Giải pháp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của các trường đại học kỹ thuật

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 06/08/2018 19:37:00 +07:00

Các trường đại học kỹ thuật đã và đang thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau, nhưng hầu hết chỉ dừng ở kết quả lý thuyết hoặc sản phẩm dưới dạng mẫu vật, nên phải có giải pháp tìm đường cho thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ (KHCN) của khối các trường này.

Trong vai trò là những người tìm đường, nhóm nghiên cứu bao gồm các thành viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Thái Nguyên, và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN đã triển khai đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam”.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTC News TS. Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban KHCN, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ rõ hơn về đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực và mang tính tiên phong này.

ANH TUAN ANH (1)

 TS. Vũ Tuấn Anh, trưởng nhóm nghiên cứu đề tài. 

- Xuất phát từ đâu mà nhóm nghiên cứu lại triển khai, nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam”?

Chúng tôi triển khai đề tài này xuất phát từ thực tế rằng hiện nay đa số kết quả nghiên cứu ở các trường đại học kỹ thuật mới dừng lại ở những bước đầu tiên (dưới dạng quy trình thử nghiệm hay vật mẫu), các bước tiếp theo từ khâu ươm tạo cho đến chuyển giao ra thị trường đang có độ trễ nhất định.

Đề tài này được lựa chọn tham gia trong Chương trình 2075 nhằm góp phần tăng cường, thúc đẩy đưa các sản phẩm KHCN từ trường đại học vào thực tế. Đây chính là điểm quan trọng nhất, cũng chính là mục tiêu của đề tài, nhằm tìm ra được những giải pháp để thương mại hóa được nhiều nhất các kết quả nghiên cứu của các trường đại học kỹ thuật.

Trong phạm vi đề tài, chúng tôi nghiên cứu đề xuất hai nhóm giải pháp:

Thứ nhất, các giải pháp dưới dạng tư vấn chính sách cho các đối tượng bao gồm cơ quan nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan nhà nước đóng vai trò ban hành những cơ chế thương mại hóa sản phẩm công nghệ, trường đại học là đơn vị chủ sở hữu của kết quả nghiên cứu và doanh nghiệp là khách hàng sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ.

Thứ hai, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và các điều kiện thực tiễn của Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số những mô hình thương mại hóa sản phẩm KHCN của các trường đại học kỹ thuật. Tuy rằng đây chỉ là mô hình lý thuyết nhưng trong quá trình triển khai đề tài, chúng tôi đã cố gắng vận dụng trong thực tế. Từ triển khai thực tế đó, chúng tôi tiếp tục theo dõi và nếu sau khi kết thúc đề tài, mô hình mang lại hiệu quả tốt thì có thể nhân rộng được ra ở các trường đại học kỹ thuật của Việt Nam.

- Tiến độ của việc nghiên cứu đến thời điểm hiện tại như thế nào, thưa ông?

Ngoài các kết quả dưới dạng giải pháp tư vấn chính sách, hiện tại, chúng tôi đã xây dựng được một số mô hình, bao gồm: Mô hình doanh nghiệp phái sinh hàn lâm (academic spinoffs – tức là khi nhà trường có một sản phẩm KHCN và phối hợp với các đối tác bên ngoài đầu tư thành lập nên một doanh nghiệp kinh doanh dựa trên sản phẩm đó), mô hình trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ thuộc trường đại học, mô hình sàn giao dịch công nghệ online thuộc trường đại học và mô hình không gian khởi nghiệp (co-working space).

Trong khung khổ đề xuất của đề tài, những mô hình nói trên đều đi liền với điều kiện thực tiễn của khối trường đại học, nhờ đó có thể tạo nên sự khác biệt với các mô hình thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ hiện có ở nước ta. Chẳng hạn như, mô hình sàn giao dịch công nghệ online đã xuất hiện trong thực tế nhưng mô hình  được đề xuất gắn chặt với trường đại học, xuất phát từ chính nhu cầu và điều kiện của nhà trường là điểm khác biệt có thể tạo ra những hiệu quả mới.

Trước mắt, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai 3 mô hình đầu tiên (mô hình academic spinoffs, mô hình trung tâm ươm tại và chuyển giao công nghệ thuộc trường đại học, mô hình sàn giao dịch công nghệ online thuộc trường đại học) ở các đơn vị có mối quan hệ hợp tác và có những điều kiện phù hợp với mô hình được đưa ra.

- Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu có gặp phải những khó khăn?

Khó khăn nhất là những phần liên quan đến số liệu thực tế. Bởi vì muốn đưa ra được những giải pháp và mô hình, chúng ta phải dự báo được xu hướng vận động của các đối tượng nghiên cứu (thông qua phân tích các số liệu điều tra khảo sát). Ở đây, chúng tôi gặp phải những vấn đề về thông tin liên quan trực tiếp đến hoạt động thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ của các trường đại học kỹ thuật.

Cụ thể là khó khăn trong thu thập thông tin, thông tin chưa đầy đủ và có sự sai lệch trong độ chính xác của thông tin nhận được. Chẳng hạn như khi khảo sát ở các trường đại học, những sản phẩm do nhà khoa học trong trường đại học phát triển đã được họ chuyển giao nhưng nhà trường lại không nắm bắt và kiểm đếm được.

Hoặc như khi khảo sát khối các doanh nghiệp, nhiều công ty tiếp nhận công nghệ dưới hình thức được nhà khoa học đến tư vấn, từ đó triển khai như những sáng kiến để nâng cao năng suất lao động, sản xuất của doanh nghiệp. Như vậy, về mặt xã hội, vẫn có sự chuyển giao, phát triển công nghệ nhưng về mặt số liệu, chúng ta lại không thu thập, thống kê được.

Từ cả phía doanh nghiệp, nhà trường và cơ quan quản lý, thông tin đều khó kiểm đến được dẫn đến giá trị của những giao dịch đó cũng không đi vào trong số liệu. Nếu không có những số liệu đó chúng ta khó có thể dự báo được xu hướng.

333

Nhóm nghiên cứu họp triển khai đề tài.

Vấn đề khó khăn nữa là sau khi có những phương án để có được những số liệu tốt nhất, đề xuất được các mô hình lý thuyết thì hiệu suất thành công của việc áp dụng mô hình trong thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ hấp thụ công nghệ của thị trường, mức độ sẵn sàng của nhà khoa học có công nghệ, nhà trường và doanh nghiệp…

Chẳng hạn như nhà khoa học có công nghệ tiên tiến nhất nhưng các doanh nghiệp không muốn đầu tư vào bởi họ chỉ cần những công nghệ rẻ tiền hơn do hạn chế về tài chính hoặc yêu cầu về hiệu quả kinh doanh. Hoặc nhà trường chưa có các cơ chế để định giá chính xác được sản phẩm khoa học công nghệ trong khi giá trị của công nghệ đó  được tính như cổ phần trong doanh nghiệp spinoffs...

- Vậy nhóm nghiên cứu nhận được giúp đỡ, hỗ trợ từ đâu?

Chương trình 2075 mang lại nhiều sự hỗ trợ khác nhau cho nhóm nghiên cứu trong hoạt động triển khai đề tài. Trong đó, có 2 sự hỗ trợ quan trọng nhất.

Thứ nhất, nguồn tài trợ từ Chương trình 2075 tạo điều kiện cho chúng tôi triển khai đề tài trên phạm vi cả nước.

Thứ hai, Chương trình 2075 được bảo trợ bởi Bộ KHCN và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, do đó hình thành được mạng lưới liên kết khối cơ quan quản lý nhà nước (các sở, cục, vụ…); khối nhà trường; khối sàn giao dịch công nghệ; khối doanh nghiệp KHCN…

Với mạng lưới đó, chúng tôi có thuận lợi trong việc khai thác cơ sở dữ liệu liên quan đến thương mại hóa sản phẩm KHCN của các trường đại học, cơ quan nhà nước về KHCN. Nhờ đó, độ nhiễu về thông tin thu thập cũng sẽ được hạn chế do có nhiều nguồn thông tin bổ trợ. Với thông tin đầu vào càng chính xác thì kết quả nghiên cứu đầu ra càng sát hơn với thực tiễn.

- Dự định trong tương lai của nhóm nghiên cứu đối với việc thực hiện, triển khai đề tài như thế nào, thưa ông?

Theo kế hoạch, đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam” sẽ kết thúc vào tháng 11/2018, sau 24 tháng triển khai. Hiện nay, các vấn đề về lý thuyết cơ bản đã được hoàn thiện.

Với một số mô hình đang được triển khai, vận hành: có một doanh nghiệp spinoffs, một trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ thuộc trường đại học, một sàn giao dịch công nghệ thuộc trường đại học, chúng tôi sẽ đi sâu vào quan sát việc triển khai mô hình trên thực tế. Từ đó, cố gắng đảm bảo tiến độ để nghiệm thu đề tài, đồng thời tổng kết kinh nghiệm triển khai thực tế tại các mô hình đang được triển khai kể trên.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn