Giai thoại "Võ Tòng" đả hổ ở Sài Gòn

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 22/10/2012 03:19:00 +07:00

Theo lời kể lại, đó không phải là lần đầu tiên hổ về. Hình như thành thói quen, thỉnh thoảng hổ lại mò về quậy phá con người giữa chốn đô thành.

Trước đây, Sài Gòn là một vùng đất hoang sơ nên có rất nhiều động vật hung dữ thường xuyên xâm nhập và xuất hiện giữa chốn đô thành. Giai thoại "Võ Tòng" đả hổ xuất hiện từ đây.

Cách đây hơn 200 năm, năm 1771, vào lúc nửa đêm, tại làng Tân Kiểng (nay là khu chợ Quán, thuộc Q.5, TP.HCM) bỗng nổi lên tiếng trống chiêng inh ỏi, với tiếng la thất thanh: "Hổ về! Hổ về!".

Đó là một con hổ to lớn, hung dữ, đang đói khát tìm mồi. Theo lời kể lại, đó không phải là lần đầu tiên hổ về. Hình như thành thói quen, thỉnh thoảng hổ lại mò về quậy phá con người giữa chốn đô thành.

"Cướp" phụ nữ trước đám đông

Xung quanh ngôi đình Tân Kiểng, chợ Quán ngày trước là rừng, với kênh rạch chằng chịt, nguyên có tên là làng Tân Cảnh, nhưng do kỵ húy tên của hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) nên phải gọi chệch ra là Tân Kiểng.

Thời ấy, nói chung toàn vùng Sài Gòn còn rất hoang vu. Khu làng Tân Kiểng nằm giáp ranh giữa Bến Nghé và Đế Ngạn (Chợ Lớn ngày nay) nên dân cư có phần đông đúc hơn.

Song, xung quanh còn nhiều hàng cây, sông ngòi chằng chịt nên cứ đêm đến là dân làng ai về nhà nấy, cửa đóng then cài.

Vào một đêm tối trời cuối tháng Chạp, một phụ nữ làm nghề vựa lá lợp nhà dậy sớm để nấu cơm cho chồng mang theo ghe chở lá, sau khi tiễn chồng ra bến, chị về nhà với các con, tại gian nhà nhỏ ở đầu chợ Tân Kiểng. Bỗng chị đứng khựng lại, mồm há to định hét lên mà chẳng phát nên lời.
Đây là nơi được lưu lại dấu tích hổ rừng "về thăm" 
Trước mặt chị là một "ông ba mươi" đang chiếu cặp mắt như hai hòn lửa đỏ về phía chị. Con mãnh thú tiến đến chị gần hơn. Vừa lúc ấy có một nhóm người xách đèn đi chợ sớm, họ vừa đi vừa nói chuyện râm ran.

Có thể, vì thế đã làm kinh động không gian nên con mãnh hổ khự lại, không tiếp tục tiến về phía chị nữa. Đám đông người đi chợ nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, thay vì hô to cho hổ sợ thì mạnh ai người đó ù té chạy. Hổ phóng tới và loáng cái đã mất dạng trong đám cành lá rậm rạp. Nó đã kịp vồ và mang theo người phụ nữ xấu số kia vào rừng.

Chuyện trong dân gian

Câu chuyện hổ vồ người giữa xóm dân cư làm kinh động cả vùng. Chẳng những về đêm mà ngay cả ban ngày, ai nấy đều nơm nớp lo sợ, chỉ đi thành đoàn, ít khi dám đi một mình.

Làng xã bên cạnh cũng sợ hãi không kém, họ tổ chức những toán tráng đinh đi tuần đêm với mõ chiêng. Cứ nghe thấy động tĩnh hơi hướng cọp là họ đánh chiêng chống inh ỏi. Vậy mà nào có ngăn được tai họa.

Vào tháng Giêng năm ấy, cũng tại địa điểm họp chợ, hổ lại về hai đêm liền, suýt nữa hại thêm nhân mạng. Phủ, huyện đã có thông báo trao giải thưởng lớn cho ai diệt trừ được hổ dữ, nhưng qua nhiều tháng vẫn vậy.

Vào cuối tháng 4, hổ đã xông thẳng vào một nhà dân ở chợ Tân Kiểng và vồ hai đứa trẻ đang nằm ngủ trên giường đem đi. Nỗi khiếp hãi đã lên đến tột cùng, người dân ở chợ Tân Kiểng bắt đầu tính đến việc bỏ nhà đi lánh nạn.

Đúng lúc đó, một nhà sư ở chùa bên kia cánh đồng bìa làng Tân Kiểng, xuất hiện và xin diệt hổ. Đó là sư Tăng Ân. Ông không phải là người địa phương, cư ngụ ở chùa bốc thuốc trị bệnh cho dân lành. Chẳng ai biết, ông sẽ làm như thế nào để đả hổ. Nhiều người khuyên nhà sư không nên liều lĩnh, xong ông vẫn quyết tâm chuẩn bị đón hổ dữ.

Đả hổ nhưng chỉ... trong tiểu thuyết

Theo lệ thường, cứ vào canh ba thì hổ từ cánh rừng bên cạnh mò ra chợ. Nhanh như chớp, nó nhảy từ bờ mương cạn qua trước khu nhà có vựa lá. Nơi đó có một "con mồi" đang trùm chăn ngủ. Hổ nhẹ nhàng bước tới, mắt long lên, móng vuốt vươn ra chuẩn bị "hành động".

Chợt vút một cái, cả khối đen đang chùm chăn lao hẳn về phía trước với sức mạnh tối đa. Bị bất ngờ, hổ ta vươn vuốt chụp vào vật đang tấn công nó. Nhưng đòn tấn công đó chỉ là đòn giả, khi đến gần, bóng đen lạng sang một bên, đồng thời tung ra một đòn cầm nã thủ cực kỳ dũng mãnh.

Đòn vừa ra đó đã trúng ngay đích, xé toạc một mảng da ở cổ con hổ, làm cho nó kêu rống lên đau đớn. Càng đau, hổ càng hung tợn, lồng lên phản công ác liệt.

Cuộc tử chiến giữa người và hổ chỉ chấm dứt sau khi có thêm một người nữa xuất hiện giúp đỡ. Hổ bị đả thương, gục tại chỗ. Mọi người mừng vui vây quanh hai con người tài ba đó.

Thì ra, một là nhà sư Tăng Ân, còn người kia chính là Trí Năng, đồ đệ của ông. Cả hai vừa trình diễn cho dân làng thấy màn võ công tuyệt đẹp và trình độ võ công thượng hạng của mình. Những chiêu thức đúng là võ thuật của môn phái Thiếu Lâm Tự.

Tuy nhiên, chính sư Tăng Ân đã tiết lộ, võ công của ông và đồ đệ chính là võ Việt, do ông đã dày công nghiên cứu và luyện thành. Nó có những đường đánh, chiêu thức giống Thiếu Lâm Tự nhưng không phải tất cả là của Thiếu Lâm Tự.

Từ hôm đó, chẳng riêng vùng Tân Kiểng, mà khắp Gia Định thành, ai cũng ca tụng nhà sư Tăng Ân đả hổ. Họ ví ông tài nghệ siêu phàm như Võ Tòng trong truyện Thủy Hử đời Tống.

Khi Nguyễn Ánh lánh nạn quân Tây Sơn vào Sài Gòn, đã đích thân đi tìm nhà sư, để cầu ông giúp một tay. Tương truyền rằng, nhà sư chỉ tiếp Nguyễn Ánh một lần, khéo léo từ chối lời mời, rồi sau đó tìm cách lánh mặt luôn, dù đã được hứa hẹn ban phát nhiều lợi lộc.

Câu chuyện này được lưu truyền trong dân gian, được người dân kể lại nhiều trong những ngày qua, vì trên đường phố Sài Gòn đang diễn ra nhiều vụ cướp giật. Người dân mong muốn, có một "Võ Tòng" để trị những kẻ cướp giật kia trước khi lực lượng công an đến hỗ trợ.
Sau thời hổ lộng hành ở làng Tân Kiểng nói trên, hơn 100 năm sau, khi người Pháp xâm chiếm Sài Gòn, đô thị hóa rộng lớn, vậy mà thú hoang vẫn còn nhiều ở các vùng phụ cận. Nhiều sách báo, cũng như lời kể trong dân gian về hổ xuất hiện thường xuyên ở huyện Nhà Bè, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh...

Nhưng những tin tức về hổ không làm người dân hoang mang nữa, mà ngược lại, nó gây hấp dẫn với một số người thích săn bắn. Vào thế kỷ XX, Hoàng tử Henri của Pháp, Thái Tử Đan Mạch Waldemar và Công tước De Montpensier là những khách săn bắn thường xuyên ở Sài Gòn để tìm bắn hổ, voi. Tuy nhiên, dù có súng săn tối tân, vũ trang tận răng, nhưng họ không lập được kỳ tích như nhà sư Tăng Ân.

TheoĐS&PL
Bình luận
vtcnews.vn