Gian lận bài báo quốc tế: Người không liêm chính mới làm như vậy

Diễn đànThứ Năm, 29/10/2020 10:33:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, nếu các ứng viên PGS, GS gian lận thì cần nghiêm túc xử lý, vì đó không chỉ là háo danh mà đằng sau còn là lợi ích kinh tế và chính trị.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn thư tố cáo 36/50 ứng viên GS, PGS ngành Y và Dược gian lận trong công bố nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế. Nhiều nhất là lĩnh vực Y học, 30/40 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành thông qua và đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS (9 ứng viên GS, 31 ứng viên PGS).

Đại đa số các ứng viên bị tố đều liên quan đến các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí mở (OA) hoặc tác giả công bố nhiều bài nghiên cứu trên cùng một số của tạp chí.

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng, trong cùng một số báo mà ứng viên có 3-5 bài đăng tải, rõ ràng có vấn đề. Tuy nhiên, hiện mới là nghi vấn, chúng ta nên chờ quyết định cuối cùng từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Nếu có chuyện ứng viên gian lận bằng cách đăng bài trên những tạp chí kém chất lượng và mua bài thì phải nghiêm túc xử lý. “Đây không chỉ là hành động háo danh mà đằng sau là lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị của các PGS và GS”, TS Vinh nhấn mạnh.

Ông thẳng thắn đề nghị những trường hợp gian lận thì nên tự xin rút khỏi danh sách ứng viên xin xét duyệt chức danh GS, PGS năm nay trước khi có kết luận từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Tránh để tới lúc bị phát hiện ra việc không trung thực thì người đó sẽ mất danh dự.

Đồng thời, vị chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại quy định tiêu chuẩn về các bài báo quốc tế. Nếu có hiệu tượng lách luật, gian lận thì chứng tỏ tiêu chuẩn vẫn không ổn và còn tồn tại lỗ hổng.

Theo quy định tại Quyết định 37 của Thủ tướng về xét công nhận chức danh GS và PGS, một trong những điều kiện để xét là tính theo số lượng bài báo công bố quốc tế (GS 5 bài, PGS 3 bài), như vậy là làm việc theo hướng cộng điểm ăn tiền. Do đó, ông đề nghị, ngoài việc xem xét chất lượng tạp chí thì cũng nên xem xét lại chất lượng nội dung thực sự của những công trình.

Gian lận bài báo quốc tế: Người không liêm chính mới làm như vậy - 1

 

Liên quan vấn đề này, GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia cho rằng, ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học dùng cách phân loại tập san của Scopus theo 4 nhóm Q1, Q2, Q3, Q4. Theo họ, cứ những tập san thuộc nhóm "Q" là uy tín. Tuy nhiên, GS Tuấn không đồng ý với cách phân loại đó vì 2 lý do.

Thứ nhất, cách phân loại đó là cách làm của một tập đoàn thương mại và lợi nhuận được ưu tiên hơn khoa học. Thứ hai, ở góc độ đánh giá khác thì không ít tập san trong nhóm Q3 và Q4 có thể xem là 'dỏm' và nó không được cộng đồng khoa học công nhận.

Những tập san chính thống sẽ do các hiệp hội khoa học làm chủ quản; được xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press, v.v.). Nếu không do hiệp hội khoa học chủ quản thì do các nhà xuất bản dưới sự quản lí học thuật của các nhà khoa học có uy tín cao trên đấu trường quốc tế.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước chỉ nên chấp nhận các tập san chính thống, còn các tập san không thuộc đối tượng trên đều sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên việc phân biệt tập san "dỏm" và tập san chính thống càng ngày càng khó, bởi vì “kỹ nghệ” xuất bản "dỏm" thay đổi liên tục. Từng có một số tập san được đưa vào danh mục Scopus, nhưng sau một thời gian đánh giá đã bị loại ra do không đạt tiêu chuẩn. Điều đó cho thấy nếu chỉ dựa vào cách phân nhóm từ Q1 đến Q4 là rất dễ sai lầm.

Theo giáo sư Tuấn, phải là những người trong chuyên ngành đó thì mới biết rõ. Ví dụ như tập san Journal of the Endocrine Society (chưa có trong danh mục ISI hay Scopus) mọi người không thể phân biệt được đó là chính thống hay phi chính thống. Nhưng với các nhà khoa học về nội tiết học dễ dàng nhận biết đó là tập san này chính thống của Hiệp hội Nội tiết học Hoa Kỳ, do nhà xuất bản Oxford ấn hành.

Để phát hiện được đâu là tập san uy tín thì đòi hỏi các thành viên hội đồng phải có kinh nghiệm nhiều năm công bố khoa học mới có đủ năng lực để đánh giá chính xác các tập san y khoa có uy tín cao, GS Nguyễn Văn Tuấn nhận định.

Trả lời báo chí, GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y cho hay, chuyện đăng ở tạp chí khoa học như thế nào khá phức tạp. Trong hàng nghìn tạp chí hiện nay, có tạp chí dạng vừa hoạt động khoa học vừa business (kinh doanh). Hội đồng Giáo sư ngành Y sẽ có những bài viết để giải trình vấn đề này.

GS Phước thừa nhận công bố khoa học của ngành Y do người trong nước chủ trì là rất ít, bởi công bố khoa học của ngành này rất khó. Trong đó, nghiên cứu về y học cơ sở là những chuyện không liên quan đến bệnh tật, nhưng đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm, phương tiện càng hiện đại thì mới được tin tưởng.

Về nghiên cứu lâm sàng (chữa bệnh) càng ngày càng khó vì ngày càng nhiều bệnh chữa được. Do vậy, những kỹ thuật phải được chứng minh và phải rất tinh vi mới có giá trị, không như cách đây 30-40 năm có thể thống kê là chữa cái gì.

“Y học là lĩnh vực rất rộng. Hướng nâng cao chất lượng là đúng nhưng tùy đặc thù từng ngành. Có những vấn đề nếu đòi hỏi chất lượng quá cao thì cuối cùng chả quan tâm vì không có ai nghiên cứu và công bố. Trong khi có những chuyện đời thường vẫn rất cần thiết”, GS Phước nói.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn