Giảng viên Học viện Cảnh sát là nam đại biểu quốc hội trẻ nhất

Giáo dụcThứ Bảy, 06/02/2016 06:18:00 +07:00

Qua bao lần lỡ hẹn bởi vị đại biểu này, mãi đến cuối năm 2015, tôi mới gặp và nghe anh tâm sự.

Tôi biết Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Xuân Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) từ năm 2012. Khi đó, ĐB Thủy đĩnh đạc chất vấn Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến những vụ việc đau lòng trong ngành y. Qua bao lần lỡ hẹn bởi vị ĐB này, mãi đến cuối năm 2015, tôi mới gặp và nghe anh tâm sự.

ĐB Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1985 (quê thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), hiện là Ủy viên Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân.
ĐBQH Nguyễn Xuân Thủy trao đổi với PV báo ĐS&PL (ảnh Thành Long).
ĐBQH Nguyễn Xuân Thủy trao đổi với PV báo ĐS&PL (ảnh Thành Long). 

26 tuổi trở thành ĐBQH

- Là nam ĐBQH trẻ nhất Quốc hội khóa XIII, anh có thể cho biết, cảm xúc của mình như thế nào khi trúng cử ĐBQH?

Hơn 4 năm trước, tôi trúng cử ĐBQH khi mới 26 tuổi. Lúc đó, tôi có cảm xúc vui, buồn, lo lắng đan xen. Vui và tự hào vì ở cương vị ĐBQH, tôi có thể đem tiếng nói của cử tri đến với Quốc hội, đến với các cơ quan của Chính phủ.

Nhưng thú thực, tôi cũng lo lắng rất nhiều. Bởi tôi không biết công việc của một ĐBQH sẽ như thế nào. Tôi chỉ đọc về các ĐBQH trên báo và xem những hoạt động của họ qua truyền hình. Bên cạnh đó, tôi lo lắng vì hiểu biết, kinh nghiệm sống của mình còn hạn chế, liệu có đảm đương được công việc lớn và hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri giao phó hay không?


- Là ĐBQH trẻ nhất, đứng giữa nghị trường, phát biểu trước những ĐB “lão làng”, anh có gặp áp lực nào không?


Trước khi là ĐBQH, tôi là giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân, dạy chuyên ngành luật. Chính vì thế, khi đứng trước nghị trường, phát biểu về vấn đề xây dựng luật, tôi cảm thấy rất tự tin, không bị bỡ ngỡ hay gặp bất cứ áp lực nào.

Tôi là một ĐBQH, đại diện cho tiếng nói của cử tri. Nếu tôi ái ngại hay ngượng ngùng, đồng nghĩa là mình đã không làm tròn trách nhiệm và sẽ có lỗi với cử tri.


- Theo anh, tuổi trẻ có lợi thế gì trong cương vị là một ĐBQH?

Tuổi trẻ được tham gia nghị trường chắc chắn sẽ có cả lợi thế và bất lợi. Lợi thế là tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, muốn chinh phục những khó khăn để khẳng định bản thân. Điều này giúp cho các ĐB trẻ dám nghĩ, dám làm, dám phát biểu những vấn đề mà có khi các ĐBQH khác phân vân. Còn bất lợi chính là kinh nghiệm nghị trường trong việc chất vấn các bộ trưởng.

- Thời gian gần đây, rất nhiều cán bộ trẻ trên cả nước được bầu vào các vị trí quan trọng của địa phương. Anh có cho rằng đây là một nguồn lực mới, cơn gió mới để phát triển đất nước?

Chúng ta đang trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ quá độ, nên rất cần những cán bộ trẻ dám nghĩ dám làm, dám thay đổi lối sống, tư duy, bàn luận về các chính sách để phát triển đất nước.

Đúng vậy, các cán bộ trẻ sẽ là cơn gió mới, cơn gió đầy nhiệt huyết cho công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Tôi luôn ủng hộ những người trẻ được lựa chọn vào những vị trí quan trọng của các địa phương. Tôi tin họ sẽ giúp các địa phương phát triển.


Phụng sự Tổ quốc là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi

- Gần đây dư luận đang có nhiều tranh cãi về việc những học sinh du học không về nước làm việc. Đó là trường hợp 13 quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia du học chỉ có một người trở lại. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Tôi cũng đã nghe thông tin trên. Nhưng trước tiên, chúng ta nên đặt mình vào vị trí 12 bạn đạt được vòng nguyệt quế của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đi du học mà chưa thấy quay trở về. Rõ ràng, môi trường làm việc của nước ngoài sẽ có nhiều tiền, tương lai sáng. Chúng ta phải thừa nhận điều đó.

Tuy nhiên, chúng ta cũng chứng kiến có đến 50% thạc sỹ nước ngoài về thi công chức ở Hà Nội bị trượt. Có lẽ điều này cũng khiến các bạn trẻ du học nước ngoài phải phân vân, lưỡng lự. Bởi việc thi công chức hiện nay trên cả nước đang có vấn đề, vẫn tồn tại những tiêu cực.


- Như anh nói, chính tiêu cực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tri thức trẻ không trở về sau khi đi du học?

Về góc độ chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng ta đều có những chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện đang có vấn đề. Tình trạng “con ông cháu cha”, cơ chế “xin-cho” vẫn tồn tại.

Dù biết  thực tế đó, nhưng rất ít người dám đứng lên chỉ mặt đặt tên từng trường hợp cụ thể, hoặc họ không dũng cảm tố cáo, bóc trần sự thật. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng xử lý.

Đại biểu nam trẻ nhất khóa XIII phát biểu trước QH.
Đại biểu nam trẻ nhất khóa XIII phát biểu trước QH. 

Đặt địa vị anh là một trong những quán quân của Đường lên đỉnh Olympia, nhận được học bổng nước ngoài, được nhiều công ty lớn trên thế giới săn đón với mức đãi ngộ cao, anh có trở về đất nước?

Có lẽ đối với nhiều người, câu hỏi này sẽ rất khó trả lời. Riêng tôi, dù du học ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng sẽ trở về phụng sự đất nước. Những năm giảng dạy ở học viện Cảnh sát, giữ cương vị ĐBQH, tôi nhận ra rằng, việc phụng sự Tổ quốc không những là sự tự nguyện mà còn là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là người trẻ. Mỗi người đều có quê hương và khát khao cống hiến cho quê hương. Tôi rất mong những trí thức trẻ đang làm việc, học tập ở nước ngoài sẽ trở về chung vai gánh vác, cùng đất nước phát triển.

- Là một ĐBQH, anh có ý tưởng hay đề nghị nào về thu hút nhân tài cho đất nước?

Thứ nhất, tôi đề nghị tất cả các địa phương không được tổ chức thi tuyển công chức nữa. Khi tuyển công chức làm việc trong bộ máy Nhà nước, bộ Nội vụ phải đứng ra tổ chức thi. Các địa phương gửi chỉ tiêu rồi lấy kết quả từ cuộc thi đó để xét tuyển vào công chức địa phương. Tôi cho rằng như vậy sẽ đảm bảo chất lượng và hạn chế được tình trạng “xin - cho”, “con ông cháu cha”.

Thứ hai, chúng ta cần phải thêm chính sách, nâng cao đội ngũ ngành sư phạm để có nhiều thầy cô giáo có chuyên môn, đạo đức. Sở dĩ những học sinh, sinh viên ra nước ngoài học vì họ cho rằng các trường đại học ở Việt Nam chưa có chất lượng tốt. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có giáo viên chất lượng, trường lớp tốt, thi tuyển công chức, việc làm công khai, minh bạch thì hoàn toàn có thể giữ chân được các nhân tài.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!                       

Trọng trách của ĐBQH rất lớn

Trong những năm là ĐBQH, anh có những kỷ niệm nào đáng nhớ khi tiếp xúc cử tri?

4 năm là ĐBQH, tôi nhớ nhất một lần đi tiếp xúc cử tri ở Phú Thọ. Khi đó, một cụ già đứng dậy phát biểu khiến cả hội trường cảm động. Cụ rưng rưng nước mắt nói rằng, từ bé đến giờ chỉ nghe và xem ĐBQH trên báo, trên ti vi. Hôm nay mới được gặp trực tiếp, cụ rất vui và hạnh phúc. Điều đó khiến tôi cảm thấy trọng trách của mình lớn lắm và  cũng cảm thấy mình còn nhiều thiếu sót. Bởi, tôi là ĐBQH nhưng chưa gặp được hết cử tri, chưa truyền tải hết ý kiến của người dân.


Nguồn: ĐSPL
Bình luận
vtcnews.vn