Giảm lãi suất: Không lo tiền 'chảy' chỗ khác

Kinh tếThứ Bảy, 09/06/2012 07:08:00 +07:00

(VTC News) - Không đợi đến 11/6, các ngân hàng thương mại ngay trong ngày 8/6 đã rục rịch điều chỉnh biểu lãi suất huy động xuống còn 9%/năm.

(VTC News) - Không đợi đến 11/6, các ngân hàng thương mại ngay trong ngày 8/6 đã rục rịch điều chỉnh biểu lãi suất huy động xuống còn 9%/năm sau công bố của Thống đốc NHNN tại diễn đàn Quốc hội chiều 7/6.



Đã xuất hiện những lo ngại người dân sẽ không mặn mà với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, có những ý nghĩa khác của việc giảm lãi suất nằm ngoài khả năng này.

Ngân hàng hạ lãi suất còn 9%/năm


Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) "mở màn" trong việc hạ lãi suất huy động  từ 11%/năm xuống 9%/năm, trước thời điểm áp dụng 3 ngày theo công bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại diễn đàn Quốc hội chiều 7/6. Chiều 8/6, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 9%/năm.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động, cho vay sớm hơn ngày 11/6- thời điểm trần lãi suất có khả năng được điều chỉnh về 9% một năm với huy động và 12% với cho vay.

 


Sáng 8/6, lãi suất tiết kiệm cao nhất niêm yết từ 1 tháng tại Vietcombank đang là 10,5% một năm, thấp hơn 0,5% so với trần quy định. Đây cũng là mức cao nhất của nhà băng này, khi mà ở các kỳ hạn dài hơn 1 tháng, lãi càng có xu hướng thấp đi. Với 2 và 3 tháng, mức tối đa áp dụng là 10%. Còn từ 6 tháng đến 2 năm, lãi là 9,5% một năm. Gửi dài hơn 2 năm, mức tối đa khách hàng cá nhân nhận được chỉ 8%.

ACB cũng là ngân hàng có bảng lãi suất niêm yết thấp hơn so với trần 11%. 10,8% một năm là lãi suất tối đa nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng, lĩnh lãi tháng hoặc cuối kỳ. Với các khoản gửi khác từ 2 đến 36 tháng, lãi suất dao động 9,3% đến 11% một năm. Một số kỳ hạn khác vẫn bằng với trần huy động 11%, nhưng đa phần đều thấp hơn nếu khách gửi tiền lĩnh lãi hàng tháng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, chiều 7/6, trong phiên họp Quốc hội, cho biết: mức lãi suất 9%/năm vẫn đảm bảo người dân được hưởng lãi suất thực dương, vì tỷ lệ lạm pháp kỳ vọng năm 2012 là 7-8%. Riêng tháng 6, lạm phát có thể chỉ 0,2%.

Lãi suất hạ sẽ kích thích tiêu dùng


Trước đó, đa số ý kiến của đại biểu QH nghiêng về phương án tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất xuống nữa, thậm chí có đại biểu còn “mạnh mẽ” đề xuất nên đưa ngay lãi suất huy động luôn xuống 9%/năm. Về việc nên tiếp tục hạ lãi suất trong thời điểm này, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có bình luận: “Không nên lo ngại giảm lãi suất huy động xuống thấp thì người dân không gửi tiền vào ngân hàng. Người dân không gửi tiền vào ngân hàng mà họ tiêu dùng thì sẽ giúp giải quyết hàng tồn kho. Nếu họ đầu tư vào bất động sản thì sẽ tốt cho thị trường này, hay đầu tư vào chứng khoán sẽ thúc đẩy cơ cấu tái cấu trúc thị trường tài chính. Nhà đầu tư xoay vòng kiểu gì cũng tốt, chứ không nên cố thủ quá. Với lại chúng ta phải nhìn vào số lượng người thất nghiệp đang tăng chứ không nên chỉ nghĩ tới người có tiền gửi vào ngân hàng”

PGS – TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, tiếp tục hạ lãi suất vào thời điểm này sẽ có 4 ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, giảm lãi suất giúp cho DN giảm bớt chí phí vốn để đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh.

Thứ hai, hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc lại thị trường tài chính để giúp các DN huy động vốn trên thị trường chứng khoán khi đó sẽ giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Cụ thể là khi LSHĐ ở mức 9%/năm thì với những DN có tỷ suất lợi nhuận khoảng 13% có thể huy động được vốn qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

 


Thứ ba, giảm lãi suất còn thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các DNNN, thúc đẩy cổ phần hóa.

Thứ tư, giảm lãi suất còn giúp cho việc phành trái phiếu của Chính phủ trở nên dễ hơn, với lãi suất phát hành thấp hơn. Nếu năm nay chúng ta dự kiến phát hành trên 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ mà lãi suất phát hành chỉ 10%/năm thì NSNN tiết kiệm từ 1-2 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù giảm lãi suất mang lại nhiều ý nghĩa song PGS-TS. Trần Hoàng Ngân cũng phản đối chuyện tăng dư nợ mà giảm nguyên tắc cho vay. Bởi tăng dư nợ bằng mọi giá sẽ rất nguy hiểm có thể khiến nợ xấu gia tăng. Trong khi đó, nợ xấu là một trong những tác nhân nghiêm trọng dẫn đến suy giảm kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Ngân cho rằng, cần đưa ra thông điệp rõ ràng hơn. Đó là việc giảm lãi suất huy động thời gian tới theo mục tiêu của lạm phát mà Nghị quyết Quốc hội thông qua là đến 2015 lạm phát chỉ ở mức 5-7%. Điều đó có nghĩa là lãi suất huy động chỉ duy trì ở mức 8-9%. Khi thông điệp lãi suất rõ ràng, ổn định thì người dân, nhà đầu tư sẽ không “cố thủ” mà mạnh dạn đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Kim Chi



Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây



Bình luận
vtcnews.vn