Giải mã 'tam giác quỷ' khiến máy bay rơi ở Sơn La

Khám pháThứ Sáu, 06/12/2013 07:04:00 +07:00

(VTC News) - Mấy chục năm nay đã có nhiều máy bay bay đến khu vực này rồi không hiểu nguyên nhân vì đâu mà cứ đâm xuống núi.

(VTC News) - Mấy chục năm nay đã có nhiều máy bay bay đến khu vực này rồi không hiểu nguyên nhân vì đâu mà cứ đâm xuống núi.


Kỳ 3: Những giả thiết xung quanh “tam giác quỷ”

Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào về vùng đất được gọi là “tam giác quỷ” ở Bắc Yên - Sơn La. Đồng bào Mông trong vùng cũng không hiểu vì sao lại có những chiếc máy bay lao xuống gần nơi họ đang ở.

Theo cách giải thích của đồng bào Mông nơi đây, có thể do địa hình Xím Vàng có những ngọn núi cao ngất ngưởng, quanh năm chìm trong mây mù, đôi lúc có những trận gió lớn nổi lên như bão, trong khi phi công lại chủ quan khi lái máy bay qua khu vực này, nên đã đâm vào vách núi.

Tuy nhiên, ngoài một số máy bay đâm vào núi vỡ tan tành thì theo lời kể của các cụ già người Mông, có nhiều máy bay không va vào vách núi mà rơi tọt xuống dưới thung lũng. Đó là những điều khó hiểu mà cho đến nay họ vẫn còn bàn tàn xôn xao mỗi khi có ai nhắc đến câu chuyện này. Thậm chí, có máy bay rơi tại đây có hiện tượng nổ trước khi tiếp đất.

Cụ Mùa A Lử kể lại, cụ đã có 2 lần cùng người dân đi nhặt xác máy bay Mỹ vào năm 1960 và 1967. Những lần đó, cụ chỉ tìm được những mảnh vỡ của máy bay gặp nạn, không tìm thấy xác người. Không biết có phải đó là những máy bay không người lái, hay là những phi công xấu số đã mất tích khi máy bay phát nổ lúc bay qua khu vực này.

Kể cả lúc trời quang đãng, những ngọn núi cao ở Xím Vàng vẫn luôn ngập chìm trong biển mây 

Có lần, Xím Vàng ngập trong mây mù, gió rít ào ào, họ thậm chí không nghe thấy tiếng động cơ máy bay, chỉ nghe thấy “bộp” một tiếng rõ to, rồi tiếng nổ phát ra. Mất mấy ngày tìm đến thì máy bay đã vỡ tan tành, không tìm thấy xác.

Mặt khác, địa điểm rơi máy bay không chỉ tập trung ở Xím Vàng mà có mấy chiếc rơi rải rác ở địa bàn xã khác như Hang Chú, Phình Hồ, Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái). Đã có rất nhiều đoàn khách lạ đến đây hỏi về những vấn đề liên quan tới máy bay, cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài.

Mấy chục năm nay, đã có cả chục chiếc máy bay, bay đến khu vực này rồi không hiểu nguyên nhân vì đâu mà cứ đâm xuống núi...

Để tìm thêm về “vùng đất hút máy bay bí ẩn”, tôi tìm đến UBND xã Xím Vàng. Khi tôi trình bày mục đích của mình, cả ông Hạng A Củ - Chủ tịch xã, và cả những người có mặt ở UBND xã Xím Vàng đều không tỏ vẻ gì ngạc nhiên. Dường như họ đã quen với chuyện lâu lâu lại có những người lữ hành lạ mặt tìm đến, khăn gói bám đầy bụi đường rồi hỏi chuyện về những chiếc máy bay rơi ở địa phương.

Ông Củ xác nhận những sự việc mà PV phản ánh là có thật. Ông không nhớ chính xác là vào những năm bao nhiêu, từ đời ông nội, sang đời bố và đến đời mình, theo kể lại có khoảng chục chiếc máy bay bị rơi ở đây. Riêng với bản thân chủ tịch xã, đến nay ông đã chứng kiến được 3 lần máy bay rơi ở Xím Vàng. Người Mông trên đây đã nhặt các mảnh vụn của máy bay để làm dao, cuốc...

Ông Hạng A Củ xác nhận có nhiều máy bay rơi ở Bắc Yên

“Nếu bảo do núi cao thì cũng không hẳn, vì bên dãy núi Hoàng Liên Sơn có nhiều đỉnh còn cao hơn ở Xím Vàng rất nhiều, như Phan Si Păng chẳng hạn. Bản thân tôi đã từng đi qua bên đó nên tôi biết. Sao máy bay lại chỉ rơi nhiều ở đây?

Bảo do quá nhiều sương mù nên phi công không nhìn thấy thì cũng không biết phải giải thích thế nào, vì đến như máy bay Mỹ có hệ thống định vị tối tân như vậy cũng lao cả vào vách núi, họ đâu nhìn bằng mắt thường ”, ông Củ khẳng định.

Kể từ năm 1994, không một máy bay nào dám bay qua Xím Vàng nữa. Tuy nhiên, câu chuyện về khu vực “tam giác quỷ” kỳ bí này vẫn còn chưa dừng lại.

Tính trên bản đồ, đường bay từ Hà Nội lên Điện Biên qua Xím Vàng tạo thành một đường thẳng 

Cũng theo ông Củ, đã từng có nhiều đoàn nghiên cứu khoa học tìm đến cắm bản rồi đào bới hàng tháng trời ở các quả núi xung quanh. Tuy nhiên, kết quả các cuộc khảo sát của các đoàn địa chất thế nào thì ông Củ không biết.

Trước đó, đã có một giả thuyết được đặt ra, theo nghiên cứu của các giáo sư, tiến sĩ ở Viện Địa chất Việt Nam thì đây là một một “miền đất lạ” với nhiều dị thường về địa hình, địa chất và trường từ, dù không khẳng định chắc chắn những dị thường này liên quan đến chuyện máy bay rơi.

Vỏ trái đất ở huyện Bắc Yên nói chung và xã Xím Vàng nói riêng khá mỏng. Đây là một điều bất bình thường vì vỏ trái đất ở vùng núi cao này mỏng ngang với vỏ trái đất ở vùng đồng bằng, trong khi đó theo quy luật thì vỏ trái đất phải dày dần lên từ thấp đến cao.

Địa hình xã Xín Vàng cũng nằm giữa một cấu trúc núi dạng vòng với nhiều chênh lệch về độ cao, tạo nên một hẻm hút gió mà trung tâm chính là “tam giác quỷ hút máy bay”, tốc độ gió ở đây rất lớn và không thổi theo luồng gió chủ đạo.

Một góc xã Xím Vàng 

Mặt khác, vùng đất này có từ trường rất cao, nên khi máy bay bay qua, những bộ phận điều khiển bằng điện tử dễ bị nhiễu loạn, gây nên những tai nạn thảm khốc?

Ông Mùi Trọng Bứng, nguyên huyện đội trưởng Bắc Yên những năm 1993 -1994 khi được hỏi đến, đã đặt ra một giả thuyết khác: “Trước tôi nghe thông tin có đoàn đi khảo sát về báo cáo khẳng định, khu vực này là một mỏ Uranium (nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử) lớn, phải chăng phóng xạ phát ra là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn máy bay?”.

Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào về vùng đất bí ẩn này, và “Bermuda” Việt Nam vẫn còn là một ẩn số.

Hải Minh

Bình luận
vtcnews.vn