Ba phương án đổi mới của Bộ GD&ĐT gây tranh cãi thời gian gần đây

Giáo dụcThứ Bảy, 12/10/2019 16:16:00 +07:00

Cùng điểm lại ba phương án đổi mới được Bộ GD&ĐT đề xuất đang nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận thời gian gần đây.

Phòng làm việc của giáo sư 24m2, giảng viên 10m2

Nội dung này nằm trong dự thảo Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến đến ngày 30/11.

Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến quy định diện tích phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên được nhắc tới trong dự thảo. Bộ quy định mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 24 m2, phó giáo sư 18 m2; giảng viên chính, giảng viên là 10 m2.

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải có phòng nghỉ cho giảng viên. Cứ mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ với diện tích chuyên dùng là 3 m2/giảng viên, diện tích không nhỏ hơn 24 m2/phòng.

pham-hung-anh

Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất giải thích về thông tư quy định mới của Bộ GD&ĐT.

Ngay sau khi được đưa ra lấy ý kiến, dư luận cho rằng quy định trên không khả thi, thậm chí có người nói Bộ đang đưa ra "nhiệm vụ bất khả thi", "trên trời".

Theo giáo sư Lê Du Phong - nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu các trường có thể xây dựng phòng làm việc cho các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên thì rất tốt, nhưng thực tế số trường có thể thực hiện được điều này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Quy định này hơi khó, bởi tiềm lực các trường có hạn. Nếu quy định như vậy thì phải quy định thêm nhiều thứ khác như chức năng, quyền hạn rõ ràng, và đặc biệt là đầu tư đến đâu, làm gì cũng phải có kinh phí”, giáo sư Phong nói.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nội dung thông tư chưa được trình bày rõ ràng về hạn mức tối đa hay tối thiểu, dễ dẫn đến việc các trường hiểu sai phải có phòng cho giáo sư đạt 24m2, phó giáo sư là 18m2 và giảng viên là 10m2.

Trước khúc mắc trên, đại diện Bộ GD&ĐT lên tiếng giải thích. Bộ khẳng định điều kiện về cơ sở vật chất này không bắt buộc các trường phải thực hiện. Quy định này được xây dựng nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất vượt quá những khả năng nhà trường sử dụng đến.

Không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học

Nội dung này nằm trong dự thảo thông tư lấy ý kiến về việc ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Cụ thể, thông tư này quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học có thể sẽ không bắt buộc có phần xếp loại tốt nghiệp, hình thức đào tạo chính quy hay tại chức, chỉ còn một tên chung là bằng cử nhân.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nếu thiếu thông tin xếp loại học lực trên bằng tốt nghiệp đại học thì chất lượng đào tạo rất khó được kiểm soát. Bên cạnh đó, theo nhiều người cần phải có lộ trình để bỏ những thông tin trên, nếu muốn áp dụng mà không tạo kẽ hở để những người học lợi dụng, lách luật.

thicu1 4

Bộ GD&ĐT hướng tới bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp đại học chính quy, thay vào đó, nội dung này sẽ được thể hiện ở phần phụ lục.

Theo tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng, trong bối cảnh hiện nay, nền giáo dục Việt Nam còn cần thêm nhiều thời gian và sự quyết tâm để theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì thông tin xếp loại trên bằng cấp cũng cần thiết, đó là tín hiệu quan trọng cho sự lựa chọn của nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, vị tiến sĩ này cho rằng, việc đánh giá đó cũng là sự ghi nhận quan trọng nhằm khuyến khích những người có nhiều cố gắng trong học tập và đạt loại tốt nghiệp cao.

Đại diện Bộ GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, và kết quả xếp loại này vẫn được ghi nhận tại Phụ lục văn bằng theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021

Nội dung này được Bộ GD&ĐT đưa ra tại cuộc họp với Ủy ban giáo dục quốc gia bàn về phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020. Bộ cho biết, hình thức thi trên giấy vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện như mọi năm, song song với đó là chuẩn bị điều kiện để tổ chức thi trên máy tính thành nhiều đợt.

Mục tiêu của phương án này là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, đảm bảo độ tin cậy. Dự kiến, phương thức thi mới này sẽ được Bộ công bố trước một năm để phụ huynh và học sinh chủ động ôn tập, chuẩn bị tham gia kỳ thi.

Theo đó, những thí sinh chọn hình thức thi trên máy tính có thể tham dự một số đợt thi trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT, sau đó lựa chọn kết quả cao nhất để xét công nhận tốt nghiệp THPT, và sử dụng để đăng ký tuyển sinh tại một số cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nếu có nhu cầu.

thi-thpt-quoc-gia-2019

Thi THPT quốc gia trong tương lai hướng tới việc sử dụng máy tính, chia thành nhiều đợt.

Trước phương án này của Bộ GD&ĐT, hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú Hà Xuân Nhâm cho rằng, việc thi trên máy tính sẽ hạn chế sự tác động của con người. Thậm chí ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi, hệ thống phần mềm chấm thi lập tức cho ra kết quả, đây cũng là một trong những cách để hạn chế các vấn đề tiêu cực, gian lận thi cử.

“Càng ít sự tham gia của con người trong quá trình chấm thi càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề gian lận thi cử, phần lớn đều do con người. Một khi đã cố tình vi phạm, thì vẫn sẽ có những cách để lách luật. Việc này giống như khi tham gia giao thông, dù luật đã quy định rất rõ ràng, nhưng vẫn có những người cố tình vi phạm thì rất khó ngăn chặn một cách tuyệt đối”, hiệu trưởng nêu quan điểm.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng, khi tổ chức thi theo phương án này, cần làm rõ quy định tổ chức nhiều đợt thi trong năm, Bộ phải có hướng dẫn, lộ trình cụ thể từng bước để các trường đưa ra góp ý về mặt thời gian và phương thức áp dụng hiệu quả.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn