theo cả học sinh về tận nhà. 

20614343_1386367328151136_1862134795_n

 Nữ sinh bị đánh hội đồng chỉ vì một xích mích nhỏ. 

Không chỉ là đánh nhau, ngày nay bạo lực học đường còn rầm rộ diễn ra ở hình thức xúc phạm nhau ở lớp, thóa mạ nhau trên mạng xã hội... gây ức chế tinh thần, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với lứa tuổi học sinh.

Nữ sinh V.T.K.T (THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM) chia sẻ: Những năm gần đây tuy nhà trường đã có những biện pháp ngăn chặn nạn bạo lực học đường, những vụ việc đánh nhau bằng nắm đấm đã giảm hơn rất nhiều nhưng vấn nạn này vẫn chưa bao giờ được đẩy lùi mà phát triển rầm rộ và khó quản lý hơn trước. 

20614675_1386367084817827_280648988_n 3

 Bạo lực học đường diễn ra phổ biến ở khắp mọi nơi. 

K.T. kể về câu chuyện mình từng chứng kiến: "Tụi em ai cũng có điện thoại thông minh, có tài khoản facebook và các mạng xã hội khác. Hôm đó, bạn em có xích mích với một bạn khác trong lớp, cuộc đôi co không diễn ra lâu và không xảy ra đánh nhau nhưng ngay sau khi về nhà bạn của em mới hoảng loạn khi bị đưa hình ảnh bêu rếu lên mạng xã hội kèm theo đó là những lời lẽ thóa mạ làm nhục. Nhiều bạn khác tuy không có hiềm khích gì nhưng cũng lao vào "đánh hội đồng". Đợt đó cô bạn của em bị "sốc" nặng suốt mấy ngày cáo bệnh ở nhà vì không dám tới lớp". 

120616DSChuibay02_067e3 4

 Facebook trở thành "sân đấu" của những cuộc thóa mạ, lăng nhục người khác. 

N.T.V.A. nữ sinh một trường THPT tại TP.HCM cho hay: Năm học lớp 9, V.A. đã phải chuyển trường vì một kỷ niệm buồn. "Ngày đó em đang học thì nhận được một mẩu thư, đọc thì biết do một bạn nam gửi. Cuối buổi em bị một nhóm bạn gái kéo ra phòng vệ sinh đánh đến mặt mày sưng phù, lúc đó em vẫn chưa hiểu rõ mình sai ở điều gì, giải thích mãi các bạn vẫn không buông tha. Hôm đó may nhờ các bạn khác gọi thầy giáo chủ nhiệm tới nên em mới thoát được trận đánh".

V.A. kể tiếp: "Em về nhà thì thấy đoạn clip bị các bạn đánh được truyền chóng mặt trên mạng xã hội, đầy rẫy những lời lăng mạ cho rằng em có lỗi vì "cướp" người yêu của một bạn nữ trong nhóm kia. Ba mẹ biết chuyện đã lên đến tận trường ý kiến, rút cuộc các bạn đó cũng bị kỷ luật; còn em mỗi lần đến lớp lại bị những ánh nhìn xỉa xói hoặc thương hại. Kết quả học tập bị sa sút, ba mẹ phải cho em chuyển trường...".

20150625143625-a1 5

 Đã đến lúc giới trẻ phải học cách ứng xử đúng mực trên mạng xã hội. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên (BS chuyên khoa I - Phó khoa khám Tâm lý - Tâm thần trẻ em): Hành vi thóa mạ, lăng nhục bạn trên mạng xã hội cũng được coi là biến tướng của nạn bạo lực học đường. Các em đang trong gia đoạn hình thành và phát triển nhân cách nên nếu trở thành nạn nhân của những lời lẽ thóa mạ có thể bị ảnh hưởng nghiệm trọng về mặt tâm sinh lý. Nhiều em bị tổn thương nghiêm trọng, không thể vượt qua được cú "sốc" có thể sẽ dẫn đến những hậu họa tiêu cực. 

Do đó, theo lời khuyên của Bác sĩ, giới trẻ cũng nên học cách ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội, không nên biến người khác thành chủ đề để trêu chọc, vì đó là hành vi làm nhục người khác. 

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn