Làng nghề Phú Lễ - Nơi giao thoa giữa nét cổ xưa và hiện đại

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 15/11/2016 13:59:00 +07:00

Ở độ tuổi “tri thiên mệnh”, cụ Ba Dân và cụ Hạ Chí Luông - hai nghệ nhân làng nghề Phú Lễ đã có mấy đời theo nghề truyền thống, vẫn nở nụ cười mộc mạc đúng chất Nam Bộ, hiền lành và mến khách để đón chúng tôi.

Bậc nghệ nhân kỳ tài này đã có dịp giới thiệu về nơi độc đáo, hiếm hoi vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn những giá trị trăm năm, nơi giao thoa giữa nét cổ xưa và hiện đại.

Làng nghề có một không hai còn giữ nguyên “nếp cũ” trăm năm

Đưa chúng tôi vào kính cẩn thắp hương ở đình làng Phú Lễ, cụ Ba Dân - người nghệ nhân làm hồ men tại Phú Lễ chỉ từng nét chạm khắc tinh xảo của bức liễn, những cột gỗ lim gần 200 năm tuổi trong đình, cho biết: “Nhắc tới Phú Lễ, trước tiên là nhắc đến ngôi đình này, vì đó là nơi phát khởi cho nghề truyền thống và sự no ấm về sau”.

Điều người nghệ nhân tuổi ngoài 80 nhắc đến hoàn toàn không sai. Bởi lẽ, đình làng Phú Lễ là ngôi đình quy mô, đẹp bậc nhất Nam Bộ, hiện còn giữ được. Ngôi đình được đích thân hai vị vua triều Nguyễn ban lệnh xây dựng và chính thức sắc phong vào năm 1851.

Cụ cho biết, hơn trăm năm, đình vẫn còn giữ nguyên được thềm đá xanh, 6 gian chính và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Như một sự chở che kỳ diệu của những bậc “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”, ngay cả trong năm tháng lửa đạn chiến tranh, những phần cơ bản về kiến trúc của đình vẫn còn nguyên không bị tàn phá.

Đặc biệt những hàng cột gỗ lim, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng, những bảo vật đích thân vua Tự Đức ban tặng vẫn còn lưu giữ được đến hôm nay.

Sở dĩ phải nhắc đến việc đình làng được sắc phong trước tiên, vì theo cụ Hạ Chí Luông - nghệ nhân kháp rượu đi cùng chúng tôi, chính từ việc đón sắc chỉ của vua, chọn lễ vật đặc trưng tiến vua mà làng nghề kháp rượu Phú Lễ bắt đầu được vang danh, từ Nam chí Bắc đều biết đến và trở thành thứ “ngự tửu” danh bất hư truyền.  

1

 Cụ Hạ Chí Luông – nghệ nhân kháp rượu tại Phú Lễ đã truyền nghề cho con nhiều năm qua

Ngự tửu này có một nét không đâu có được là bài hồ men bí truyền. Cụ Ba Dân thêm: “Bài hồ men này làm từ 36 vị thảo mộc Bắc - Nam được tán nhuyễn, trộn với gạo lứt, nhồi chung với cám, vo thành viên, rồi được ủ trấu để lên men tự nhiên, sau đó phơi khô tạo nên hương vị rất riêng”.

2

 Cụ Ba Dân – người nghệ nhân đã gắn bó cả đời với nghề làm hồ men gia truyền

Đưa chúng tôi đi xem tận mắt từng viên hồ men bí truyền vẫn còn được lưu giữ công thức và tỉ mỉ thực hiện thủ công cho đến tận ngày nay, cụ Ba Dân tiết lộ: Sau này, kể cả khi công thức hồ men không còn là bí truyền thì vẫn không nơi nào khác có thể làm ra được thứ ngự tửu dâng vua như làng Phú Lễ. Bởi lẽ, từng giọt mỹ tửu tinh túy được chắt chiu từ thứ nếp mùa Ba Tri đặc biệt dẻo thơm chỉ nơi này mới có.

Thế hệ trẻ cũng nỗ lực giữ gìn nét truyền thống trăm năm

Trầm ngâm nhớ lại những tháng năm từng sợ nghề truyền thống tại Phú Lễ thất truyền, cụ Ba Dân chia sẻ: “Hồi xưa, cả Nam kỳ lục tỉnh chỉ có cha con nhà Hội đồng có quyền kháp rượu. Những lúc việc kháp rượu bị cấm, cha ông ở làng Phú Lễ phải lén lút kháp và giấu ngoài bưng, ngoài đìa. Thương thứ “thần tửu” vang danh, từng được đích thân vua chọn làm rượu ban thưởng công thần mỗi khi có lễ lớn, nên ông bà xưa vẫn cố giữ công thức hồ men bí truyền”.

“Đến những năm tôi trưởng thành, việc tiếp nối làng nghề được công nhận, mỹ tửu Phú Lễ phục hồi lại danh tiếng. Xót một làng nghề truyền thống và những chum “ngự tửu” bí truyền có nguy cơ mất đi, những người trẻ tâm huyết đã bắt tay vào thực hiện dự án giữ gìn, khôi phục và nâng cao chất lượng loại mỹ tửu này. Anh Trần Anh Thuy, một doanh nhân trẻ mê say loại “thần tửu”  đã quyết tâm gìn giữ nét truyền thống của làng nghề”.

Cụ Ba Dân xúc động kể: “Cách làm lúc đó hay lắm. Mấy cậu trai trẻ tập hợp các hộ chuyên kháp rượu lại, lập tổ hợp tác. Lúc đó bà con rất mừng, vì có công ăn việc làm ổn định, rượu kháp được bao tiêu trọn vẹn, thâu mua về một mối. Cái mừng lớn hơn nữa chính là biết từ nay, thứ mỹ tửu cha ông gìn giữ không những không lo thất truyền mà danh tiếng còn được vang xa”.

3

Công ty Rượu Phú Lễ ra đời là tâm huyết của doanh nhân trẻ Trần Anh Thuy trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống 

Tìm hiểu về những mô hình “cổ kim hòa quyện”, “làng nghề truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại” ở những quốc gia có làng nghề tương tự như Provence của Pháp, Napa ở Mỹ, anh Thuy đưa về Phú Lễ những dây chuyền tinh lọc, đóng chai hiện đại, đúng tiêu chuẩn quốc tế và đăng ký thương hiệu cho “ngự tửu” Phú Lễ, để từ đây, sản phẩm của làng nghề có thể đến tay nhiều người trong và ngoài nước.

Nở một nụ cười khi nâng niu trên tay những viên hồ men bên chai rượu Phú Lễ, cụ Ba Dân không giấu được nhiệt thành ở tuổi ngoài 80: “Làng nghề không mất là nhờ có lớp trẻ vừa giỏi giang vừa tâm huyết, đầy đam mê gìn giữ phong vị quê hương, chứ nếu chỉ thế hệ lớn tuổi ráng giữ thôi, thì mai một là điều dĩ nhiên phải tới”.

Tới làng nghề Phú Lễ bây giờ, chúng tôi vẫn có thể chiêm ngưỡng ngôi đình cổ xưa, vẫn có thể thưởng thức từng sản vật của một làng nghề trăm năm tuổi. Cái công giữ phong vị quê nhà, để nét cổ xưa hòa quyện cùng hiện đại ấy, không chỉ từ những bậc cha ông trong làng, mà còn từ trái tim tâm huyết của rất nhiều người trẻ.

Nói như anh Trần Anh Thuy: “Chúng tôi tự hào vì có thể tiếp lửa cho hoạt động gìn giữ bản sắc quê hương, cùng với chính quyền và người dân địa phương, giúp cho ngành nghề, giá trị truyền thống không bị thất truyền”.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn