'Hóa kiếp' nghĩa trang Bình Hưng Hòa: Hàng nghìn ngôi mộ đi về đâu?

Thời sựThứ Hai, 24/07/2017 18:48:00 +07:00

Tuy giai đoạn một của dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã kết thúc, nhưng hiện tại vẫn còn hơn 2.400 ngôi mộ chưa có thân nhân kê khai vẫn chưa biết chuyển đi đâu.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) đã có từ trước năm 1975 và là nghĩa trang lớn nhất thành phố. Tuy nhiên, trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nghĩa trang đã nằm trong khu dân cư đông đúc.

Đến năm 2008, vì lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND TP.HCM đã ra quyết định giải tỏa nghĩa trang này với tổng kinh phí đầu tư lên đấn gần 2.500 tỷ đồng.

Theo quy hoạch của thành phố, trong tổng số 44 ha đất giải tỏa, có 24 ha được làm công viên cây xanh, 12 ha dùng làm trung tâm thương mại và 8 ha còn lại làm khu phức hợp từ sau năm 2020.

Với hơn 75.000 phần mộ, để di dời nghĩa trang là công việc không dễ dàng nên dự án chia làm 3 giai đoạn để dễ thực hiện. Theo đó, giai đoạn một tuy đã kết thúc nhưng tính đến nay còn 2.758 ngôi mộ chưa có thân nhân đến di dời, trong đó có 2.426 ngôi mộ chưa có thân nhân kê khai. 

nghiatrangbinhhunghoa

 Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Theo đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, sau ngày 31/10/2017, những ngôi mộ chưa có thân nhân kê khai, Ban sẽ tiến hành công tác bốc mộ hàng loạt, hỏa táng và lưu giữ tro cốt tại Chùa Di Lặc nằm trong khuôn viên nghĩa trang Bình Hưng Hòa

"Chủ trương của thành phố là hỏa táng không cải táng vì đảm bảo được vệ sinh môi trường, tiết kiệm quỹ đất nên chúng tôi sẽ tuân thủ chủ trương. Đối với những ngôi mô đã có thân nhân kê khai thì khi họ bốc mộ sẽ được hỗ trợ theo chính sách, tuy nhiên phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác như nhu cầu của thân nhân, tín ngưỡng", ông Lại Phú Cường - Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho biết.

binh-hung-hoa4-reatimes-1499828969 3

 Ngôi mộ đã được di dời theo kế hoạch của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân.

Riêng đối với những hộ gia đình sinh sống trong nghĩa trang, Ban Bồi thường sẽ căn cứ vào hồ sơ pháp lý, thời điểm sử dụng nhà đất bị ảnh hưởng của hộ dân và xác nhận tờ khai nguồn gốc nhà đất của UBND phường để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ và giải quyết chính sách tái định cư theo đúng phương án đã được phê duyệt.

Video: Nghĩa trang lớn nhất TP.HCM sắp "hóa kiếp" thành khu đô thị cao cấp

Được biết, để thuận tiện trong công tác giải tỏa, Ban Bồi thường cùng với UBND quận Bình Tân đã có kế hoạch tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm thông báo đến thân nhân các ngôi mộ liên hệ đăng ký kê khai, bốc mộ.

Đồng thời, đơn vị này phát hành công văn gửi 62 tỉnh - thành, thông tin lên website của dự án để thông báo đến người dân. 

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn