Gian nan những hạt nổ sắc màu lên mâm cúng Tết

Thời sựThứ Hai, 08/02/2016 02:37:00 +07:00

Từ bao đời nay, trong các mâm cúng dịp lễ Tết của người dân xứ Huế không thể thiếu một món gọi là "hạt nổ".

(VTC News) - Từ bao đời nay, trong các mâm cúng dịp lễ Tết của người dân xứ Huế không thể thiếu một món gọi là "hạt nổ".

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, sở dĩ trong các lễ cúng đều dùng hạt nổ là để phân phát cho các cô hồn đang đói khát, vất vưởng khắp nơi. Hạt nổ thường bỏ trong cái dĩa trên các mâm giỗ, lễ tết tất niên…sau khi hương tàn thì đốt vàng mã, vứt hạt nổ xung quanh cùng với cháo thánh.

Trước đây hạt nổ có 5 màu: đỏ, trắng, xanh, vàng, nâu để đi cùng với 5 màu của áo binh nhưng ngày nay người ta không làm hạt nổ màu nâu do có màu sắc đen chỉ sự không may mắn.
Hạt nổ là sản phẩm không thể thiếu trên mâm lễ cũng ngày tết của người Huế.
Hạt nổ là sản phẩm không thể thiếu trên mâm lễ cũng ngày tết của người Huế.
Chưa có thống kê cụ thể nào về số lượng hạt nổ được tiêu thụ mỗi năm, chỉ biết trong dịp Tết lễ, giỗ, chạp mâm cơm của mỗi gia đình xứ Huế đều không thể thiếu những hạt nổ đủ sắc màu.

Thế nhưng ít ai biết, hiện ở đất cố đô chỉ còn khoảng 20 người vẫn theo nghề làm hạt nổ, chủ yếu tập trung ở làng Mậu Tài và Lại Ân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm hạt nổ vốn xuất phát từ một phụ nữ lấy chồng ở làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), sau đó nghề được lưu truyền rộng rãi.

Gian nan “hạt nổ” thủ công

Những ngày cận tết hàng chục gia đình ở làng Mậu Tải lúc nào cũng tất bật đề làm đủ lượng “hạt nổ” cung ứng cho thị trường ở Huế và các vùng lân cận.

Nhu cầu người dân tăng cao nên mùa Tết được coi là dịp "ăn nên làm ra" của những gia đình làm hạt nổ trong làng, nhưng cũng chính bởi vậy mà những người làm hạt nổ mỗi ngày đều phải thức khuya, dậy sớm, tảo tần, xoay sở rất nhiều công đoạn mới làm ra được những mẻ hạt nổ sắc màu.
Muốn cho ra hạt nổ nhiều màu sắc phải trộn bột với phẩm màu.
Muốn cho ra hạt nổ nhiều màu sắc phải trộn bột với phẩm màu.
Ông Phan Dũng (55 tuổi, làng Mậu Tài) chia sẻ: “Thời điểm giáp tết gia đình tôi phải nhờ hàng xóm sang giúp, các thành viên trong gia đình bận rộn cả ngày cũng không kịp làm đủ sổ lượng giao cho khách”.

Theo ông Dũng, hàng ngày vợ chồng ông phải dậy từ 5h sáng và làm cho đến 21h mới có thể cho ra 5kg hạt nổ nếp. “Thấy hạt nổ thì đơn giản vậy chứ khó làm và tốn nhiều công sức lắm”, ông Dũng nói thêm.
Sau khi hấp dàn bột mỏng ra một tấm lưới.
Sau khi hấp dàn bột mỏng ra một tấm lưới.
Được biết, ở làng Mậu Tài, hiện chỉ có gia đình ông Dũng còn làm nghề hạt nổ theo phương thức thủ công truyền thống. Do làm bằng thủ công nên trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, mất thời gian và rất vất vả.

Để làm ra hạt nổ đẹp quan trọng nhất là khâu chọn gạo nếp, hạt nếp phải to, trắng, không bị lẫn với gạo tẻ để hạt nổ tròn trịa và tỉ lệ hao hụt thấp.

Mỗi công đoạn có những yêu cầu riêng, đòi hỏi người làm phải tập trung và cẩn thận. Đầu tiên lấy gạo nếp ngâm vào nước sạch khoảng 5 ngày cho gạo nở, đem nếp rửa sạch bằng nước giếng, nước máy rồi đổ nếp vào máy để xay. Sau đó đem bột rây trên tấm vải dày để lấy tinh bột rồi bọc trong vải để ép khô.

Sau đó, số tinh bột này được đem trộn với phẩm màu, cho phẩm càng nhiều thì màu càng đậm. Bột màu sau đó được đem nhồi thật dẻo, rồi đem dàn mỏng lên một vật dụng gọi là cái tẹt. Đem tẹt vào nồi hấp chín trên than tổ ong hoặc than đá để lâu tàn và đủ nhiệt để hạt nổ nở tròn, to.

Khoảng 15-20 phút sau thì lấy ra sao cho bột không quá chín mà cũng không sống. Lúc này, lớp bột màu lại được cho vào tấm lưới dùng tay kéo mỏng ra xung quanh. Đem tấm bột phơi khô (trời mưa thì đem vào bếp sấy khoảng 15 phút).

Lấy kéo cắt thành từng cọng nhỏ (mỗi cọng dài khoảng 10cm), đem các cọng đó bỏ vào lò sấy khoảng nửa tiếng cho vừa khô.
Dàn xong thì đem xấy trên bếp cho khô.
Dàn xong thì đem xấy trên bếp cho khô.
Để nguội cọng bột và cắt thành từng hạt nhỏ bằng hạt đậu phộng sau đó bỏ vào chảo có cát vàng để rang. Dưới sức nóng của lò bếp, những hạt bột phồng lên thành những hạt nổ đủ sắc màu: đỏ, vàng, trắng, xanh.

Những hạt nổ thành phẩm được chở lên chợ Đông Ba giao cho các mối buôn sau đó được bán ra cho các người mua lẻ ở khắp xứ Huế và vùng phụ cận.

Các công đoạn vất vả là vậy, nhưng một cân hạt nổ chỉ có giá 50 nghìn đồng. Dịp tết, sau khi trừ tất cả chỉ phí người làm thu lãi 100.000 đồng/người/ngày. Các ngày thường chỉ khoảng 30 – 50 nghìn đồng/người/ngày.

Bà Trần Thị Chi (54 tuổi, làng Mậu Tài) cho biết: “Nghề ni dịp giáp tết, trong tết bận rộn hơn các ngày thường. Số lượng làm ra nhiều hơn nhưng tiền kiếm được cũng cao hơn không nhiều lắm. Chủ yếu là lấy công làm lãi”.


Chế máy làm “hạt nổ”

Theo ông Phan Dũng, trước đây các gia đình làm nghề hạt nổ đều làm theo phương pháp thủ công. Từ già đến trẻ ai cũng làm, trẻ thì cắt bột, già thì kéo bột không khí vui vẻ nhưng vất vả.
Sấy xong thì bắt bột thành từng cọng dài khoảng 10cm.
Sấy xong thì bắt bột thành từng cọng dài khoảng 10cm.
Thấy làm thủ công cực quá mà lượng sản phẩm làm ra không nhiều nên dân Mậu Tài, Lại Ân “chế” ra máy làm hạt nổ.

Khi làm thủ công nguyên liệu làm hạt nổ bắt buộc phải là gạo nếp, nay làm máy nguyên liệu là gạo thường, chủ yếu là các loại gạo Khang Dân, 13/2 vì chứa nhiều tinh bột. Nguyên do là khi xay bằng máy nếu dùng gạo nếp thì hạt nổ sẽ xấu.

Anh Nguyễn Văn Tiến (42 tuổi, làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) cho biết, sản xuất hạt nổ bằng máy đơn giản hơn nhiều. Đầu tiên chọn loại gạo tròn hạt, đẹp, nhiều chất tinh bột, rồi trộn phẩm màu. Sau đó đổ từng ca hỗn hợp gạo có phẩm vào phễu gắn trên máy. Sản phẩm thu được là những hạt nổ to, tròn, nhiều màu sắc.
Tiếp tục cắt các cọng bột thành hạt nhỏ rồi rang trong cát vàng và thu được hạt nổ.
Tiếp tục cắt các cọng bột thành hạt nhỏ rồi rang trong cát vàng và thu được hạt nổ.
“Gia đình tự chế ra bộ khuôn và các bộ phận máy phù hợp với kết cấu để làm ra hình dạng hạt nổ đẹp. Đây chính là khó khăn lớn nhất trong việc sử dụng máy móc”, anh Tiến cho hay.

Anh Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm, một máy hoạt động liên tục, mỗi ngày làm ra khoảng 150 kg hạt nổ. Giá hạt nổ làm bằng máy sẽ rẻ hơn giá hạt nổ làm thủ công và rơi vào  khoảng 17.000đ/kg.  Trong quá trình vận chuyển hạt nổ làm bằng gạo  thường khó hư hỏng hơn so với gạo nếp nhưng màu sắc thì xấu hơn.

Có thể cũng bởi những lý do này mà một số ít các gia đình ở 2 ngôi làng nói trên vẫn giữ lại nghề làm hạt nổ thủ công, tuy vất vả nhưng vui tươi, lại lưu giữ được một thứ nghề truyền thông.

Tuấn Hiệp - Nguyễn Vương
Bình luận
vtcnews.vn