Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TW chia sẻ cách giảm tải

Sức khỏeThứ Tư, 04/02/2015 09:05:00 +07:00

đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã kiểm tra tình hình giảm tải tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

(VTC News) - Chiều 4/2, đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã kiểm tra tình hình giảm tải tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

  Không còn nằm ghép


Tại thời điểm kiểm tra, bệnh nhân tại bệnh viện đều không phải nằm ghép, nhiều giường bệnh còn không có bệnh nhân nằm. Tại khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp được xem là khoa quá tải nhất của bệnh viện, số giường bệnh và bệnh nhân vẫn không quá nhiều.

TS Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, có thời điểm dịch bệnh khoa không còn lối đi cho bệnh nhân nhưng tại thời điểm này thì bệnh nhân đã giảm một phần do công tác chuyển tuyến và sàng lọc bệnh nhân tốt.

Bệnh nhân nằm điều trị tại BV Nhiệt đới TW. 
Tuy nhiên, TS Hùng cũng cho rằng đôi khi để giảm tải cũng khó vì bệnh nhân mong muốn được điều trị ở tuyến trung ương và nhiều loại bệnh tuyến dưới không điều trị được. Có những bệnh nhân bị viêm màng não đã điều trị ở viện gần khỏi, khi chuyển về tuyến tỉnh được vài hôm họ lại chuyển lên tuyến trên vì tuyến tỉnh không có thuốc đặc trị.


Để giảm tải bệnh viện, TS Hùng cho biết cần phải có lộ trình. Và điều quan trọng nhất là đầu tư cho cơ sở y tế tuyến dưới làm sao để trình độ của họ gần bằng tuyến trung ương, có quy chuẩn khi nào về tuyến dưới và hành lang bảo vệ bác sỹ hoặc là chấp nhận cho bệnh nhân nằm ghép trong một điều kiện cho phép, nếu không chỉ có bệnh nhân là khổ.

PGS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện tại từ khi cam kết với Bộ Y tế về không nằm ghép, bệnh viện đã đáp ứng đủ điều kiện mỗi bệnh nhân một giường.

Để có được thành quả trên, PGS Kính chia sẻ: "Chúng tôi cam kết rõ ràng với Bộ Y tế. Để giảm tải, chúng tôi đã triển khai một loạt hoạt động với mục tiêu nâng cao công tác khám chữa bệnh, làm sao phải chất lượng thật tốt. Khi đó, người bệnh vẫn tìm đến khám nhưng không bị quá tải".

Bệnh viện triển khai các biện pháp cụ thể như mở thêm phòng khám trên một số địa bàn khác. Làm thế nào để một bác sỹ chỉ khám từ 30 đến 39 bệnh nhân/ngày.

Tại bệnh viện, các tầng đều có bảng điện tử thông báo rõ ràng số bệnh nhân, số giường bệnh trống của các khoa để bác sỹ cân đối sắp xếp phòng bệnh cho bệnh nhân nhưng bệnh nhân vẫn được bác sỹ chuyên khoa theo dõi. Hệ thống xét nghiệm giúp chẩn đoán sớm để có thuốc đặc trị trước đây 9 - 10 ngày giờ còn 7,5 ngày.

Bệnh viện này cũng tăng cường mối liên kết, chuyển tuyến với các bệnh viện vệ tinh. Ngoài ra, các bác sỹ của bệnh viện thường xuyên tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới, các cơ sở y tế ban đầu để họ có kỹ năng chẩn đoán bệnh cũng như điều trị trong tình hình có dịch ở địa phương, tránh ùn ùn kéo về tuyến trên.

PGS Kính cho biết khi chuyển tuyến, các bác sỹ của bệnh viện có thể trao đổi, hỗ trợ cho việc điều trị bệnh nhân.

Cần có chính sách về giảm tải


Chia sẻ về khó khăn trong giảm tải của bệnh viện, PGS Kính cho rằng, bệnh nhân đến bệnh viện đều là trường hợp nặng, nhiều bệnh nhân ‘gần đất xa trời’. Có người nằm đến 1.5 tháng. Vì thế, bệnh viện phải cân đối giường bệnh, nếu trong phòng hết chỗ có thể kê ra ngoài hành lang. Có những bệnh nhân họ chấp nhận nằm hành lang, thậm chí nằm ghép cũng được chỉ cần được ở bệnh viện tuyến trung ương.

Thực tế, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, có nhiều bệnh nhân phải điều trị thuốc đặc trị, thuốc này BHYT có chi trả nhưng chỉ có bệnh viện tuyến trên mới được dùng.

Khi bệnh nhân về tuyến tỉnh, họ không có thuốc đặc trị nằm cả tuần cũng không khỏi. Họ lại chấp nhận vượt tuyến, dù BHYT chỉ trả 40 % họ cũng bằng lòng.

Mặt khác, với bệnh viêm gan C, họ có thể điều trị ngoại trú nhưng vì BHYT không chi trả thuốc cho điều trị ngoại trú nên họ lại xin vào viện điều trị. Vì thế, để giảm tải bệnh viện GS Kính cho biết phải có chính sách phù hợp, có sự đồng bộ từ các khâu.

Hiện tại, bệnh viện đăng ký 300 giường và thực kê chỉ 245 giường. Khi bệnh nhân đông, nếu cần bệnh viện kê giường ra hành lang, đảm bảo mỗi bệnh nhân vào viện có giường ngay. Bệnh viện luân chuyển bệnh nhân nhanh nên bệnh nhân vào viện là có giường.

Biện pháp lâu dài để giảm tải bệnh viện quan trọng nhất là khâu dự phòng. PGS Kính cho rằng, nếu thực hiện tốt khâu dự phòng, người bệnh sẽ không mắc bệnh và tìm đến bệnh viện. Hiện nay, khâu dự phòng quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và tiêm chủng.

» 13 bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép
» Nếu không được bác sỹ Việt phẫu thuật, 3 bệnh nhi nước ngoài dễ tử vong
» Sẽ ban hành mức giá theo 5 hạng bệnh viện


Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn