Nhà văn Trung Trung Đỉnh: 'Hậu duệ mặt trời' là phim truyền hình, phải có yếu tố hư cấu

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 12/10/2018 16:30:00 +07:00

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho rằng, "Hậu duệ mặt trời" là một bộ phim truyền hình, tức là vẫn phải có yếu tố hư cấu, chứ không phải một bộ phim tài liệu, hoàn toàn dựa trên sự thật.

Trước những ý kiến quanh bộ phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt đang được khán giả quan tâm, nhà văn Trung Trung Đỉnh - người từng có nhiều tác phẩm nói về người lính, cũng như có sự am hiểu về hình tượng người lính trong những tác phẩm nghệ thuật, có những chia sẻ với độc giả VTC News.

- Là người có vốn am hiểu về hình tượng người lính trong các tác phẩm nghệ thuật, ông đánh giá thế nào về bộ phim "Hậu duệ mặt trời" Việt Nam đã lên sóng được 12 tập?

Tôi có xem một số tập của phim Hậu duệ mặt trời và thấy, phim đó được làm rất tốt. Các nhà làm phim đã rất cố gắng trong việc làm một bộ phim ca ngợi người lính Việt Nam và những bác sĩ. 

Họ đã rất chịu đầu tư trong những cảnh quay nhằm mang lại cho khán giả những hình ảnh chân thực, đẹp mắt và xúc động.

hau due mat troi 4

 "Hậu duệ mặt trời" là bộ phim được làm lại từ một tác phẩm truyền hình của Hàn Quốc. 

- Gần đây, có nhiều ý kiến về một số chi tiết trong phim "Hậu duệ mặt trời" chưa đúng với thực tế, ông thấy những chi tiết đó có nghiêm trọng như dư luận đang nhầm tưởng?

Đúng là trong phim có một số chi tiết chưa thực sự đúng với cuộc sống thực của người lính Việt Nam, tuy nhiên, nó chưa tới nghiêm trọng, chẳng hạn như chi tiết trong một cuộc họp mà bộ đội có người mặc quân phục dài tay, có người mặc trang phục ngắn tay...

trung-trung-dinh-vest-15392335906622114281742 3

trung-trung-dinh-vest-15392335906622114281742 3

Hậu duệ mặt trời là một bộ phim truyền hình, tức là nó vẫn phải có yếu tố hư cấu.

Hơn nữa, Hậu duệ mặt trời là một bộ phim truyền hình, tức là nó vẫn phải có yếu tố hư cấu. Nó không phải là một bộ phim tài liệu, phải hoàn toàn dựa trên sự thật. Chúng ta cũng không nên quá khắt khe với bộ phim.

- Vừa rồi, Bộ Quốc phòng cũng đã lên tiếng về một số sai sót của phim, nhưng dường như nhiều ý kiến làm quá lên dẫn tới những nhận xét sai lệch về phim?

Tôi nghĩ, đó là những góp ý chân thành. Họ là nhưng người có chuyên môn về quân sự. Vì thế, khi xem phải những tình tiết chưa thực sự hợp lý, họ sẽ lên tiếng. Tuy nhiên, họ lên tiếng với một sự thiện chí rõ ràng. 

Tôi nghĩ, vấn đề ở đây chỉ là Bộ Quốc phòng muốn góp ý về những chi tiết chưa thực sự đúng với đời sống thực tế của người lính, chứ không phải họ muốn can thiệp vào nội dung hay việc phát sóng của bộ phim.

- Là nhà văn có rất nhiều tác phẩm viết về người lính, ông nghĩ sao về việc đưa hình ảnh người lính vào trong các tác phẩm nghệ thuật?

Đối với tôi, người lính trước tiên cũng là một con người. Ngoài lúc luyện tập trên thao trường, khi chiến đấu, họ phải tuyệt đối tuân thủ theo mệnh lệnh, lúc nào cũng phải tập trung suy nghĩ, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, còn vào những lúc nghỉ giải lao, họ cũng rất vui tính. Họ có thể xưng hô thoải mái với đồng đội của mình, không phải lúc nào cũng cứng nhắc, gặp nhau là phải giơ tay lên chào.

Phim ảnh hay tác phẩm văn học đều là sản phẩm của việc hư cấu. Dựa trên những chất liệu của đời sống thực, nhà văn, nhà làm phim cũng phải hưu cấu thêm rất nhiều chi tiết. Nếu chỉ viết dựa trên sự thật, thiếu đi sự sáng tạo thì sẽ chỉ đẻ ra những tác phẩm khô khan, vô hồn.

Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.

Mộc Lan
Bình luận
vtcnews.vn