Giải mã trận pháp Thiếu Lâm 1.500 năm uy trấn giang hồ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 07/04/2010 06:20:00 +07:00

(VTC News) - Thập bát La Hán trận là bảo pháp trấn sơn của Thiếu Lâm, trận pháp của 18 đại cao thủ, nỗi e ngại của hào kiệt toàn cõi Trung nguyên...

(VTC News) - Theo truyền thuyết, Thập bát La Hán trận là bảo pháp trấn sơn của Thiếu Lâm, trận pháp của 18 đại cao thủ. Sử sách mô tả: Khi di chuyển linh hoạt như nước chảy, khi đứng im vững vàng như núi, đầu cuối tương ứng, không chút sơ hở...



Thập bát La Hán trận thực chất kỳ ảo đến đâu? Cho đến nay, chưa có tài liệu nào khẳng định được chính xác quá trình hình thành, cũng như các chiêu thức và quy luật bố trí trận pháp. Thậm chí, đối với việc định nghĩa, mỗi tài liệu lại có những lý giải khác nhau, đặc biệt không thể thống nhất việc Thập bát La Hán trận có phải là trận pháp đặc thù của riêng Thập bát La Hán hay không?

Thập bát đồng nhân là ai?


Có lẽ gây ngờ vực và tranh luận nhiều nhất là mối quan hệ của Thập bát La Hán và Thập bát đồng nhân (18 người đồng).


18 người đồng của Thiếu Lâm danh chấn thiên hạ, nổi tiếng giang hồ, từ tiểu thuyết tới phim ảnh đều nhiều lần nhắc đến. Nhưng 18 người đồng thực chất là ai? Và Đồng nhân trận có liên quan gì với Thập bát La Hán trận?

 

 18 người đồng bí ẩn.

Có thuyết nói, để đề phòng đệ tử Thiếu Lâm khi công phu chưa luyện thành mà tự ý xuống núi, bị kẻ khác đánh bại làm ô danh Thiếu Lâm, các cao tăng đã đặt 18 người đồng trước cửa ra, đệ tử nào có thể đánh lui người đồng tức là công phu đã đạt tới mức thâm hậu.

Khác với nhiều tự viện khác, ở Thiếu Lâm có 2 loại đệ tử: đệ tử xuất gia và đệ tử tục gia. Đệ tử xuất gia phải cạo đầu, suốt đời phải sống trong tự, giữ nghiêm giới luật, còn đệ tử tục gia là những người không cần cắt tóc, nhưng trong thời gian ở Thiếu Lâm cũng phải tuân theo quy định như các tăng sinh.

Đệ tử tục gia xuất hiện vào cuối đời Đường, bắt nguồn từ câu chuyện 13 võ tăng cứu Đường Thái Tông, lập được công lớn. Để báo đáp, Lý Thế Dân ban thưởng hậu, và xuống chỉ cho Thiếu Lâm Tự chiêu nạp tăng binh, rèn quân luyện tướng cho cả nước. Người học võ trong thiên hạ vì vậy mà lũ lượt đổ về Thiếu Lâm, hình thành hai nhóm đệ tử như trên.


Đệ tử tục gia sau khi thành nghệ, trải qua hai thử thách ở Mộc nhân hạng (ngõ Người gỗ) và Thập bát La Hán trận thì được hạ sơn gây dựng sự nghiệp võ công riêng. Những đệ tử tục gia lừng danh nhất có thể kể đến là các anh hùng Nhạc Phi, Võ Tòng, tổ khai sơn môn phái Võ Đang Trương Tam Phong. Trong phim ảnh, nổi lên hình tượng người anh hùng thiếu niên Phương Thế Ngọc, cũng là một đệ tử tục gia (nhưng là đệ tử của Nam Thiếu Lâm Tuyền Châu, Phúc Kiến, chứ không phải Thiếu Lâm Tung Sơn).


Lại có tài liệu chép, Thiếu Lâm ở Trung nguyên là cây cao phải đón gió nhiều, luôn có khách giang hồ “thăm viếng”, đòi tỉ thí mua danh, trộm cắp bí kíp võ công… quấy nhiễu sự thanh tĩnh chốn này. Dù theo thuyết nào, 18 người đồng cũng chính là bức tường đồng bảo vệ sơn môn, khiến cho không chỉ người mà con ruồi cũng khó lọt qua, nhờ vậy mà uy danh của ngôi chùa trên đỉnh Thiếu Thất còn giữ được đến tận bây giờ.

Cũng có thuyết khẳng định Thập bát đồng nhân trận chính là một trong những trận pháp lừng danh của Thiếu Lâm. Đệ tử Thiếu Lâm có thể rèn luyện với những trận đồ, qua được ải này coi như công phu đã lên đến hàng tuyệt kĩ. Bất kể với cách nói nào, điều khẳng định là: đánh thắng được 18 người đồng, chắc chắn sẽ được giang hồ coi là bậc đại anh hùng hảo hán!

 

Thành Long trong bản "Mộc nhân hạng" 1976.

Trong một số bộ phim về Thiếu Lâm, những người đồng này được xây dựng như là những bức tượng đồng thực sự. Những “người máy” vô tri sẵn sàng tấn công bất cứ ai lọt vào thế trận, và chỉ dừng lại khi trận được phá giải. Chưa từng có tình huống nào thể hiện nếu không vượt qua được đồng nhân trận, kẻ xấu số sẽ có kết cục ra sao giữa những cỗ máy kungfu này.

Còn trong “Võ lâm ngũ bá”, Giả Kim Dung lại mô tả cảnh Vương Trùng Dương giao đấu trong La Hán điện với 18 La Hán là các mộc nhân (người gỗ) bên trong có đặt những máy móc tinh xảo, do Đạt Ma chế tạo để thử môn đồ. Người nào vượt qua La Hán trận của các mộc nhân này mới được hạ sơn. Như vậy, cuốn tiểu thuyết này đã gộp chung Mộc nhân hạng và Thập bát La Hán vào làm một. Nhưng những ai là fan của Thành Long hoặc xem qua bộ phim Mộc nhân hạng bản 1976 đều biết rằng, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.

 

 "Tiểu La Hán trận"?

Một quan niệm khác, phổ biến hơn, cho rằng 18 người đồng là những đệ tử xuất sắc của Thiếu Lâm, và trận pháp mà họ thi triển, không gì khác chính là Thập bát La Hán trận. Không chỉ vượt qua đồng nhân trận, mà được đứng vào hàng ngũ “người đồng” ấy cũng là mơ ước và mục tiêu mà bất cứ đệ tử Thiếu Lâm nào cũng hướng tới.

Có người còn nói 18 người đồng chính là Thập bát La Hán, 18 cao thủ của Đạt Ma viện. Về lý thuyết, đứng vào hàng ngũ Thập bát La Hán là thượng thừa công phu cá nhân, còn La Hán trận là nơi mà mỗi cá nhân đồng thời với phát huy sức mạnh cá nhân còn hỗ bổ cho nhau, tạo thành trận pháp uy lực nhất của võ phái, đem cái “nhất” của từng cá nhân để tập thành cái “nhất” của môn phái, không phải là không có khả năng.


Thập bát La Hán trận – trận pháp, chiêu thức hay tên gọi?

 

Lại thêm một vấn đề nữa đặt ra: vậy cái tên Thập bát La Hán trận bắt nguồn từ mô thức trận pháp, do những người tham gia trong đó hay chỉ đơn thuần là cách gọi? Chúng ta còn nhớ, trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung có nhắc đến một trận pháp khác là La Hán đại trận, chỉ dùng đến khi cực kỳ nguy biến, như những lần đứng trước họa diệt môn. Lúc bày trận huy động tất cả đệ tử Thiếu Lâm, khí thế trùng trùng, trong ngoài tương ứng. Sử liệu không ghi chép gì hơn về trận pháp này, nhưng đặt ra một nghi vấn: với số môn đồ đông như vậy, liệu có thể khai triển một La Hán trận theo mô hình nào?

 La Hán trận là trận pháp của các La Hán?
Các nhà viết tiểu thuyết thường tránh đi sâu vào mô tả chiêu thức của từng người, mà chỉ nói về trận pháp, mà cũng với những nét chung chung như tấn công từ 4 hướng, khiến đối phương hoa mắt, loạn chiêu, đến lúc đó 5 người bất thần từ trên đánh xuống, xuất quỷ nhập thần. Còn trong phim ảnh, La Hán trận được bày nhịp nhàng, đẹp mắt theo lối ngũ hành mai hoa, nhưng dường như mỗi chiêu thức đều đều tăm tắp, không thấy rõ đặc thù của mỗi người. Như vậy, cái tên “La Hán” có ý nghĩa trong những chiêu thức thực tế, hay là một cách đặt tên cho phù hợp với Phật môn?

Những câu hỏi đó không chỉ của riêng chúng ta, mà là của toàn võ lâm trong suốt chiều dài lịch sử, trước sơn môn nghiêm kín của ngôi cổ tự ngàn năm.


Cuộc “giải mật” đầy tranh cãi

 

Năm 2006, đã diễn ra một sự kiện chấn động giới võ học Trung Quốc. Dưới chủ ý của phương trượng Thích Vĩnh Tín và các vị chức sắc trong chùa, lần đầu tiên trong 1.500 năm lịch sử, Thiếu Lâm Tự đã trình diễn những võ công tuyệt môn của mình trước đông đảo báo giới và người hâm mộ đến từ hơn 70 quốc gia.

 

 

Những chiêu thức được trình diễn cũng chính là nghi thức xuất môn của 36 đệ tử được tuyển chọn sau 9 ngày đóng cửa luyện tập – những nghi thức vốn là cơ mật của Thiếu Lâm Tự trong quá khứ. Trong đó được trông đợi nhất chính là Thập bát La Hán trận – trận pháp ai nấy đều từng nghe danh mà chưa thấy mặt.

 
Trước hàng trăm ống kính máy quay, 18 đệ tử Thiếu Lâm trong tạo hình đồng nhân đã thi triển trận pháp tuyệt vời này, được những người chứng kiến mô tả là “mỗi người một chiêu thức riêng biệt, mạnh mẽ, hợp nhất trong một thế trận nhịp nhàng, nhuần nhuyễn nhưng linh hoạt, khó lường, tấn công từ tất cả các hướng, khiến đối phương như rơi vào mê hồn trận”.

Nếu những gì được đem ra trình diễn là đúng với pháp chế tổ truyền của Thiếu Lâm, thì thế trận của thập bát đồng nhân chính là Thập bát La Hán trận, nhưng 18 người đồng chỉ là những đệ tử xuất sắc của Thiếu Lâm, chứ chưa phải là 18 La Hán của Đạt Ma viện như có người từng nói. Cũng có nghĩa, tên gọi “La Hán trận” chỉ hàm ý đặc thù trận pháp, chứ không mang nghĩa là đặc thù của người thi triển.

Những chiêu thức trình diễn có thể nói đã làm mãn nhãn người xem, nhưng không những chưa giải đáp được dấu hỏi về tính thực chiến của trận pháp này, mà còn gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt. Và “giải mật” những bí kíp ngàn đời cũng chỉ là một phần trong hành trình “hiện đại hóa” đầy sóng gió của Thiếu Lâm Tự hôm nay…



Còn tiếp...


Minh

Bình luận
vtcnews.vn