Giảm chi bảo hiểm thuốc chữa ung thư, bệnh nhân 'ngồi trên đống lửa'

Sức khỏeThứ Ba, 30/12/2014 03:34:00 +07:00

4 loại thuốc chữa ung thư trước đó bảo hiểm y tế thanh toán 100%, sau 1/1/2015 quỹ này chi trả 50% khiến bệnh nhân như 'ngồi trên đống lửa'.

(VTC News) - 4 loại thuốc chữa ung thư trước đó bảo hiểm y tế thanh toán 100%, sau 1/1/2015 quỹ này chi trả 50% khiến bệnh nhân như 'ngồi trên đống lửa'.

» Thực hư tin đồn nước củ sả tươi chữa được ung thư
» Người đàn ông 'thủng mặt' vì ung thư
» Thực hư tin đồn mãng cầu xiêm chữa ung thư


Tại sao giảm chi trả thuốc chữa ung thư?

Hôm nay, Bộ Y tế đã giải đáp thắc mắc của dư luận về việc cắt giảm chi trả nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp, viêm gan C… có chi phí lớn từ 100% xuống còn 30 - 50%.

Ông Phan Văn Toản, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho biết, việc 25 loại thuốc quy định tỷ lệ thanh toán là các thuốc có chi phí điều trị lớn, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư khiến không ít bệnh nhân ung thư đang sử dụng các loại thuốc này như ngồi trên đống lửa.

bệnh nhân ung thư
 
Theo đó, trong 25 loại thuốc này, có 5 loại thuốc mới trước đó quỹ BHYT chưa thanh toán, nay đưa vào thanh toán với tỷ lệ 50%.


11 loại thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép ngoài danh mục, hiện nay quỹ BHYT đang thanh toán 50% theo quy định. Các loại thuốc này được đưa vào danh mục để tiện quản lý và vẫn giữ nguyên tỷ lệ thanh toán là 50%.

Có 9 loại thuốc quỹ BHYT đang thanh toán 100% nay giảm tỉ lệ thanh toán xuống còn 50%, gồm 4 loại thuốc điều trị ung thư và 5 loại thuốc điều trị các bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hoóc môn tăng trưởng.

Lý giải cho việc này, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai nói: Với những bệnh nhân được phát hiện bệnh sau ngày 1/1/2015, việc giảm chi trả điều trị các loại thuốc này cũng không phải là tước cơ hội điều trị của người bệnh, bởi còn nhiều loại thuốc khác thay thế khác.

Ông Khoa cho rằng, với 65 loại thuốc điều trị ung thư trong danh mục hiện nay, thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam không thua kém gì so với cả các nước phát triển, đủ đáp ứng điều trị cho các giai đoạn, các loại bệnh ung thư đặc thù của người Việt Nam, đủ các loại thuốc để bác sỹ điều trị cho người bệnh.

Trước khi danh mục này được lập nên, Bộ Y tế đã gửi văn bản tới tất cả các bệnh viện có cơ sở điều trị ung thư trong cả nước để họ lên danh sách các loại thuốc sử dụng, sau đó tập hợp, sàng lọc lại và dựa trên những hướng dẫn, cập nhật điều trị mới nhất trên thế giới hiện nay.

Từ đó, hội đồng gồm những giáo sư đầu ngành về ung thư lựa chọn các thuốc đưa vào cơ sở điều trị.

Nói về 4 loại thuốc chữa ung thư trước đó BHYT thanh toán 100%, nay theo quy định mới sau 1/1/2015 quỹ BHYT chi trả 50%, còn lại là người bệnh đồng chi trả, ông Khoa nhìn nhận, đó cũng là vấn đề hoàn toàn hợp lý.

Trong 4 loại thuốc này thì Doxorubicin là hóa chất thông thường nhưng được bọc thêm nano để giảm tác dụng phụ, còn hiệu quả điều trị như các thuốc trong BHYT.

Thế nhưng giá thành của nó lại rất đắt đỏ, hơn 5 triệu/lọ với liều điều trị 4 lọ/ngày. “Rất ít nước trên thế giới chi trả 100% như Việt Nam. Bởi ở thời điểm chúng ta mới tiếp cận thuốc mới, sau này ứng dụng vào thực tế phải có những điều chỉnh.

Vì khi so sánh thuốc này với các hóa chất truyền thống thì hiệu quả điều trị là tương đương, thuốc nano chỉ giảm tác dụng phụ”, GS. Khoa bày tỏ.

Còn với các thuốc Erlotinib, Gefitinib (điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ) và  Sorafenib (điều trị ung thư gan) là những những thuốc điều trị đích. Cả 3 loại thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã thất bại với các thuốc khác.

Ngay cả các nước trên thế giới, rất ít bảo hiểm nhà nước chi trả cho các thuốc này. Bác sỹ chỉ định thuốc này cũng rất chặt chẽ  bởi bệnh nhân không thể gánh một chi phí khổng lồ cho việc điều trị giai đoạn cuối mà không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn, chỉ là kéo dài sự sống người bệnh.

Cụ thể thuốc Erlotinib có giá 1.337.420 đồng/viên, thuốc  Gefitinib có giá 1.199.076 đồng/viên, mỗi thứ 1 viên/ngày. Thuốc Sorafenib có giá gần 1 triệu đồng/viên với liều 4 viên/ngày, chi phí điều trị sẽ khoảng 120 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, nếu không sử dụng thuốc này vẫn có những cách điều trị khác phù hợp với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mà không ngốn hết nguồn chi phí khổng lồ. Thậm chí có những bệnh nhân khi dùng thuốc này rồi lại phải quay về phương pháp điều trị truyền thống bởi không mang lại hiệu quả điều trị.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Các loại thuốc này không phải là cứu cánh cuối cùng của người bệnh ung thư".

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 125 ngàn  bệnh nhân ung thư mới. Nếu chi phí điều trị bình quân một bệnh nhân 10 triệu đồng sẽ cần hơn 1.200 tỷ. Một người 50 triệu cần 6.000 tỷ cho điều trị ung thư.

Nếu chúng ta chi lên đến 100 triệu đồng/bệnh nhân ung thư sẽ cần12.000 tỷ. Số tiền khổng lồ này, nếu quỹ BHYT gánh hết sẽ rất rất khó để dành cho các chuyên khoa khác. Việc chi trả 100% các loại thuốc này sẽ vượt quá khả năng chi trả của quỹ.

Bệnh nhân gửi tâm thư đến Bộ trưởng

Chị Khánh Thương là một bệnh nhân ung thư vú giai đoạn IV  đã di căn vào xương và gan. Chị đã gửi lá thư ngỏ đến Bộ trưởng Bộ Y tế khi biết tin tỷ lệ quỹ bảo hiểm cho phí điều trị của bệnh nhân ung thư từ 2015 sẽ giảm xuống.


Xem clip: Ăn món nướng thế nào để tránh ung thư?

VTC14

Chị Thương viết: "Những ngày cuối năm, hầu hết ai cũng tất tả, quay cuồng bận rộn với công việc, tiễn biệt năm cũ và chào đón một mốc thời gian mới. Với một vị bộ trưởng của một bộ “nóng” bậc nhất và nhiều việc bậc nhất thì tôi tin rằng, bộ trưởng còn bận gấp trăm, gấp ngàn lần những người dân, công chức bình thường khác.

Điều thôi thúc tôi viết những dòng chia sẻ với Bộ trưởng trong thời khắc bận bịu này là vì tôi không biết mình còn bao nhiêu thời gian để ấp ủ và chờ đợi một cơ hội chín muồi.

Tôi là một bệnh nhân ung thư vú giai đoạn IV đã di căn xương và gan. Tôi không đủ kiên nhẫn để tìm, chờ và không đợi được đến một lúc nào đó Bộ trưởng rảnh rỗi. Nhưng tôi tin và hi vọng bộ trưởng sẽ đọc được những gì tôi viết.

Những dòng chia sẻ này, tôi gọi nó bằng nhiều cái tên, chia sẻ giữa một phụ nữ với một phụ nữ, giữa một công dân Việt Nam muốn báo cáo một vài điều với vị nữ Bộ trưởng của mình.

Tôi không hiểu sao nhưng trong đầu tôi cứ luôn tự hỏi, không biết những người thân của quan chức Việt Nam và quan chức ngành y tế nói riêng có mắc phải ung thư hay không? Chắc chắn là họ có người thân mang trong mình căn bệnh giết người thuộc hàng số một bên cạnh tai nạn giao thông ở Việt Nam.

Nhưng rồi tôi lại tự trả lời trong số họ hàng và hay chính bản thân quan chức ngành y tế mắc ung thư, phải chăng họ có đủ điều kiện tài chính, nhận thức để tiếp cận với điều trị tốt nhất, thậm chí ra nước ngoài và có cơ hội chữa khỏi cao nhất, tiếp cận với dịch vụ, thuốc chữa trị tốt nhất, được đối xử như một con người nhân văn nhất, thương yêu nhất?

Và vì thế mà họ không hiểu hết được những đau đớn khổ sở vô tận của người nghèo, những người yếu thế khi tiếp cận với các dịch vụ điều trị ung thư và sự quá tải ở các bệnh viện ung bướu nhà nước.

Bộ trưởng biết chắc chắn rằng nước mình vẫn còn nghèo, một gia đình thu nhập thấp hoặc trung bình mà có một người chẳng may mắc ung thư thì gia đình đó coi như khánh kiệt hoặc bản thân người bệnh cũng tự nguyện đón nhận cái chết, từ chối điều trị để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tôi là một ví dụ trong số đó. khi tôi nhận chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn IV, tôi đủ khả năng kiếm được 15-20 triệu mỗi tháng, nhưng số tiền tiết kiệm được chắc chỉ đủ cho tôi điều trị, duy trì sự sống của mình nhiều lắm là 1, 2 năm. Tôi đã từng tuyệt vọng có ý định tự tử để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tôi tin là Bộ trưởng đã vi hành đến các khoa ung bướu ở khắp đất nước và hiểu điều tôi nói. Sự bất công trong tiếp cận điều trị ung thư, thăm khám y tế luôn xảy ra ở nước nghèo, đang phát triển không chỉ ở Việt Nam. Nỗi đau và bi kịch xảy ra hàng giờ, hàng phút đặc biệt là bi đát và tăm tối với những người nghèo.

Mới đây tôi lại nghe Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết từ ngày 1/1/2015 sẽ có 28 loại thuốc đều là thuốc mới, đắt tiền, chi phí điều trị cho một người có thể lên đến 1,2 tỉ đồng/năm. Và Bộ sẽ thay đổi phương thức chi trả cho bệnh nhân. Hướng mới là giảm chi từ quỹ bảo hiểm xuống còn 30-50% tiền thuốc, thay vì 50-100% như trước.

Điều ấy có nghĩa rằng sẽ có hàng ngàn người đang dở dang điều trị sẽ chọn cái chết thay vì trả 1,3 triệu đồng cho một viên thuốc mỗi ngày để duy trì mạng sống cho mình.

Tuy nhiên mỗi ngày được sống thêm trên đời của con người nói chung và bệnh nhân ung thư là vô giá. Trong điều kiện Quỹ bảo hiểm y tế đã kết dư liên tục từ năm 2010 đến nay và hiện đang còn dư trên 20.000 tỉ đồng thì tại sao lại để bệnh nhân phải chọn cái chết và không tiếp cận được với điều trị?

Thưa Bộ trưởng,

Tôi vừa tham gia “Hội nghị ung thư thế giới” tổ chức tại Melbourne, bang Victoria của Australia. Nước mắt tôi cứ trực trào khi tham dự Hội nghị của các nhà lãnh đạo về ung thư thế giới (World Cancer Leaders’ Summit). Đơn giản, vì tôi không thấy một bóng dáng lãnh đạo về ung thư nào của Việt Nam ngoài tôi, một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, lãnh đạo của một tổ chức chỉ có bề dày chưa đầy 2 năm hoạt động và chưa có tư cách pháp nhân hoàn toàn độc lập.

Tôi tiếc nuối vì những chính sách vĩ mô, những chiến lược nhằm giảm gánh nặng ung thư đối với nền kinh tế, xã hội của cộng đồng ung thư thế giới không đến trực tiếp được với những lãnh đạo ngành y tế, những chuyên gia chính sách, những người có thể tạo ra thay đổi lớn lao cho đất nước mình.

Trong khi đó tỉ lệ mắc và chết vì ung thư ở nước mình thuộc hàng cao nhất thế giới. Các chuyên gia kinh tế và ung thư cảnh báo rằng: nếu các quốc gia không đầu tư cho chiến lược, cho một hệ thống phòng chống ung thư trong vòng 10 năm tới thì 30 năm sau, nền kinh tế của chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.

Và tôi đã khóc trong một hội thảo khi nghe một vị diễn giả nói rằng: “Nếu những người làm về ung thư như chúng ta có thể yêu thương bệnh nhân như người thân của mình, thì khi ấy, mới có những công bằng trong tiếp cận điều trị cho mọi người dân ở các nước thu nhập thấp và đang phát triển”

Tôi luôn tự nói với mình rằng, nếu xã hội không có thách thức, không có những khó khăn thì không cần đến những con người có đam mê thay đổi, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Xã hội tốt đẹp rồi thì họ còn việc gì để làm? Tôi muốn được bộ trưởng lắng nghe và thấu hiểu. Vì tôi tin sâu xa của mọi thay đổi đến từ đây.

Tôi mong bộ trưởng là người nghĩ cho dân, cho nước chứ không phải một vị bộ trưởng tư duy nhiệm kì, hay ít nhất bộ trưởng cũng có trái tim của một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ. Năm 2014 là một năm khó khăn và thách thức của Bộ trưởng, tôi chúc Bộ trưởng giàu sức khỏe, niềm tin và nhiệt huyết để làm được nhiều hơn cho ngành y tế nói riêng và lĩnh vực ung thư nói riêng.

Trân trọng,

Khánh Thương
"

Lê Huy

Bình luận
vtcnews.vn