Giãn thuế cứu doanh nghiệp sau COVID-19: ‘12 tháng may ra mới nhúc nhích được’

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Năm, 11/06/2020 11:57:00 +07:00
(VTC News) -

Giãn thuế là một trong những biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, nhưng theo chuyên gia đánh giá, khoảng thời gian 5 tháng là không đủ.

Giãn thuế được kỳ vọng

Đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp toàn cầu lao đao. Chính phủ đã có rất nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp. Giãn thuế là một trong những biện pháp được doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nhất.

Cụ thể, ngày 8/4/2020, 2 tháng sau khi đại dịch COVID-19 hoành hành, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nghị định 41 nêu rõ: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa...; sản xuất ôtô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế đều thuộc diện được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, số tiền gia hạn thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41 lên tới 180.000 tỷ đồng. Có tới 98% các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, sản xuất trên toàn quốc được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, lũy kế đến ngày 18/5/2020, cả nước có tổng cộng trên 105.080 đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất được gửi đến cơ quan thuế. Trong đó, có 92.988 hồ sơ đến từ doanh nghiệp, tổ chức và 12.095 hồ sơ của cá nhân đề nghị gia hạn thuế.

Tổng cục Thuế cho biết tính đến ngày 18/5, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn là 27.935 tỷ đồng, trong đó gia hạn đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp là 24.499 tỷ đồng. 

Giãn thuế cứu doanh nghiệp sau COVID-19: ‘12 tháng may ra mới nhúc nhích được’ - 1

 

Không dễ để được giãn thuế

Có thể thấy tổng số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn lũy kế tới ngày 18/5 là 27.935 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với gói hỗ trợ thuế lên đến 180.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy các tổ chức, cá nhân đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ này.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá giãn thuế là chủ trương tốt nhưng trên thực tế, chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Ông Đính cho biết ông đã trao đổi với nhiều doanh nghiệp nhưng dừng như khá phức tạp để được giãn thuế vì rất khó để thực hiện đầy đủ thủ tục. Rất khó để kê khai những thiệt hại, những ảnh hưởng mà COVID-19 gây ra cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp rất đón chờ chủ trương này nhưng khi tôi hỏi thăm thì biết được rằng họ chưa được hưởng nhiều”, ông Đính cho hay.

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn được kỳ vọng được giãn thuế vì giãn thuế đóng góp rất lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông Đính phân tích hiện tại, khối doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 có thể kể đến như du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải, hàng không.

Bất động sản cho thuê cũng chịu tác động không hề nhỏ. Ở mảng này, khách hàng gần như đều dừng toàn bộ hoạt động của mình và không có tiền đóng cho chủ sở hữu tài sản. Trong khi đó, chủ sở hữu bất động sản vẫn phải nộp thuế, tiền thuế đất. Theo ông Đính, đang xảy ra nghịch lý chủ sở hữu bất động sản nỗ lực hỗ trợ đơn vị đi thuê nhưng bản thân họ lại không nhận được hỗ trợ.

Trong đại dịch COVID-19, không đơn vị nào không bị ảnh hưởng, doanh nghiệp càng lớn thì càng ảnh hưởng nặng”, ông Đính nói về quy mô doanh nghiệp rất cần hỗ trợ từ chủ trương giãn thuế.

Giãn thuế cứu doanh nghiệp sau COVID-19: ‘12 tháng may ra mới nhúc nhích được’ - 2

 

"12 tháng may ra mới nhúc nhích được"

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng đánh giá cao chủ trương giãn thuế giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một trong những vấn đề ông Lực quan tâm chính là thời gian giãn thuế.

Khi được hỏi về thời gian giãn thuế lên đến 2 năm của Hàn Quốc, TS Lực bình luận tác động COVID-19 tới mỗi quốc gia, tới khối doanh nghiệp mỗi quốc gia là khác nhau. Vì vậy, các chính sách áp dụng cũng sẽ khác nhau: “Bệnh nhẹ thì không thể dùng thuốc liều cao được”, ông Lực ví von.

Dù vậy, xét với khối doanh nghiệp ở Việt Nam, ông Lực đánh giá 5 tháng giãn thuế là chưa đủ. Ông Lực cho biết ông đã đề xuất thời gian giãn thuế cho doanh nghiệp Việt Nam tối thiểu lên đến hết quý 1 năm 2021.

Lý do ông Lực đề xuất nới thời gian giãn thuế vì khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ lâu hơn vài ba tháng, thậm chí đến vài ba quý.

Hết năm nay, thậm chí tới quý đầu tiên của năm tới, doanh nghiệp mới gần như có khả năng phục hồi hoàn toàn. Báo cáo phân tích mà chúng tôi thực hiện cho thấy khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam theo logo của Nike: Đi xuống mất vài quý rồi bứt phá trở lại. Nhưng đó là câu chuyện của năm tới. Còn năm nay, chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chúng ta phấn đấu tăng trưởng đạt từ 4-5% nhưng rõ ràng khó khăn hơn nhiều so với moi năm”, ông Lực phân tích.

Ông Lực một lần nữa nhấn mạnh và cái “được” của giãn thuế. Theo ông Lực, câu chuyện giãn thuế không phải giảm thuế mà là Chính phủ, Bộ Tài chính gia hạn thêm thời gian cho doanh nghiệp. Khoản tiền thu ngân sách vẫn nằm ở đó.

Vấn đề là Chính phủ sẽ “hy sinh” tiền lãi. Nếu số tiền đó được nộp về sớm, Chính phủ có thể đem gửi và hưởng lãi. Theo tính toán của ông Lực, khoản lãi đó có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Thế nhưng, khi gian hạn thuế, Chính phủ “hy sinh” vài ngàn tỷ đồng lãi suất nhưng Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn, hoàn thiện thanh khoản, không phải nộp tiền phạt. Đây là điều vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại kỳ vọng thời gian giãn dài thuế cho doanh nghiệp. Bà Lan phân tích khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, tất cả các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều gặp muôn vàn khó khăn: khó khăn từ nguồn vốn, nguyên vật liệu, tiền lương,...

Về nguồn vốn, mặc dù có các gói hỗ trợ nhưng doanh nghiệp rất khó để tiếp cận. Với những đơn vị may mắn tiếp cận được vốn vay ngân hàng thì lại đương đầu với thách thức về nguyên liệu đầu vào. Theo bà Lan, các doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Tình hình COVID-19 tại Trung Quốc vẫn còn căng thẳng nên nguồn cung cho doanh nghiệp trở nên khó khăn. Nguồn cung trong nước lại đắt đỏ.

Chính phủ đã lên kế hoạch tung ra gói hỗ trợ trả lương lên đến 16.000 tỷ đồng. Thế nhưng, báo cáo mới nhất cho thấy chưa khoản nào được giải ngân. Đây cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp. Bà Chi Lan cho biết các đơn vị bà quan sát cũng không ai nhận được khoản hỗ trợ này. Chính vì vậy, nguồn tiền trở nên vô cùng quan trọng.

"Việc nộp thuế là rất khó khăn với doanh nghiệp. Cơ quan thuế nói đã cố gắng rất nhiều. Chính sách đã có nhưng chính sách cần mở hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Theo tôi, với tình trạng hiện nay, thời gian giãn thuế tối thiểu 12 tháng may ra doanh nghiệp mới có thể nhúc nhích được", bà Lan nhận định về thời gian giãn thuế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Đúng ra chúng ta có thể giảm thuế”

Tôi cho rằng chắc chắn biện pháp giãn thuế phải thực hiện ít nhất đến hết quý I/2021. Vì biện pháp giãn thuế nếu được thực hiện dĩ nhiên giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Khoản tiền khá lớn thay vì phải nộp cho ngân sách, doanh nghiệp có thể sử dụng chúng để đầu tư, nhằm mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Giãn thuế là cách trì hoãn việc trả, không phải tha nợ, miễn thuế. Nó mang tính giai đoạn. Đúng ra chúng ta có thể giảm thuế.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn