Băn khoăn có nên bình chọn Quốc tửu?

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 19/01/2011 11:15:00 +07:00

(VTC News) – Còn quá nhiều điều phải bàn xung quanh câu chuyện bầu chọn Quốc tửu. Có nên bầu chọn Quốc tửu? Và nếu bầu chọn thì lấy tiêu chí nào?

(VTC News) – Trong quá trình tìm kiếm những đặc trưng mang biểu tượng dân tộc, bên cạnh những Quốc hoa, Quốc phục, nhiều người đã nghĩ đến việc tìm ra Quốc tửu. Tuy nhiên, phải chăng còn quá nhiều điều phải bàn xung quanh chuyện bầu chọn cho hạng mục đặc biệt này.

Từ ngày 25-30/1/2011 sẽ diễn ra “Lễ hội Hoa Xuân và Đồ uống Tết năm 2011” tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 02, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là lễ hội thường niên do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức.

Năm nay tại Lễ hội, BTC tổ chức lấy ý kiến nhân dân để bầu chọn Quốc hoa, Quốc tửu và Quốc phục Việt Nam. Phần bình chọn Quốc hoa rất được chú ý, trong đó hoa sen vẫn đang dẫn đầu số phiếu bình chọn với những ý nghĩa thanh tao và gắn với lịch sử văn hóa dân tộc. Việc bình chọn Quốc phục đã được khởi động vài năm nay và có rất nhiều ý kiến của đông đảo nhân dân cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa như cố GS Trần Quốc Vượng, nhà sử học Dương Trung Quốc tiếp tục là vấn đề cần phải được mổ xẻ, tranh luận để có những kết luận cuối cùng. Trong số những trang phục được đưa ra để lấy ý kiến, áo the khăn xếp vẫn được giới chuyên môn chuộng hơn cả.

Riêng hạng mục Quốc tửu để lại nhiều suy nghĩ nhất. Có nên bầu chọn Quốc tửu? Và nếu bầu chọn thì lấy tiêu chí nào ra để lựa chọn? Đây vẫn là hai trong vô số câu hỏi được đặt ra. Và hiện tại, chưa có những lý giải thấu đáo và thực sự nghiêm túc mang tính thuyết phục cho những câu hỏi đó.

Lò nấu rượu ở làng Vân. Ảnh: st. 

Trên thực tế tại phần trưng bày tuyển chọn “Quốc tửu Việt Nam” trong khuôn khổ Lễ hội, BTC sẽ đưa ra các thương hiệu đạt giải rượu ngon tại các kỳ Liên hoan tuyển chọn rượu liên tục trong 3 năm: 2007, 2008, 2009 của 2 dòng rượu công nghiệp và truyền thống. Đây là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam tiếp tục hoàn thiện đề án, quy chế tuyển chọn Quốc tửu Việt Nam.

Về rượu công nghiệp gồm các thương hiệu: Vodka 39,50, Whisky Halico 39,50, Vodka  Blue Bird 39,50  rượu mơ hồng, Làng Vân, Bó Nặm, Phú Lộc, Mao Lùng và Vodka@BKAV 290. Ngoài ra còn có các thương hiệu rượu đại diện cho các vùng miền dân tộc: rượu cần Tây Bắc, Tây Nguyên, rượu dừa miền Nam, rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phú Lộc (Hải Dương), Bàu Đá (Bình Định), Hồng Đào (Quảng Nam), Phú Lễ (TP.Hồ Chí Minh)…

Nhìn qua danh sách trên cũng có thể thấy BTC chương trình chưa thật sự tìm ra được cho mình một tiêu chí hay định nghĩa chuẩn thế nào là Quốc tửu để lựa chọn những sản phẩm phù hợp để lấy ý kiến. Vì thế mới đưa ra một loạt các thương hiệu rượu từ mang tính vùng miền, có tính văn hóa địa phương đặt bên cạnh những sản phẩm rượu sản xuất công nghiệp mà cái tên của nó cũng đủ khiến người ta phì cười nếu đưa ra bình chọn là Vodka, Whisky… Liệu sự bày biện này mang tính bày biện thương mại hay văn hóa nhiều hơn?

Thêm một bài toán được đặt ra là chúng ta đã đưa ra quy định về quảng cáo rượu và có thể hiểu là một cách để hạn chế truyền bá và giảm những tác hại do rượu gây ra. Thực tế, ngoài tác động đến sức khỏe và là nguyên nhân gây ra một số bệnh liên quan đến tim, dạ dày, ung thư vòm họng… Rượu cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến nhiều tai nạn giao thông.

Thông tư 43/2003/TT-BVHTT quy định chỉ cho phép quảng cáo với các loại rượu có nồng độ cồn dưới 15° và đăng quảng cáo hình ảnh sản phẩm rượu của các thương hiệu như: Vodka, Armaganac, Whishy... Còn các loại rượu từ 15° trở lên chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới doanh nghiệp sản xuất rượu, bên trong các cửa hàng, đại lý tiêu thụ rượu nhưng phải đảm bảo người ở bên ngoài địa giới doanh nghiệp cửa hàng, đại lý không đọc được, không nghe được, không thấy được.

Ngoài ra sản phẩm rượu dưới 15° và sử dụng hình ảnh sản phẩm rượu của các thương hiệu doanh nghiệp bắt buộc phải cung cấp các hợp đồng đại lý, giấy phép sản xuất rượu, giấy phép kinh doanh bán buôn hoặc đại lý bán buôn, giấy phép kinh doanh bán lẻ hoặc đại lý bán lẻ (ký giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất, giữa doanh nghiệp và đại lý độc quyền...), mục đích để chứng thực quyền được đăng bán sản phẩm rượu.

Và vì thế, việc bầu chọn Quốc tửu cần được tính toán kỹ lưỡng, nếu không vô hình chung đã không ít thì nhiều đi ngược lại những điều cấm kỵ đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng bằng những văn bản luật.

Nói về việc bình chọn Quốc tửu, nhiều độc giả phản đối: “Quốc phục thì rất nên có. Nhưng quốc tửu để làm gì? Theo tôi không nên tôn vinh rượu. Thế giới đã đánh giá cao nền ẩm thực của chúng ta rồi mà. Nếu đất nước ta bài trừ được nạn chè chén say sưa thì lúc ấy chọn quốc tửu cũng chưa muộn".

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ủng hộ việc bầu chọn Quốc tửu. Tại một buổi tọa đàm về văn hóa rượu vào tháng 10/2010, giáo sư Trần Văn Khê cho biết: “Việt Nam ta cũng nên chọn Quốc tửu dùng để chiêu đãi chính thức các phái đoàn nước bạn đến thăm Việt Nam, giới thiệu với bạn bè thế giới một nền văn hóa rượu không thua kém ai”...

Với những quan điểm trái ngược nhau như hiện tại và cùng với những lý do về lợi ích của nhân dân và quy định quảng cáo rượu, thiết nghĩ việc đưa ra vấn đề Quốc tửu nên tiếp tục được bàn bạc và có những hội thảo nghiêm túc trước khi đưa ra những quyết định.

Trần Lê

Bình luận
vtcnews.vn