Giải pháp bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than của EVN

Kinh tếChủ Nhật, 19/08/2018 11:47:00 +07:00

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý 20 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất đặt trên 16.000 MW.

Trong đó, 11 nhà máy nhiệt điện than, 3 nhà máy chạy dầu FO, 2 nhà máy tua bin khí chạy dầu DO và 4 nhà máy tua bin khí. Các nhà máy này phân bố rải rác trên cả nước, cùng với các nhà máy thủy điện góp phần cung cấp điện ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

evn

 

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện trên cả nước trung bình trên 10%, đặc biệt tăng mạnh ở các tỉnh, thành phía Nam. Trong khi đó, tiềm năng về thủy điện lớn và vừa lại tập trung chủ yếu ở phía Bắc, miền Trung và gần như đã được khai thác hết. Năng lượng tái tạo và điện hạt nhân đến trước năm 2030 chưa thể thay thế được sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện than. Vì vậy, hiện nay nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam, nhất là tại các tỉnh phía Nam.

Thực hiện Quy hoạch điện VII, EVN đã triển khai và đưa vào vận hành một số nhà máy nhiệt điện với công suất lớn để đảm bảo đủ điện cho đất nước. Trong năm 2015 và mùa khô 2016, với tình hình thủy văn khó khăn do hiện tượng El Nino, NMNĐ Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2 đã gần như được huy động tối đa, với thời gian vận hành đã gần như đạt mức cực đại của các nhà máy nhiệt điện than (xấp xỉ gần 7.000 giờ/năm).

Đặc biệt, trong đợt ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn năm 2016 để bảo dưỡng định kỳ 5 năm/lần từ ngày 9 - 20/9/2016, dù mới đưa vào vận hành thương mại và đang trong giai đoạn bảo hành, mỗi ngày Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã sản xuất trên 23,2 triệu kWh, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hạn chế sử dụng nguồn điện chạy dầu giá thành cao, đồng thời đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nhất là cho các tỉnh phía Nam.

Trước đây, một số sự cố đã xảy ra tại các nhà máy nhiệt điện than của EVN. Cụ thể, năm 2014 tại cụm Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, trong quá trình khởi động thử nghiệm lò, các hệ thống lọc bụi chưa thể kích hoạt khi công suất chưa đủ nên khói thải ra môi trường chưa được khử bụi. Tháng 3-4/2015, tại bãi thải xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 lại tiếp tục xảy ra sự cố phát tán tro bụi ra môi trường xung quanh. EVN đã ngay lập tức bằng mọi giải pháp quyết liệt để xử lý gần như triệt để các vấn đề còn tồn tại.

Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu FO, DO của EVN về cơ bản đáp ứng yêu cầu về phát thải khí theo QCVN22:2009 mà không cần lắp đặt thêm thiết bị khử khí, bụi. Thiết bị bảo vệ môi trường chính trong các nhà máy nhiệt điện than bao gồm: hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống khử khí NOx, Sox, hệ thống xử lý nước thải hiện đều đã được rà soát và khẩn trương lập các dự án đầu tư để cải tạo nâng cao chất lượng, đáp ứng và đạt cao hơn cả tiêu chuẩn môi trường mới ngày càng khắt khe.

Bên cạnh đó, EVN cũng đang nghiên cứu, tìm các đối tác có thể tận dụng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than để làm VLXD, hoặc các sản phẩm hữu ích khác.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện QCVN 22:2009/BTNMT ban hành năm 2009 cho phép các nhà máy nhiệt điện vận hành trước năm 2005 áp dụng một mức ngưỡng nồng độ khí thải cao hơn các nhà máy mới đưa vào vận hành sau năm 2005. Tuy nhiên, ngày 1/1/2015, quy định trong QCVN đã buộc các nhà máy nhiệt điện này cũng phải đáp ứng yêu cầu khắt khe như các nhà máy được xây dựng sau năm 2005.

Để đáp ứng hệ quy chuẩn mới, các nhà máy nhiệt điện than chưa có hệ thống khử NOx, Sox phải lắp đặt mới các bộ khử này. Việc này cũng đòi hỏi phải cần vốn đầu tư, thời gian, không gian để lắp đặt các thiết bị.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang chủ trì rà soát và biên soạn Dự thảo QCVN 22-MT:2015/BTNMT thay thế QCVN22:2009/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện. EVN đã có văn bản góp ý gửi trực tiếp đến Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN & MT. Đồng thời, lãnh đạo EVN đã làm việc trực tiếp với đơn vị lập Dự thảo QCVN mới, đề xuất một lộ trình khả thi hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, Dự thảo mới của QCVN 22:2015 còn phải chờ phê duyệt của Lãnh đạo Bộ TN&MT.

Trước tình hình thay đổi các tiêu chí về bảo vệ môi trường, EVN đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện đánh giá tình trạng hoạt động thiết bị bảo vệ môi trường tại đơn vị, khả năng đáp ứng yêu cầu mới về môi trường và lập phương án cải tạo phù hợp cho các nhà máy điện không đạt tiêu chuẩn mới về môi trường.

Theo đó, đối với các nhà máy nhiệt điện đốt than mới đầu tư, tuy đã đáp ứng được yêu cầu về môi trường, nhưng cũng cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống thiết bị xử lý khí, bụi, đảm bảo phát huy hiệu quả, hiệu suất làm việc (Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Mông Dương 1, Nghi Sơn 1).

Để tạo sự minh bạch và xây dựng lòng tin của chính quyền và người dân đối với công tác xử lý môi trường của các NMNĐ, hiện nay gần như 100% các NMNĐ mới của EVN đều đã hoàn thành, hoặc đang khẩn trương triển khai các hệ thống quan trắc, giám sát liên tục (Camera Online) tại tất cả các điểm thải ra của nhà máy. Các tín hiệu này được kết nối về tận các ban ngành liên quan của các tỉnh, để chính quyền và nhân dân trong tỉnh than gia giám sát, kiểm tra.

Các nhà máy nhiệt điện cũ cũng đã đưa ra phương án cải tạo, đầu tư lắp đặt thiết bị bảo vệ môi trường tại nhà máy, đáp ứng được yêu cầu mới. Cụ thể, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại hiện đang trong giai đoạn thẩm định phương án kỹ thuật nhằm cải tạo 2 nhà máy, dự kiến hoàn thành các thủ tục pháp lý để triển khai trong năm 2017.

Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cũng sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý trong năm 2016 và triển khai hoạt động đầu tư, cải tạo hệ thống xử lý môi trường trong năm 2017. Các nhà máy khác cũng đang trong quá trình thành lập ban quản lý dự án để triển khai thực hiện dự án/ đề án lắp đặt các thiết bị xử lý môi trường mới. Dự kiến việc đầu tư, lắp đặt thiết bị sẽ được thực hiện muộn nhất vào đầu năm 2018.

Khối lượng công việc cần thực hiện để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mới về môi trường là rất lớn, nhiều thủ tục và chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, EVN, các tổng công ty phát điện quyết tâm thực hiện với yêu cầu cao nhất. Theo đó, trong quy hoạch thiết kế, xây dựng các nhà máy nhiệt điện than cần có diện tích dự phòng hợp lý, có tính đến phương án đầu tư, lắp đặt thêm thiết bị xử lý bụi, khí thải, bảo vệ môi trường cũng như cải tạo hệ thống thiết bị, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

Các biện pháp bảo vệ môi trường cần được xem xét, đánh giá tổng hợp, áp dụng trong các giai đoạn khác nhau của dự án nhà máy nhiệt điện đốt than. Đồng thời cần đưa những yêu cầu cụ thể về bảo vệ môi trường trong xây dựng hồ sơ mời thầu, từ đó, có đủ cơ sở buộc nhà thầu phải tuân thủ, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khi thiết kế và xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Kiến nghị

Để có thể tái sử dụng toàn bộ tro xỉ, thạch cao của các NMĐ, kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo nghiên cứu, ban hành hoặc cho phép áp dụng một số tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện than, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Yêu cầu kỹ thuật của tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện than để sản xuất vật liệu xây dựng (bao gồm các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ thải xỉ ướt, thải xỉ khô và sử dụng nước biển để thải xỉ).

Thứ hai: Yêu cầu kỹ thuật vật liệu tro xỉ nhà máy nhiệt điện dùng cho san nền và gia cố nền.

Thứ ba: Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong san nền công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả đường giao thông).

Thứ tư: Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ và các chất dính kết phù hợp để sản xuất gạch không nung, cấu kiện bê tông trong xây dựng công trình.

Thứ năm: Sử dụng tro bay thay thế cho đất sét để sản xuất clinke trong sản xuất xi măng.

Thứ sáu: Sử dụng thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện để sản xuất tấm trần, tấm tường.

Thứ bảy: Sử dụng tro bay từ các nhà máy nhiệt điện để làm phụ gia cho sản xuất bê tông.

NGUYỄN TÀI ANH, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC EVN

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn