Giám đốc đào mộ trộm xương, chuyện giờ mới kể

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 09/05/2014 07:01:00 +07:00

(VTC News) - Thủ phạm gây ra vụ trộm mộ là Trần Hùng Sơn, vẫn thường được gọi là Sơn Xồm, tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước ở Lai Châu.

(VTC News) - Thủ phạm gây ra vụ trộm mộ là Trần Hùng Sơn, vẫn thường được gọi là Sơn Xồm, tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước ở Lai Châu.

Kỳ 1: Chuyện rùng rợn gần 30 năm trước

Cho đến giờ, dù khoa học đã rất tiến bộ, nhưng những câu chuyện về việc đào mộ người chết bị sét đánh để ăn cắp các bộ phận của tử thi vẫn còn được dân gian lưu truyền, đồn đại. Những kẻ chuyên đi ăn trộm “kết nhất” là hai cánh tay của người bị sét đánh. Chúng quan niệm rằng, mỗi khi có ý định trộm cắp, chỉ cần mang theo bàn tay của người bị sét đánh, bàn tay chỉ về hướng nào, thì cứ việc theo hướng đó mà trộm cắp thì mọi việc sẽ trót lọt.

Hoặc chúng lấy trộm xương đầu gối của người bị sét đánh để xát vào vết thương. Những kẻ xấu tin rằng chỉ cần đặt xương đầu gối của người bị sét đánh chết vào cạnh người bệnh thì mọi bệnh tật sẽ khỏi.

Cũng bởi vậy, nhiều gia đình có người thân không may bị sét đánh, người nhà thường phải cắt cử người canh gác qua 100 ngày, hoặc đổ bê tông ngôi mộ, đề phòng tử thi bị ăn cắp.

Mộ của những người bị sét đánh thường được xây dựng rất kiên cố (ảnh internet) 

Cũng có gia đình vì chủ quan không canh giữ nên hôm nay chôn cất, sáng hôm sau ra thăm, thấy mộ đã bị đào bới tung tóe, kẻ xấu vào khu nghĩa trang đào xác chết và lấy đi một số bộ phận...

Người ta đồn rằng, khi ai đó bị sét đánh chết, luồng điện vẫn còn tích tụ trong xương cốt, nên xương người chết rất linh! Nhưng qua 100 ngày, nguồn điện năng do sét đánh đã bị trung hòa dưới lòng đất, vì thế, chỉ cần qua thời gian này, gia đình có thể yên tâm, không bị kẻ xấu đến quấy phá mồ mả nữa.

Tuy nhiên, có một câu chuyện khó tin về nạn nhân bị sét đánh ở Điện Biên, chôn cất gần 4 năm vẫn bị kẻ xấu quật mộ và lấy hết xương cốt. Kinh dị hơn, sau khi vụ việc được phanh phui, người ta mới biết hài cốt được bán sang bên Lào, một phần để làm bùa chú...

Câu chuyện quật mộ đó dù đã xảy ra gần 30 năm, nhưng cho đến tận bây giờ nó vẫn là đề tài bàn tán của rất nhiều người dân phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Vào năm 1983, cô Vũ Thị Lê, sinh viên trường trung cấp y của tỉnh Lai Châu (khi đó chưa tách tỉnh) về thực tập ở Bệnh viện huyện Điện Biên Đông. Một hôm, trên đường đi về nhà, khi ngang qua sân bay Mường Thanh, cô bị luồng ánh sáng cực mạnh đánh trúng. Thi thể cô cháy đen thui, co quắp, rất thương tâm.

Thi thể cô được gia đình mai táng tại nghĩa trang Hòa Bình. Gia đình biết có việc một số người hay đi tìm mộ những người bị sét đánh chết để trộm xương, nên cũng cắt cử người trông nom mộ phần. Nhưng gần 4 năm sau, hài cốt của cô đã bị đào trộm một cách bí ẩn.

Địa điểm xảy ra vụ đào trộm mộ gây xôn xao dư luận 

Năm 2000, xảy ra vụ án tham nhũng Mường Tè, là một vụ án điểm và được dư luận đặc biệt quan tâm. Thủ phạm chính gây ra vụ án này là Trần Hùng Sơn, vẫn thường được gọi là Sơn Xồm, giám đốc Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển miền núi – một doanh nghiệp Nhà nước.

Nhiều người không hiểu sao, trước đó Sơn Xồm là một gã bán phở, bán thịt lợn ở cửa chợ Điện Biên, học hành chỉ hết lớp 5, lớp 6 gì đó mà lại nhảy lên làm tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước và rồi lại còn đang đi làm luận án tiến sĩ ở Mỹ, vù vù thăng tiến trong một thời gian ngắn, trước khi bị bắt.

Quá trình điều tra vụ án tham nhũng cực lớn này mới lộ diện những chuyện tày đình về Trần Hùng Sơn, đó là những vụ buôn bán buôn thuốc phiện, những vụ lừa đảo khác. Và Sơn Xồm cũng là chủ mưu chính trong vụ đào mộ trộm xác gây xôn xao ở tỉnh Điện Biên vào năm 1987.

Thời điểm đó, Sơn Xồm đang còn là một gã bán phở ở chợ, khi biết có thông tin về một người dân bị sét đánh chết, hắn đã vào cuộc tìm hiểu. Hắn tìm gặp một nhân viên của bệnh viện huyện từng tham gia mai táng cô Lê và bà đã chỉ cho hắn ngôi mộ của cô. Hắn thuê 4 người đàn ông trong xã Thanh Minh cũ (nay là phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ) đào trộm hài cốt vào ban đêm.

Chả hiểu cô Lê có linh thiêng hay không nhưng sau đó, hoạn nạn liên tiếp đổ xuống đầu mấy người. Bản thân Sơn Xồm đã phải trả giá bằng một bản án chung thân. Trong 4 người đào mộ thì 3 người đã mất sau những tai họa bí ẩn. Người duy nhất còn sống cho đến tận bây giờ là ông Đoàn Văn Diệp, nhà ở đội 16 phường Noong Bua.

Ông Diệp cũng là người duy nhất trong nhóm 4 người, trước khi đào trộm mộ đã mua hoa quả, hương hoa để khấn vái người quá cố. Tuy nhiên, ngôi nhà của gia đình ông bốc cháy một cách khó hiểu vào năm 1988.

Không quá khó để chúng tôi tìm đến nhà ông Diệp. Năm nay ông đã 68 tuổi nhưng trông vẫn còn rất khỏe mạnh. Khi giới thiệu chúng tôi là nhà báo, vợ ông ngăn cản vì không muốn khơi lại câu chuyện đau lòng. Nhưng ông Diệp vẫn kiên quyết: “Tôi chẳng giấu gì cả, sự thật vẫn là sự thật, và tôi cũng chỉ là một nạn nhân. Tất cả đều mất hết rồi! ”.

Ông Đoàn Văn Diệp: "Tôi cũng chỉ là một nạn nhân" 

Ông Diệp chỉ nhớ người bạn thân của mình có tên đầy đủ là Chu Minh Chiến, còn 2 người kia chỉ nhớ tên là Tài và Điền.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1987, năm ông 40 tuổi. Thời thanh niên, ông Diệp từng có thời gian đi bộ đội, ra quân, lập gia đình và về công tác tại nông trường ở Điện Biên. Bản thân ông lúc đầu cũng chỉ biết là trong bãi tha ma của làng có một người từng bị sét đánh và chôn cất ở đó.

Một chiều tháng 9, ông Diệp và ông Chiến đang rỗi rãi, ngồi uống nước chè ngay trước cửa, thì ông Điền và ông Tài đến nói chuyện. Ông Điền tiết lộ: “Có người thuê một việc, chỉ làm trong 1 buổi với giá 500 ngàn, anh em có muốn làm không? Rồi chúng ta chia nhau”.

Giá trị số tiền thời điểm ấy quy ra bằng cả con lợn tạ. Mặc dù chưa rõ là việc gì, ông Điền lại cam kết rằng không phải việc phạm pháp như buôn thuốc phiện hay là buôn vũ khí, nên ông Diệp và ông Chiến gật đầu.

Nhận lời xong, ông Điền mới nói rõ là bị họ lôi kéo đi đào trộm mộ.

Biết là việc thất đức, nhưng nghĩ đến gia cảnh nghèo khó, tiền công lớn, và đã nhận lời với ông Điền, cho nên ông Diệp và ông Chiến chỉ biết tặc lưỡi, bàn tính, phân công kế hoạch.

Còn tiếp...

Hải Minh – Lê Văn Lĩnh

Bình luận
vtcnews.vn