Giảm phí ‘nhỏ giọt’ hãng bay: ACV ‘hỗ trợ’ hay nhận phần lợi nhất?

Thị trườngThứ Tư, 25/03/2020 07:25:00 +07:00
(VTC News) -

ACV đang “hỗ trợ” hãng bay kiểu lạ đời, cái gì có lợi nhất cho mình, đỡ thiệt hại nhất cho mình thì “hỗ trợ”, khiến doanh nghiệp đang kiệt sức phải cười ra nước mắt.

Nhìn vào mức phí “giảm cho có” của ACV, các hãng hàng không Việt Nam chỉ có thể “cười ra nước mắt”.

Covid-19 khiến các hãng hàng không Việt đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất lịch sử. Cùng với gánh nợ tài chính từ các dịch vụ đắt đỏ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp hàng không đang đối diện nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào.

Ngay từ đầu tháng 2, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh, thế nhưng mãi đến tháng 3 thì ACV mới giảm giá nhằm “chia sẻ khó khăn cùng với các hãng hàng không”.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Hàng không, ngày 20/3, ACV cho biết sẽ giảm giá 7 loại dịch vụ nhằm “chia sẻ, đồng hành” với các doanh nghiệp trong “cơn bão Covid-19”.

Những tưởng đây là “cái phao” ném xuống biển lạnh. Nhưng hóa ra, gánh nặng thật sự lại không được gỡ bỏ khi các  doanh nghiệp đồng loạt cho rằng họ được lợi không đáng kể từ việc ACV giảm giá 7 loại dịch vụ này vì cái cần giảm thì lại giảm “nhỏ giọt”.

Giảm phí ‘nhỏ giọt’ hãng bay: ACV ‘hỗ trợ’ hay nhận phần lợi nhất? - 1

ACV đã giảm phí dịch vụ bay nhưng vẫn không được dư luận đồng tình. 

Phí dẫn tàu bay tuy giảm 50% nhưng theo các hãng hàng không, con số này không tiết kiệm được đáng kể, do phí này thấp và hầu hết máy bay hiện nằm sân do các chuyến bay bị cắt, hủy.

Về “chính sách miễn 100% dịch vụ thuê văn phòng đại diện” mà ACV đưa ra thì lại là đương nhiên vì hầu hết hoạt động của các văn phòng đại diện mà doanh nghiệp thuê của ACV đều đã đóng cửa.

Trong khi đó, các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất chiếm đáng kể trong chi phí của hãng lại chỉ được giảm 10%.

Bởi vậy, dù đa số máy bay đang nằm “đắp chiếu” thì các hãng vẫn è cổ trả loạt khoản phí. Đáng kể nhất là phí sân đậu, khoảng 3 triệu đồng mỗi tàu bay/ngày. Cùng đó, phí sử dụng thiết bị đầu cuối cũng ngốn của mỗi hãng hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Những khoản phí tốn kém này, ACV không giảm hoặc không có đề xuất miễn giảm.

Hay nói một cách chính xác thì việc giảm 7 loại dịch vụ của ACV thực chất không có nhiều tác dụng tích cực với các hãng hàng không khi mà những khoản phí tốn kém kể trên ACV không giảm hoặc không có đề xuất miễn giảm.

XEM THÊM:

>> Hỗ trợ hãng bay 'cho có', ACV bị phản ứng gay gắt

>> Hãng bay ‘è cổ’ gánh thuế phí, ACV lãi khủng, có 31 nghìn tỷ gửi ngân hàng

Chính Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng vạch rõ ACV giảm giá dịch vụ kiểu hình thức và đối phó

Rõ ràng, ACV đang hỗ trợ kiểu lạ đời, cái gì có lợi nhất cho mình, đỡ thiệt hại nhất cho mình thì hỗ trợ, không cần biết doanh nghiệp có nhẹ gánh bớt không. Trong khi thiệt hại do việc cắt giảm đường bay khiến ngành hàng không Việt mất hơn 30.000 tỷ đồng, con số ấy chắc chắc sẽ còn tăng lên hàng ngày, ấy thế mà, chỉ với hành động hời hợt đó, ACV vẫn có thể “vỗ ngực” tuyên bố rằng, đã làm tròn trách nhiệm của một “ông lớn” được nắm thế độc quyền ở 22 sân và dự án sân bay Long Thành.

Giảm phí ‘nhỏ giọt’ hãng bay: ACV ‘hỗ trợ’ hay nhận phần lợi nhất? - 2

Máy bay của các hãng nằm chờ tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Duy Thành)

Chưa nói đến vấn đề đạo đức kinh doanh, chỉ riêng vấn đề quản lý thì với cách hành xử đó ACV liệu có xứng tầm được giữ sự độc quyền ở các sân bay hay không?

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng không cho rằng việc duy trì vị thế độc quyền của ACV không còn phù hợp với xu thế thế giới và chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của Nhà nước.

Còn PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống nhận định, nếu ACV tục duy trì thế độc quyền tại sân bay thì cổ đông nước ngoài ở ACV sẽ tiếp tục được hưởng siêu lợi nhuận, gây bất công với các nhà đầu tư tiềm năng khác, cũng như bất công với các hãng hàng không và hành khách sử dụng dịch vụ.

Hiện một chiếc máy bay đang phải “chở” hơn 20 loại phí: phí phục vụ tại nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm...

Hằng năm, chi phí khổng lồ này đã khiến các doanh nghiệp hàng không quay quắt trả nợ. Thế nhưng, giữa “bóng ma” Covid-19, gánh nặng này càng lớn hơn bao giờ hết, chỉ chực đổ sập, chôn vùi những doanh nghiệp yếu thế.

Bởi vậy, chừng nào ACV còn chưa thật lòng sát cánh cùng doanh nghiệp thì chừng đó doanh nghiệp hàng không vẫn cần đến một “quan tòa” sáng suốt, để buộc doanh nghiệp này chỉ được “tung tác” có chừng mực mà thôi.

Video: Thủ tướng: Cuộc chiến chống Covid-19 bước vào giai đoạn 3 

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn