'Thảm họa điện ảnh' đại náo Cánh diều 2013

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 27/02/2013 07:37:00 +07:00

(VTC News) - Trong 10 phim truyện nhựa dự giải Cánh diều 2013 có không ít phim được xếp hàng thảm họa điện ảnh năm 2012.

(VTC News) - Trong 10 phim truyện nhựa dự giải Cánh diều 2013 có không ít phim được xếp hàng thảm họa điện ảnh năm 2012.

Thảm họa điện ảnh vẫn ngập Cánh diều
 
Chiều 26/2, Hội Điện ảnh VN vừa công bố danh sách 10 phim truyện nhựa dự giải Cánh diều 2013. Đó là các phim: Đam mê (ĐD Phi Tiến Sơn), Cát nóng (Lê Hoàng), Cưới ngay kẻo lỡ (Charlie Nguyễn), Lạc lối (Phạm Nhuệ Giang), Dành cho tháng Sáu (Nguyễn Hữu Tuấn), Gia sư nữ quái (Lê Bảo Trung), Scandal - Bí mật thảm đỏ (Victor Vũ), Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ), và Lấy chồng người ta (Lưu Huỳnh).

Phim Tết 2013 duy nhất tham dự tranh giải Cánh diều năm nay là Nhà có 5 nàng tiên. 
Phim Tết 2013 duy nhất tham dự tranh giải Cánh diều năm nay là Nhà có 5 nàng tiên (NSND Trần Ngọc Giàu). Thời hạn nộp phim dự thi đã hết. Nếu không có gì thay đổi thì những phim trên là danh sách chính thức cuối cùng của hạng mục phim truyện nhựa năm nay.

Có thể thấy so với mọi năm và so với mặt bằng chung của các phim ra rạp trong năm 2012 và dịp Tết năm 2013 vừa qua, con số 10 phim tranh giải là quá ít. Bởi năm 2012 được xem là một năm tăng vọt về số lượng phim Việt ra rạp. Con số phim ra rạp lên đến gần 20 phim, gấp đôi mọi năm.

Thế nhưng đại đa số trong đó là những phim hài nhảm được xếp vào dạng thảm họa điện ảnh 2012 như: Hello cô Ba, Ngôi nhà trong hẻm, Giấc mộng giàu sang, Ranh giới trắng đen, Nàng men chàng bóng,…

Trong 10 phim tranh giải Cánh diều vàng năm nay cũng đã có 3 phim được lọt vào top những phim “ăn đá’ nhiều nhất của điện ảnh Việt năm 2012. Đó là Cát nóng (đạo diễn Lê Hoàng - Hãng phim Giải phóng) và Đam mê (Đạo diễn Phi Tiến Sơn - Hãng phim truyện I).

Đây cũng chính là hai phim được ra mắt trong LHP Quốc tế Hà Nội 2012 diễn ra từ 25-29/11/2012 vừa qua. Nhưng ngay sau khi chiếu ra mắt, cả hai phim đã được xếp vào danh sách “thảm hoạ điện ảnh” năm 2012.

Ngay sau khi chiếu ra mắt, Cát nóng đã được xếp vào danh sách thảm hoạ điện ảnh năm 2012. 
Trong buổi công chiếu hôm 25/11 tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012, có ý kiến thắc mắc sao gọi một phim quay bằng máy quay phim truyền hình như Cát nóng lại gọi là phim điện ảnh, Lê Hoàng bảo: “Bộ phim được quay bằng máy quay truyền hình, nhưng đó lại là một bộ phim nhựa”. Vị đạo diễn Gái nhảy cũng tự tin cho rằng: “Là phim nhựa hay không là do cái đầu”.

Phim vừa khép lại, trên các mạng xã hội, đã có những bình luận, đại ý: “Cát nóng xứng đáng là một thảm hoạ điện ảnh”. Thậm chí không ít ý kiến còn bình luận ở LHP Quốc tế Hà Nội 2012,  Lê Hoàng - Hồng Quế: Ai đáng xấu hổ hơn ai?

Số phận không khá hơn là mấy, Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng có kết cục khá buồn. Lỗi của Đam mê là kể một câu chuyện không thuyết phục. Phim đưa ra những luận đề rất ngây ngô.

Để nhát cô con gái Nhã Lâm (Trúc Diễm) đam mê nghề người mẫu, cha cô - ông Tư Dược (Trung Dũng), đã tìm được Kim Kim (Kim Khánh), một cựu người mẫu sau nhiều năm lăn lộn trên sàn catwalk giờ phải ở ẩn nơi rừng núi với di chứng là cái chân thọt, về để cho cô này “mở mắt” biết cái giá phải trả cho nghề người mẫu.

Kim Kim là điển hình cho sự nặng nề đến vô lý trong cách xây dựng nhân vật. Cứ cảnh nào cô xuất hiện là hàng loạt những quan điểm về người mẫu đích thực, về cái đẹp, về lòng đam mê và tự trọng nghề nghiệp, bề nhân quả được đi kèm.

Để thuyết phục Khánh Lâm, Kim Kim kể kết cục của những đồng nghiệp đã hại mình: “Bảo Hoa tự sát bên Mỹ; Kiều Hạnh, Mỹ Hoàng ngơ ngác trong viện tâm thần; Lam Kiều thì vật vờ trong trại cai nghiện”. Tóm lại, đam mê sẽ phải trả giá như thế đó!

Đam mê được đánh giá là một phim luận đề ngô nghê đến bực mình. 
Chưa kể dàn diễn viên trong Đam mê diễn xuất khá căng cứng. Người xem có cảm giác như đạo diễn không có tác động nhiều đến diễn xuất của Trúc Diễm, Trung Dũng và Kim Khánh. Họ luôn ra vẻ nghiêm trọng khi truyền tài những luận đề mình muốn đưa ra. Chừng ấy lỗi, không ít người không ngần ngại xếp Đam mê vào danh sách những phim “thảm hoạ” của điện ảnh Việt không chỉ năm 2012.

Một phim khác cũng được xếp vào hàng “thảm họa điện ảnh 2012” lọt danh sách 10 phim tranh giải Cánh diều vàng 2013 là Gia sư nữ quái.

Dàn diễn viên của Gia sư nữ quái là các danh hài đắt sô hàng đầu hiện nay gồm Hoài Linh, Chí Tài, Hoàng Sơn - những cái tên mà đạo diễn muốn lôi kéo khán giả bình dân mua vé, trong khi ca sĩ Bảo Thy và Issac (nhóm 365) hứa hẹn sẽ hút các fan tuổi teen đến rạp.

Đạo diễn phim này Lê Bảo Trung từng tuyên bố thẳng: Phim không hướng đến nghệ thuật cao siêu, chỉ cốt làm cho khán giả cười thoải mái! Vì thế, tình tiết quanh quẩn với câu chuyện cô tiểu thư (Bảo Thy đóng) không chịu học mà muốn làm giang hồ “sạch” như cha, chuyện hai chàng sinh viên (Trấn Thành và Issac thủ vai) suốt ngày ăn mì gói (đến mức ca khúc chính của phim là bài hát ca ngợi... mì gói!?) và vắt óc tìm trăm mưu ngàn kế để trốn nợ tiền nhà trọ.

Ngôn ngữ điện ảnh hiện đại đã tiến một bước dài so với thập niên 80 nhưng Gia sư nữ quái vẫn còn xây dựng những nhân vật như cải lương. Trong phim bộ ba - ông chủ Huỳnh Tài và hai “tay chân thân tín” là Tàu Hủ và Bánh Lọt - luôn múa may quay cuồng với cách diễn cường điệu như phim điện ảnh Hồng Kông cách đây hơn 20 năm.

Diều vàng khó bay

Cũng giống như mọi năm, mùa diều bay nào Hội Điện ảnh VN cũng phải ra hạn chờ các phim tham dự. Bởi lễ trao giải thường khá sát với mùa phim Tết. Vẫn còn rất nhiều tâm lý e ngại từ phía các đơn vị sản xuất phim Tết khi quyết định gửi phim tham dự Cánh diều vàng.

Thứ nhất, cho đến khi Cánh diều vàng được trao, các phim Tết vẫn đang còn trong vòng quay thu hồi vốn ở các rạp hạng 2, hạng 3, các rạp tỉnh. Nếu tham gia Cánh diều, cũng đồng nghĩa với việc phim sẽ được chiếu miễn phí trong một số ngày. Và không đơn vị sản xuất nào muốn “biếu không khán giả” phim của mình như vậy.

Thiên mện anh hùng được xếp vào ứng cử viên sáng giá của mùa diều vàng năm nay. 
Thứ hai, hầu hết các phim chiếu Tết đều thuộc hàng phim giải trí thiên về hải nhảm. Rất khó có hy vọng gì để tranh giải tại Cánh diều vàng. Năm nay duy nhất một phim Tết tham gia Cánh diều vàng 2013 là Nhà có năm nàng tiên. Bởi đây là đơn vị mới tham gia thị trường điện ảnh. Cần quảng bá thương hiệu cho mình.

Xét tương quan của 10 phim tham dự Cánh diều vàng năm nay có thể điểm ra những đối thủ nổi trội hơn là Thiên mệnh anh hùng, Lấy chồng người ta, Đam mê, Lạc lối. Thiên mệnh anh hùng là phim được trao giải thưởng của Ban giám khảo tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 vào tháng 11/2012.

Lấy chồng người ta không phải là một phim xuất sắc của Lưu Huỳnh nhưng vấn đề mang tính đương đại. Phim được làm khá cẩn thận dù tiết tấu rề rà và câu chuyện không có cao trào.

Ẩn số lớn nhất của năm nay là Lạc lối của ĐD Nhuệ Giang. Phim này chưa công chiếu nên cũng chưa có thể đánh giá gì. Nhưng nhìn vào vết phim của Nhuệ Giang sẽ thấy các đề tài của chị thường thiên về phụ nữ và ngôn ngữ cũng như cách thể hiện khá cũ kỹ so với hơi thở điện ảnh đương đại.

Dành cho tháng Sáu của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, sinh năm 1984, là phim độc lập từng được phát hành rộng rãi ngoài rạp vào hè năm ngoái. Dù nhận được rất nhiều lời khen nhưng đây là tác phẩm đầu tay, phim lại được quay bằng máy ảnh nên khó lòng lấy điểm từ các giám khảo. Có chăng là một giải phụ nào đó cho đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn.

Dành cho tháng Sáu, phim đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn. 
Các phim còn lại thì Đam mê, Cát nóng cũng thuộc hàng thảm họa. Nhưng xét tương quan trong mặt bằng chung, chưa biết, có khi cũng được giải. Sacndal – Bí mật thảm đỏ, Cưới ngay kẻo lỡ, Nhà có năm nàng tiên đều thuộc thể loại hài. Ngôn ngữ điện ảnh không có gì đặc biệt để nhận giải.

Như vậy có thể thấy dù lượng phim thảm họa khá khiêm tốn trong danh sách tranh giải Cánh diều vàng 2013, nhưng năm nay ban giám khảo hạng mục phim truyện nhựa sẽ bị gây khó bởi không có tác phẩm nào trở nên nổi trội như các mùa giải gần đây.

Cánh diều vừa vặn của điện ảnh Việt

Cho đến giờ những công tác chuẩn bị cho lễ trao giải Cánh diều vàng 2013 vẫn chưa được Hội Điện ảnh VN công bố chi tiết. Nhưng theo những thông tin ban đầu được đưa ra có thể thấy Cánh diều năm nay được làm vừa vặn với sức của điện ảnh Việt hơn những năm trước.

Trong ba năm trở lại đây, Hội Điện ảnh VN mong muốn biến Cánh diều trở thành một giải Oscar Việt Nam. Do đó, Hội đã cố gắng tổ chức Cánh diều vàng với quy mô lớn, định kỳ hàng năm luân phiên tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội và Nhà hát Hòa Bình TP.HCM.

Scandal - Bí mật thảm đỏ, một trong những phim tranh giải tại Cánh diều 2013. 
Cho đến mùa diều bay năm 2012, Hội cũng đã đánh tiếng muốn đưa Cánh diều trở lại thành một lễ trao giải ấm cúng theo quy mô nhỏ và mang tính chất nội bộ. Thế nhưng mong muốn này của Hội Điện ảnh đến mùa diều bay năm nay mới thành hiện thực.

Lễ trao giải Cánh diều 2013 sẽ diễn ra vào ngày 9/3 tới tại trường quay của Đài truyền hình TP.HCM. Một không gian khiêm tốn hơn rất nhiều lần so với các mùa diều bay trước.

Thành phần ban giám khảo của các hạng mục tranh giải năm nay chưa được Hội Điện ảnh VN công bố. Hội thường giấu kín tên các vị giám khảo đến ngày cận kề mới thông báo. Chỉ có duy nhất ông Trần Luân Kim được xác nhận sẽ là Chủ tịch Ban giám khảo Phim truyện điện ảnh.

Đàm Mộng Hoài

Bình luận
vtcnews.vn