Chuyện chưa kể quanh tranh Tết Bùi Xuân Phái

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 05/02/2011 01:14:00 +07:00

Đã có nhiều câu chuyện thú vị và hóm hỉnh đằng sau mỗi bức tranh Tết của danh họa Bùi Xuân Phái mà đến ngày nay mới được tiết lộ.

Mỗi dịp xuân về, họa sỹ Bùi Xuân Phái khai bút bằng những bức tranh Tết mang ước vọng cho một năm mới tốt lành. Đã có nhiều câu chuyện thú vị và hóm hỉnh đằng sau mỗi bức tranh Tết mà đến ngày nay mới được tiết lộ.Thiếu nữ thay cho…chuộtTrước những năm giải phóng, hoạ sỹ Bùi Xuân Phái có thú vẽ tranh tết về ông Đồ. Gam màu trầm ấm và dáng vẻ thư thả của các ông Đồ khom người cho chữ làm cho ai nhìn ngắm các tác phẩm của ông đều cảm thấy xao xuyến và náo nức về một mùa xuân mới với nhiều khát vọng hạnh phúc.

Nhưng khi đất nước hoà bình, thú vẽ tranh Tết của ông đã có một bước chuyển biến đáng kể. Những gam màu đã trở nên sinh động hơn và các môtíp trong tranh có nhiều thay đổi. Mà điều này được bắt nguồn từ niềm cảm hứng, niềm vui khi 2 miền đất nước thống nhất. Hoạ sỹ Bùi Xuân Phái có nhiều người bạn từng tập kết ra Bắc rồi trở lại TP.HCM khi đất nước giải phóng. Họ vẫn thường xuyên có những lá thư gửi từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đặc biệt, vào dịp Tết, những tấm thiệp chúc mừng năm mới được gửi từ Sài Gòn mới giải phóng đã làm xúc động hoạ sỹ Bùi Xuân Phái và gây cho ông niềm cảm hứng sáng tác.

Khác hẳn với tấm thiệp chúc mừng năm mới của miền Bắc XHCN lúc bấy giờ phục vụ công tác chính trị, những tấm thiệp của miền Nam mới giải phóng mang dáng dấp của phương Tây hiện đại với những hình ảnh bắt mắt. Vì thế, để đáp lại tấm thịnh tình mà bạn bè đã dành cho ông và làm tấm thiệp chúc mừng năm mới thật độc đáo, không giống với miền Bắc và tuyệt nhiên cũng không giống miền Nam, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã tự tay vẽ.
Hoạ sỹ Bùi Xuân Phái đã truyền không khí dân gian trong những bức tranh minh hoạ bìa báo Tết.
Ông vẽ thiệp chúc Tết trong một trạng thái bất chợt. Khi cảm xúc đến, hoạ sỹ vẽ ào ào một lúc là xong. Vì thế, nhiều khi vội để đuổi theo cảm xúc, họa sỹ cũng không cầu kỳ trong việc lựa chọn giấy vẽ. Cứ thấy trước mắt có tờ giấy nào còn phẳng phiu và có màu trắng là ông vẽ ngay. Năm nào con giáp ấy, hoạ sỹ thường dùng hình ảnh của con giáp đó trong tấm thiệp chúc mừng năm mới.Tuy nhiên, nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được ông tuân thủ, đặc biệt đối với năm con chuột. Loài gặm nhấm này đã làm hoạ sỹ thấy khó chịu khi chúng phá những tác phẩm mới hoàn thành công của ông trong ngôi nhà chật chội tại số 87 phố Thuốc Bắc. Vì thế, thay vì vẽ con chuột, ông đã vẽ các thiếu nữ xinh đẹp. Hoặc có những con giáp mà ông thấy khó thể hiện được hình ảnh của chúng trên tấm thiệp mang nặng nghĩa tình của mình tặng bạn bè cũng thường được ông thay thế bằng hình ảnh các thiếu nữ.

Cho đến giờ, nhiều bạn bè của hoạ sỹ vẫn còn nhớ tấm thiệp năm mới rất sáng tạo và lạ lẫm khi ông đã biến con rồng trở thành một hình ảnh rất đặc sắc giống như nàng tiên cá. Nửa trên của con rồng ông gắn với bán thân của thiếu nữ, còn phần đuôi rồng lại được ông biến tấu đi một chút để gần giống với đuôi của con cá. Vì vậy, mảng đề tài về thiếu nữ có một vị trí rất quan trọng trong những tác phẩm vẽ tay nhỏ xinh của họa sỹ Bùi Xuân Phái.

Kỷ niệm của một thời gian khóVà điều mà người ta rất dễ nhận ra về Tình yêu Hà Nội mà ông dành cho Thủ đô trong những tấm thiệp chúc Tết. Họa sỹ trau chuốt và chắt lọc những hìn ảnh tiêu biểu nhất về Hà Nội như Hồ Gươm, Tháp Rùa để đưa vào tranh. Dù những hình ảnh ấy chỉ làm nền cho những con giáp, cho những thiếu nữ xinh đẹp, xúng xính trong áo và hoa thì một chút thiêng và một chút hào hoa của Hà Nội cũng đã hiện diện trong tranh. Ông yêu Hà Nội, đó là điều mà không ai có thể phủ nhận ngay cả trong những tấm thiệp đơn sơ mà chan chứa tình bạn bè.

Với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sỹ, Bùi Xuân Phái phần nào cũng cảm nhận được tấm trạng nhớ nhung Hà Nội của những người bạn đã từng có thời gian tập kết ra Bắc và gắn bó với mảnh đất này. Các tấm thiệp này có thể không thể gửi trọn vẹn không khí rộn ràng đón Tết của Hà Nội và bầu trời của Thủ đô tới các bạn ở phương xa nhưng nó sẽ làm cho một phần nỗi nhớ ấy dịu xuống và bớt đong đầy.
Bức Nam Bắc.
Vẽ tranh Tết với họa sỹ Bùi Xuân Phái không dừng lại ở những tấm thiệp đơn sơ mà còn là những kỷ niệm của một thời gian khó khi đất nước còn chìm trong lửa đạn. Bùi Xuân Phái khi ấy cũng đã là một họa sỹ có tên tuổi nhưng cuộc sống gia đình vẫn còn gặp nhiều vất vả. Một nghệ sỹ sống hồn nhiên với cuộc đời như ông cũng đã có những khoảng thời gian long đong để tăng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, cái Tết năm 1970 đã trở thành một cái Tết không thể quên đối với ông và gia đình khi ông Phái và các con đã kiếm về cho bà Phái một khoản tiền tiêu Tết không nhỏ.

Năm ấy, Hội Mỹ thuật Việt Nam tìm cách cải thiện đời sống cho anh em sáng tác bằng cách, mỗi họa sỹ sẽ có thêm một khoản tiền tiêu Tết khi nhận tranh dân gian về tô. Ông Phái cũng được liệt vào danh sách ấy. Họa sỹ về bàn bạc với bà Phái và lập tức nhận được sự ủng hộ của bà với hy vọng các con sẽ giúp một tay. Ngay ngày hôm sau, 3 bố con hồ hởi tới trụ sở của Hội ở số 51 Trần Hưng Đạo để nhận tranh. Hàng nghìn bức tranh khắc dân gian đã được chở về nhà trên chiếc xe đạp mà dường như bao niềm vui và hy vọng có một cái Tết thịnh soạn cũng nằm ở đó.

Việc tô tranh tưởng chừng như đơn giản ấy đầu tiên được ông giao cho 2 con. Nhưng bản tính con trẻ ưa nhanh nhưng ẩu đã làm lem màu từ vùng này sang vùng nọ khiến ông Phái buộc “nhảy vào tham chiến”. Tuy là một người thiên về sáng tác, vẽ tranh theo cảm hứng nhưng ông Phái lại trở thành người thợ tô tranh rất tỉ mỉ và chính xác.

Ông Bùi Thanh Phương, con trai họa sỹ Bùi Xuân Phái khi kể lại kỷ niệm này vẫn còn nhớ như in lời dạy bảo của cha “Phương à, con tô màu như thế chưa được đâu, bị lem ra ngoài nhiều lắm. Con nhìn bố tô màu này”. Một nét rồi 2 nét, bức tranh dần trở nên sinh động hơn dưới ngòi bút trên của ông Phái đang lướt đi một cách thận trọng trên giấy. Với sự nỗ lực của 3 bố con, công việc tô tranh cũng hoàn tất trong gần 1 tháng và cũng đã là những ngày cận kề Tết. Thế nhưng, 3 bố con ông Phái đã chưng hửng khi có chỉ thị của Hội thu hồi toàn bộ số tranh đã đưa cho các họa sỹ. Những tưởng bao công sức và niềm hy vọng được chất chứa bấy lâu nay sẽ đổ xuống sông thì may thay, các họa sỹ vẫn nhận đủ số tiền như đã cam kết ban đầu. Cái Tết năm ấy, trên mâm cơm nhà ông Phái đã có thêm nhiều món ăn thịnh soạn.

Tranh quá đẹp nên bị đánh cắp

Cũng vào thời gian đó, họa sỹ Bùi Xuân Phái còn rất nổi tiếng bằng nghề vẽ minh họa trên các báo. Mà ngày đó, vẽ minh họa bìa báo Tết rất được quan tâm và thường được giao cho các họa sỹ tên tuổi đảm nhiệm. Cứ gần đến Tết người ta lại kháo nhau xem năm nay báo Văn Nghệ sẽ vẽ minh họa về đề tài gì. Ông Phái đương nhiên là một cây bút được ưu ái đặt lên hàng đầu. Mỗi tác phẩm vẽ bìa minh họa báo Tết tiêu tốn nhiều sức lực và tâm huyết của ông Phái và được họa sỹ thực hiện như một tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt, ông đều cố gắng truyền tới người xem không khí cổ truyền ngày Tết qua những hình ảnh dân gian sinh động như đám cưới chuột, tĩnh vật hoa quả…trong tranh.

Ngoài thời gian vất vả bên công việc minh họa báo Tết, họa sỹ Bùi Xuân Phái còn dành khoản thời gian cho riêng mình với thú vui thưởng ngoạn cảnh chợ hoa Tết. Đem theo bên mình quyển sổ và cây bút để ghi chép, ông cùng hòa mình vào dòng người hồ hởi đi mua sắm Tết. Ở một bức tranh miêu tả cảnh chợ Tết được ông vẽ bằng bột màu, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã tự họa chính mình như một người lãng du trong dòng người hối hả. Ông đứng đó, bình thản nhìn cuộc sống và mải miết với những hình và ký họa về chợ hoa.
Bức Chợ hoa.
Vì ở gần chợ hoa, ngôi nhà số 78 phố Thuốc Bắc của ông vào những ngày giáp Tết trở nên rất nhộn nhịp với nhiều cuộc thăm viếng của bạn bè. Trước là câu chuyện thân tình giữa những người bạn với ấm nước chè, điếu thuốc đàm đạo còn sau cùng bao giờ cũng là việc gửi xe đạp tại nhà ông Phái để vào chợ.

Một lần, người bạn của ông đến nhà chơi trong lúc họa sỹ đang ở trên gác xép. Nhìn thấy chiếc cặp vẽ trong có chứa những bức tranh Tết đang dang dở của họa sỹ Bùi Xuân Phái, ông bạn đã lấy đi 6 bức mà họa sỹ không hay biết gì. Nhưng vì tranh chưa có chữ ký của tác giả, có treo cũng thấy thiếu mất phần quan trọng nhất nên người bạn đành đem tranh lại và thú thực với ông Phái và mong ông lượng thứ mà ký vào những bức tranh. Đến lúc đó, họa sỹ Bùi Xuân Phái mới biết những bức tranh “đi đằng nào mất” lại đang nằm trong tay của bạn mình. Không tỏ ra tức tối, họa sỹ từ tốn nói với bạn: “Ông đem đến đây để tôi còn sửa, được chứ?”. Người bạn như mở cờ trong bụng, vội vàng lôi từ trong túi ra 6 bức tranh đưa cho ông Phái.

Từ những tấm thiệp chúc mừng năm mới, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã vẽ những tấm thiệp cưới cho con trai của ông. Có đến 50 chiếc thiệp cưới do chính tay họa sỹ vẽ, không bức nào giống bức nào được phát cho họ hàng nội ngoại và bạn bè thân thiết của 2 gia đình. Cho đến nay, nhiều tấm thiệp cưới vẫn được mọi người lưu giữ như một kỷ vật vô giá. Và có một tấm thiệp cưới ngày ấy được một người nước ngoài mua với giá 4.700 USD. Về giá trị vật chất, không riêng gì với Việt Nam mà so với thế giới, đó là tấm thiệp có giá trị cao nhất. Như vậy, những tác phẩm tranh Tết, thiệp chúc mừng năm mới hay tấm thiệp cưới của họa sỹ Bùi Xuân Phái đều là những tác phẩm nghệ thuật thực sự, mang tâm hồn và tài năng của người họa sỹ Hà Nội.

Phạm Thu Hương (An ninh thủ đô số Xuân Tân Mão)
Bình luận
vtcnews.vn