Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói về vụ chết người ở Maria

Thời sựThứ Hai, 23/07/2012 10:05:00 +07:00

(VTC News) – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đình chỉ phòng khám bao lâu, xử lý các cá nhân liên quan như thế nào đều phải phụ thuộc vào kết quả điều tra.

(VTC News) – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết đình chỉ phòng khám bao lâu, xử lý các cá nhân liên quan như thế nào đều phải phụ thuộc vào kết quả điều tra.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. 
Những ngày vừa qua, Sở Y tế Hà Nội; Vụ Pháp chế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế; cơ quan điều tra liên tiếp diễn ra các cuộc họp nhiều bên nhằm xác định trách nhiệm của cá nhân với ca tử vong ngày 14/7/2012 tại phòng khám đa khoa Maria (65-67, Thái Thịnh, Hà Nội). Nhưng cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân xảy ra ca tử vong này.

Ngày mai, 24/7, Sở Y tế Hà Nội sẽ có cuộc trả lời báo chí về vụ việc này. Trước cuộc họp báo, PV đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Vụ việc gây xôn xao dư luận là vụ tử vong tại phòng khám Maria. Đã rất nhiều lần, phòng khám này sai phạm và bị xử phạt nhưng dường như hình thức phạt không hiệu quả. Qua sự việc này, liệu phòng khám trên có được xử lý dứt điểm, thưa ông?

Đến thời điểm hiện nay Sở Y tế chưa nhận được đơn đề nghị của Công ty CP Tư vấn và Đầu tư An Thịnh về việc thay thế người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám Maria.

Nếu không có người đứng đầu, chắc chắn phòng khám sẽ phải dừng hoạt động. Đưa người hành nghề không phép, làm sai quy chế chuyên môn, sẽ bị xử phạt theo Nghị định 96/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ hoặc xử phạt, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.

Vấn đề đình chỉ phòng khám bao lâu, xử lý các cá nhân liên quan như thế nào đều phải phụ thuộc vào kết quả điều tra. Sau khi vụ việc xảy ra tại phòng khám Maria ngày 16/7/2012, Sở Y tế đã đình chỉ hoạt động của Phòng khám, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội rút phạm vi hoạt động kinh doanh ngành nghề khám chữa bệnh của Công ty CP Tư vấn và Đầu tư An Thịnh.

Trong các cuộc họp với phòng khám Maria, phụ trách phòng khám là BS Y Na luôn cho rằng tuy bản thân là chịu trách nhiệm về phòng khám nhưng lại không hề biết gì về hoạt động của phòng khám cũng như việc có sự xuất hiện của bác sĩ Trung Quốc tại phòng khám này. Đây liệu có phải là hiện tượng cho thuê bằng“ trong các phòng khám tư nhân hiện nay?

Theo hồ sơ từ Sở Y tế Hà Nội, phòng khám Maria nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động ngày 6/12/2010, được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động ngày 30/12/2010.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn là BS. Đỗ Y Na. Phòng khám Maria thuộc Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư An Thịnh được cấp giấy phép hoạt động với loại hình phòng khám đa khoa và phạm vi hoạt động chuyên môn: Nội, Nhi, Phụ khoa và KHHGĐ, Ngoại khoa, Xét nghiệm Hóa sinh, Vi sinh vật.

Sở Y tế Hà Nội đã cấp chứng chỉ hành nghề cho sáu bác sĩ của phòng khám, trong đó BS Đỗ Y Na, sinh năm 1948, cấp chứng chỉ hành nghề 17/11/2010, phạm vi hành nghề khám Nội khoa, là người chịu trách nhiệm chuyên môn của Phòng khám.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Giấy phép hoạt động của Phòng khám còn hạn đến 30/12/2012. Tại thời điểm Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám, không có người quốc tịch nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề.

Sau một thời gian hoạt động, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư An Thịnh có đề nghị Sở Y tế xin bổ sung 2 bác sĩ quốc tịch Trung Quốc là Lôi Hồng và Hoàng Đỉnh Lập tham gia giúp việc tại phòng khám.

Tại cuộc họp ngày 18/7/2012 về việc xem xét trường hợp tử vong của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong tại phòng khám Maria, Bộ Y tế đã kết luận: việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sỹ, giấy phép hoạt động cho Phòng khám Maria của Sở Y tế Hà Nội là đúng quy trình, đúng quy định theo Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Nghị định 103/2003/NĐ-CP, Thông tư 07/2007/TT-BYT ngày 25/5/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề Y, Y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc thanh tra, giám sát về công tác khám chữa bệnh hiện nay lỏng lẻo và có hiện tượng cán bộ thanh tra “tham mưu” cho phòng khám để lách luật. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan như Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ công an, phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội thanh kiểm tra tại các cơ sở Khám bệnh chữa bệnh có bác sỹ người nước ngoài.

Kết quả thanh kiểm tra của Sở Y tế trong thời gian 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy: Các cơ sở có các bác sỹ, điều dưỡng quốc tịch nước ngoài về cơ bản chấp hành tốt các quy chế chuyên môn. Tuy nhiên, vi phạm thường xảy ra tại các cơ sở có bác sỹ là người Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh và giúp việc.

Các lỗi vi phạm cụ thể như sau: Bác sỹ Trung Quốc tham gia khám bệnh chữa bệnh tại cơ sở không có chứng chỉ hành nghề, không có đăng ký hành nghề với Sở Y tế (BV YHCT Nam Á, Phòng khám Maria, phòng khám 59 Khương Trung);

Cơ sở khám bệnh chữa bệnh thực hiện quảng cáo quá phạm vi chuyên môn đã được Sở Y tế cho phép. Cơ sở thực hiện thu tiền dịch vụ y tế khi chưa niêm yết giá, tại thời điểm thanh tra kiểm tra cơ sở không có bảng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thực hiện đầy đủ việc ghi chép sổ sách, hồ sơ bệnh án của người bệnh.

Như vậy có thể thấy, khi vi phạm thì bất cứ phòng khám nào cũng bị xử phạt theo đúng quy định. Sở không cho phép bao che hay dung túng cho bất cứ phòng khám nào.

Trở lại vụ việc tử vong tại phòng khám Maria, khi bệnh nhân tử vong thì bác sĩ Trung Quốc cũng trốn mất. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về cái chết oan uổng của bệnh nhân, thưa ông?


Theo báo cáo giải trình của phòng khám, 3 người nước ngoài tham gia điều trị cho bệnh nhân Phong không có trong danh sách người hành nghề đăng ký với Sở Y tế.

Căn cứ vào kết luận điều tra của công an, những người tham gia trong kíp trực ngày 14/7/2012 liên quan đến đâu thì sẽ xử lý theo pháp luật đến đấy. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo phòng khám hợp tác với phía công an để làm rõ nguyên nhân ca tử vong.

Thưa ông, vì sao việc xử phạt không thể dứt điểm (như rút giấy phép) khi nhiều phòng khám tư nhân vi phạm liên tục Luật khám chữa bệnh như hiện nay?

Sau khi Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, trong một thời gian dài chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật dẫn đến khó khăn cho các cơ sở trong việc thực hiện đăng ký xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho các thầy thuốc người nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc thầy thuốc quốc tịch Trung Quốc về nước, thôi không hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc chuyển đến cơ sở khác nhưng không được các cơ sở báo cáo kịp thời với Sở Y tế do đó gây khó khăn trong công tác thống kê, quản lý, thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế và các cơ quan chức năng.

Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa nắm đầy đủ các quy định của pháp luật về người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại Việt nam, dẫn đến tình trạng một số cơ sở tự động cho phép người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh thử việc tại phòng khám mà chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa có thủ tục pháp lý đầy đủ và chưa được sự cho phép của Sở Y tế.

Để làm tốt công tác quản lý khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở Y tế có yếu tố nước ngoài, Sở Y tế mong muốn nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ từ  Bộ Y tế, sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan như Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Sở LĐ-TB&XH, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an Hà nội và các cơ quan thông tấn báo chí.

Hồng Minh
Bình luận
vtcnews.vn