Giảm lãi suất: Chưa chắc vốn rẻ đến tay doanh nghiệp

Kinh tếThứ Năm, 15/03/2012 08:25:00 +07:00

(VTC News) – Mặt bằng lãi suất đàu vào đã hạ, song DN lo rằng chưa chắc vốn rẻ đầu ra đã đến tay doanh nghiệp.

(VTC News) – "Việc giảm lãi suất đầu vào lúc này mà không có biện pháp khống chế đầu ra thì vốn rẻ đến được tay doanh nghiệp là điều không thể", ông Minh nói.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố điều chỉnh lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VND) và áp dụng ngay từ ngày 13/3/2012.

Cụ thể, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam công bố, từ ngày 13/3/2012 lãi suất huy động VND tại VietinBank là 13%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng, kỳ hạn trên 36 tháng có mức 9%/năm, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là 3%/năm, dưới một tháng là 5%/năm. Mức trần lãi suất huy động mới sẽ áp dụng với các khoản tiền gửi mới phát sinh hoặc đến kỳ điều chỉnh lãi suất.

 

Tương tự, theo bảng lãi suất niêm yết trên trang web của Techcombank, ngân hàng này cũng đã thông báo lãi suất mới với các mức như: kỳ hạn 1 - 12 tháng: 12,94%; kỳ hạn 13 - 36 tháng: 11,95%; 17 ngày - 1 tuần: 5%/năm.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng công suất áp dung lãi suất không kỳ hạn là 2,40 %/năm, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng lãi suất là 5%/năm và các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn trên 1 tháng được áp dụng mức lãi suất là 13%/năm.

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 5%/năm và các kỳ hạn có thời hạn từ 1 tháng trở lên được áp dụng lãi suất 13%/năm.

Trước đó, ngay từ chiều ngày 12/3/2012 ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã   thông báo hạ lãi suất theo quy định mới, cụ thể  lãi suất cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng tại ngân hàng này là 13 % năm, các kỳ hạn trên 12 tháng áp dụng ở mức 12,8% và 12%/năm, còn các kỳ hạn 1 tuần đến 3 tuần đều có mức lãi suất 5%/năm.

 

Ngân hàng TMCP Tiên phong (TienPhongBank) cũng đã ban hành biểu lãi suất huy động mới có mức lãi suất cao nhất là 13% cho các kỳ hạn tiết kiệm từ 1 tháng trở lên. Đối với hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và kỳ hạn tuần mức lãi suất tối đa quy định là 5%. 

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) cũng điều chỉnh lãi suất tiếp kiệm cho cá nhân với mức lãi suất cao nhất là 13% cho các kỳ hạn từ 01 tháng đến 13 tháng. Thấp nhất là 3,6% cho loại không kỳ hạn và 5% cho loại kỳ hạn từ 01 tuần đến 03 tuần.

Tại Eximbank, lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 12,85%/năm và áp dụng cho các kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng. Ở các kỳ hạn dài từ 7 tháng đến 13 tháng, lãi suất được kéo xuống còn 12,5% và xuống còn 12% ở kỳ hạn trên 13 tháng.

Còn theo Ngân hàng An Bình (ABBank), ABBank sẽ giảm ngay 1,5% lãi suất so với lãi suất ban hành của sản phẩm từng thời kỳ trong kỳ lãi đầu tiên ngay khi giải ngân. Đối tượng được vay vốn là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể.

 

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa công bố hạ lãi suất cho vay, mức giảm cao nhất lên tới 2%/năm, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi với tổng hạn mức 5.000 tỷ đồng.

“Chủ trương giảm lãi suất vay lần này của chúng tôi nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, đại diện lãnh đạo VPBank cho biết.

Biểu lãi suất tại Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng được điều chỉnh kể từ ngày hôm nay (13/3). Theo đó, mức lãi suất tiền gửi tối đa cũng có mức 13%/năm. Mức còn lại từ 3,6% và 4,2% cho đến 5% cho các hạn ngắn từ 1 tuần đến 3 tuần. Ngoài hai kỳ hạn 12 và 13 tháng được hưởng lãi suất 13%, khách hàng gửi kỳ hạn 1 tháng đến 9 tháng nhận được lãi suất 12,88% và giảm xuống còn 11,4% và 10,9% đối với các kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Trong khi đó, cả BIDV, Vietcombank hay TienPhongBank và GPBank đều giữ lãi suất duy nhất cho các kỳ hạn huy động từ 1 đến 36 và 60 tháng.

 

Người dân “đua” nhau ra ngân hàng gửi tiền tiết kiệm

Chiều 13/3, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lượng tiền đồng gửi vào ngân hàng trong tháng 2 đã tăng hơn 1,6% so với tháng trước đó.

Theo đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 20/2 ước tăng 1,66% so với tháng 1, trong đó tiền gửi bằng VND tăng 2,24%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 0,81%. So với cuối năm 2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước giảm 0,62% (do tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 1 giảm 3,29% so với cuối năm 2011).

 

Trong khi đó, cho vay đối với nền kinh tế ước giảm 0,53% so với tháng trước. Tín dụng bằng VND giảm 0,371%, bằng ngoại tệ giảm 1,11%. So với cuối năm 2011, tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 2,51%.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 20/2 giảm 0,64% so với tháng 1 và giảm 0,11% so với cuối năm ngoái. Trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng giảm 12,62% so với tháng trước, còn so với cuối năm 2011 tăng 3,05%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải chờ bởi nguồn vốn giá rẻ không nhiều.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM Huỳnh Văn Minh cho biết, các nhà băng rầm rộ tuyên bố hạ lãi suất đầu vào nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong hiệp hội vẫn phải vay vốn của ngân hàng với lãi suất cao nhất lên đến 22-24% một năm. Lãi suất thấp nhất khoảng 16%, nhưng số được vay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Việc giảm lãi suất đầu vào lúc này mà không có biện pháp khống chế đầu ra thì vốn rẻ đến được tay doanh nghiệp là điều không thể", ông Minh nói.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn