30 năm nhớ Lưu Quang Vũ: 'Người nổi gió - Người đập cửa - Người mở cửa'

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 25/08/2018 07:07:00 +07:00

30 năm nhớ Lưu Quang Vũ: ''Người nổi gió - Người đập cửa - Người mở cửa'' để lại dấu ấn sâu đậm trong tư tưởng đổi mới và trong tiến trình văn học dân tộc.

Nhân kỉ niệm 30 năm ngày vợ chồng nghệ sĩ tài danh Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ của họ về cõi bất tử (29/8 / 1998 – 29/8/2018), cùng nhìn lại những cống hiến của Lưu Quang Vũ với tư cách một nghệ sĩ lớn – một nhà tư tưởng tiên phong có công “thổi bùng lên ngọn gió đổi mới” đất nước những năm 80 của thế kỉ trước.

Với nhà văn, cái cuối cùng còn lại là tư tưởng, là triết học, có điều nó không phải là những khái niệm khô khan mà là những hình tượng nghệ thuật sống động thấm đẫm cảm xúc nên có sức truyền cảm và sức ảnh hưởng nhanh chóng và lâu dài.

Đánh giá một nhà văn, người ta dựa vào sự phê bình của công chúng, sự thẩm định của thời gian, xác định tầm ảnh hưởng của nhà văn đó với lịch sử tư tưởng. Những nhà văn lớn luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong tiến trình văn học dân tộc.

Họ là những người tiên phong và khai mở, giác ngộ công chúng trong nhận diện hiện thực và dự báo tương lai. Lưu Quang Vũ, qua sự nghiệp văn học của mình, đặc biệt qua 50 vở kịch được sáng tác trong khoảng 10 năm trước khi ông qua đời đã để lại dấu ấn đặc biệt, một hiện tượng “có một không hai” trong lịch sử đời sống văn học Việt Nam hiện đại.

1_23161

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. 

Để lại khoảng 200 bài thơ, hơn 50 vở kịch, thời gian càng lùi xa, người ta người ta càng nhận thấy vị trí tiên phong của Lưu Quang Vũ. Điều này thể hiện rõ nhất qua kịch của ông.

Làm biên tập Tạp chí sân khấu, ông hiểu được nhu cầu đổi mới đang đặt ra cấp thiết với nền kịch nghệ nước nhà. Bởi đời sống đất nước sau chiến tranh đang đặt ra rất nhiều vấn đề bức thiết, khi cơ chế tập trung bao cấp của thời chiến sang thời bình trở nên lạc hậu, tù hãm, căn bệnh quan liêu lan tràn, đời sống xã hội như một dòng chảy xô bồ xen lẫn đục trong, chứa đầy mâu thuẫn gay gắt.

Nếu sân khấu không phản ánh hiện thực đó, vẫn chiều hướng lý tưởng hóa sẽ bị khán giả quay lưng. Lưu Quang Vũ nhanh chóng nắm bắt những mâu thuẫn nhức nhối, nêu ra những vấn đề cấp thiết, thổi một luồng gió mới vào sân khấu cũng như đời sống lúc bấy giờ.

Những thông điệp mới mẻ ấy được chuyển tải hấp dẫn trong các vở kịch của anh đã lôi kéo người xem đến rạp. Có những vở như Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Quyền được hạnh phúc... động đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nhạy cảm... nhưng người xem thích thú vì đã nói hộ họ những điều bức xúc, hé mở, gợi ý cho những giải pháp, hướng đi, đem lại cho người xem niềm tin, niềm hi vọng...

Có thể nói, kịch Lưu Quang Vũ như một đội quân tiên phong của văn học, đã xông vào những vấn đề nóng bỏng nhất để báo động về sự đổ vỡ, mất mát sẽ diễn ra nếu không thay đổi, là tiếng nói báo trước về những cái mới sẽ đến, cái lạc hậu, trì trệ ắt sẽ bị thay thế.

Đồng thời, kịch của anh cũng cổ vũ mạnh mẽ cho những nhân tố mới, gửi gắm niềm tin vào những người trẻ tuổi, phê phán mạnh mẽ những thứ giáo điều, lạc hậu kìm hãm con người, truyền cảm hứng để công chúng hướng tới những chuẩn mực giá trị mới nhân văn vì con người, góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới đất nước, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

1_38150

 Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

Kịch của Lưu Quang Vũ, không chỉ đề cập đến những vấn đề có tính chất thời sự mà quan trọng hơn Lưu Quang Vũ đã khai thác chiều sâu của hiện thực, mổ xẻ và nêu ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh muôn thưở của con người như cuộc đấu tranh thiện - ác, mâu thuẫn giữa cái cao cả và thấp hèn, giữa nhân hậu, vị tha với hẹp hòi, ích kỷ, giữa trung thực và giả dối.

Nhờ thế, kịch của anh có sức sống lâu bền, những vở như Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Nàng Xi ta,Mùa hạ cuối cùng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy... đã và đang tiếp tục kéo khán giả đến rạp.

Không chỉ nhận diện những vấn đề của thực tại, nhà văn tài năng lớn còn có những dự báo về tương lai. Kịch Lưu Quang Vũ đã đưa ra những dự báo đi trước thời đại 40 năm.

Trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (sáng tác từ năm 1983), Lưu Quang Vũ đã đưa ra bối cảnh về một xã hội có sự xuất hiện của những robot được lập trình hoàn hảo, cũng có khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc, cũng có ước mơ.

Đồng thời, nhà văn cũng đặt ra vấn đề trong một xã hội như vậy, con người cần phải thiết lập những tiêu chuẩn đạo đức, pháp luật ra sao để bảo vệ giá trị nhân văn của mỗi người. Qua kịch, Lưu Quang Vũ cổ vũ cho những người di tiên phong, kiểu nhân vật con người mới dám dấn thân, luôn khám phá và thực hiện những tư duy mới mẻ đi trước thời đại.

Thông điệp, chúng ta cần những người đi trước, cần đổi mới và sáng tạo không ngừng đã vang lên nhiều lần trong nhiều kịch của anh như (Tôi và chúng ta, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Nếu anh không đốt lửa, Khoảng khắc và vô tận).

Có thể nói, chính Lưu Quang Vũ đã góp phần quan trọng làm thay đổi t¬ư duy của người biểu diễn cũng như của công chúng văn học. Anh là một trong những người tiên phong đổi mới kịch nghệ nước ta và đã đem đến cho sân khấu luồn sinh lực dồi dào, vạm vỡ.Lưu Quang Vũ đi xa đã 30 năm nhưng khoảng trống anh để lại cho kịch nghệ nước nhà vẫn còn nguyên vẹn.

13524463_564782397041425_8737590613532070608_n 3

Thơ của Lưu Quang Vũ vẫn nhận được nhiều sự mến mộ từ người yêu văn học. 

Không chỉ ở kịch, mà với thơ, thể loại ông tâm đắc nhát lúc sinh thời, Lưu Quang Vũ vẫn là người đi đầu, người khai mở. Trong thơ, ông bộc lộ một cảm quan tinh nhạy, một trái tim nồng nàn yêu thương và rất mực nhạy cảm, với những băn khoăn, day dứt về con người và cuộc sống.

Với thơ, ông được mệnh danh là “Người nổi gió - Người đập cửa - Người mở cửa”. Ông quan niệm: “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa/ Thơ sinh sự với đời không cho ai yên ổn”. Ông mang đến thơ ca nửa sau thế kỉ XX một giọng điệu lạ, một nguồn cảm hứng thế sự mà thời đó có người cho là “lạc điệu”.

Nhưng thi sĩ sống hết mình với cuộc đời, với đất nước, dám nghĩ đúng mình, dám là mình nên thơ Lưu Quang Vũ đã “phá tung những cái mực thước, khuôn phép, vừa phải, lưng chừng” để có những kết tinh nghệ thuật đáng quý, những bài thơ xuất sắc của nền thơ hiện đại như: Vườn trong phố, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Mây trắng của đời tôi, Và anh tồn tại, Tiếng Việt...

Dù là biểu đạt niềm tin yêu trong trẻo hay những trăn trở, dằn vặt, tra vấn... thơ Lưu Quang Vũ đều truyền cảm lạ lùng bởi giọng thơ đắm đuối xuất phát từ một cường độ cảm xúc nồng nàn, qua những hình ảnh mới lạ đầy cảm giác.

Những năm 70 của thế kỷ trước, khi dàn nhạc giao hưởng thơ ca đang trình tấu bản giao hưởng với màu sắc sử thi đậm chất lãng mạn thì Lưu Quang Vũ đã sớm nhận ra: “Thơ để sống với đời thường và giấc mơ phía trước”.

Con người không chỉ sống với trước mắt nhưng cũng không chỉ để theo đuổi giấc mơ.Thơ Lưu Quang Vũ là cái gạch nối hai miền thực tại và ước mơ. Thực tại ấy là hình ảnh đất nước trong chiến tranh: đói nghèo, đổ vỡ, mất mát, thương đau... là nỗi buồn day dứt, xót xa, là dự cảm về một tương lai của thời kỳ hậu chiến...

Ước mơ ấy là niềm tin, là hy vọng xuất phát từ một tình yêu sâu thẳm với nhân dân, với dân tộc, với thiên nhiên và con người. Bằng những câu thơ buồn, ám ảnh, thi nhân đã hát lên khát vọng đau đớn và lớn lao của đồng bào mình: khát vọng hòa bình.

Hình tượng Đất nước được anh khám phá ở bình diện độc đáo,mới mẻ. Đất nước trong thơ anh hiện lên với vẻ đẹp lung linh,biến ảo, tráng lệ mà gần gũi thiêng liêng của ngữ ngôn dân tộc: “Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người".

Cho đến hôm nay,những vần thơ gõ cửa, những vần thơ sinh sự của Lưu Quang Vũ vẫn là nơi rất nhiều người yêu thơ tìm đến để lắng nghe tiếng vọng của chính tâm hồn mình. Hơn mọi giải thưởng cao quý, anh đã và luôn là nhà thơ của nhân dân, nhà thơ yêu nước – thơ anh sẽ ở mái trong trái tim những người yêu nước Việt.

Thời gian nghiêt ngã, nhưng người đời công bằng, những con người tài năng và tận hiến, những con người dám dấn thân đi trước mở đường sẽ được ghi nhớ và tôn vinh. Cuộc đời nhà văn Lưu Quang Vũ dừng lại ở tuổi 40 nhưng những gì anh đã sáng tạo và cống hiến cho đời sẽ còn mãi với nhân dân với đất nước.

Lưu Quang Vũ đã đi xa 30 năm, cũng đã 30 năm công cuộc đổi mới đất nước được tiến hành. Đời sống đã thay đổi rất nhiều, lịch sử đang vận động rất nhanh dưới tác động của những làn sóng công nghệ mới. Nhưng thời gian càng lùi xa, càng có điều kiện đánh giá những đóng góp của nhà văn Lưu Quang Vũ .

Không sở hữu bằng cấp, không giữ chức vụ gì nhưng Lưu Quang Vũ đã tự học ở trường đời, yêu tha thiết nhân dân và đất nước mình, anh đã sáng tạo và đổi mới không ngừng, đã tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng đến tiến trình vận động của của văn nghệ cũng như sự phát triển của đất nước – Lưu Quang Vũ xứng đáng là Nhà tư tưởng về đổi mới.

Anh cũng là biểu tượng sinh động cho chuẩn mực giá trị của một Công dân toàn cầu. Bởi thước đo giá trị của Công dân toàn cầu là những sáng tạo, đổi mới, những cống hiến cho con người có cuộc sống tốt đẹp hơn, cho đất nước phát triển hơn chứ không phải chức vị, tiền tài người đó sử hữu.

Hơn lúc nào hết để đất nước hội nhập và phát triển, chúng ta cần những người tiên phong, tài năng, quả cảm dấn thân như Lưu Quang Vũ.

THU CÚC
Bình luận
vtcnews.vn