Giải mã hàng loạt "hố tử thần" xuất hiện ở VN

Thời sựThứ Ba, 16/11/2010 12:17:00 +07:00

(VTC News) - Trong thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện hiện tượng sụt đất ở Hà Tĩnh, TP.HCM, Hà Nội…nhưng đó không phải hiếm gặp.

(VTC News) - Trong thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện hiện tượng sụt đất (báo chí thường gọi là “hố tử thần”) ở Hà Tĩnh, TP.HCM, Hà Nội… Theo TS Phan Tích Xuân, Trưởng phòng Địa hóa, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đó không phải trường hợp hiếm gặp và có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

TS Phan Tích Xuân, Trưởng phòng Địa hóa, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Mới đây ở Hương Khê, Hà Tĩnh có hiện tượng lạ lùng là ao của một người dân bị biến mất, thay vào đó người ta thấy xuất hiện hai hố lớn. Ông nghĩ sao về điều này?

Nguyên nhân dẫn đến sụt đất rất đa dạng. Có thể kể ra một số nguyên nhân thường gặp như sau: 1. Sụt do hoạt động karst ở những vùng đá tương đối dễ hòa tan (chủ yếu là đá vôi); 2. Sụt do hiện tượng xói ngầm các lớp gắn kết yếu ở bên dưới (chẳng hạn cát hoặc bùn chảy); 3. Sụt do các hoạt động của con người người như khai thác hầm mỏ, xây dựng các tuyến hầm ngầm, khai thác nước ngầm quá mức…
Khu vực xã Hương Lâm (Hương Khê, Hà Tĩnh), theo các tài liệu địa chất, nằm trong vùng đá vôi, do đó hiện tượng sụt đất vừa rồi rất có thể gắn liền với các hoạt động karst. Hoạt động karst là quá trình đá carbonat bị nước hòa tan và rửa lũa tạo thành hệ thống các hang động. Các khu vực phát triển các hang động karst ngầm bên dưới lớp đất tiềm ẩn nguy cơ sụt đất cao. Ở những nơi này, khi có điều kiện thuận lợi, chẳng hạn hạ mực nước ngầm (do tự nhiên hoặc khai thác quá mức), tăng tải trọng lên lớp đất đá bên trên do các công trình xây dựng, sự thay đổi về điều kiện khí tượng thủy văn, việc sử dụng đất dẫn đến thay đổi dòng chảy bề mặt v.v... có thể dẫn đến sụt đất. Trường hợp tích nước làm ao nuôi cá ở nơi có hang karst ngầm cũng có thể gây sập lớp trần đất ở bên trên tạo thành các hố sụt và làm mất nước ao vào trong các hang động ngầm.
Sụt đất ở các vùng đá vôi là một hiện tượng thường gặp. Ở nước ta cũng đã từng xảy ra những vụ sụt đất tương tự như ở Quảng Trị (2006), Tuyên Quang (2006), Phú Thọ (2002), Mỹ Đức (2006), Quốc Oai (2008) (Hà Nội), và ở một số địa phương khác như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An v.v...

TP.HCM vừa qua cũng liên tiếp xuất hiện hố tử thần, nguyên nhân cũng là hang động ngầm ở dưới, thưa ông?

Ở TP.HCM thời gian vừa qua xuất hiện khá nhiều vụ sụt đất, thậm chí giữa đường mà báo chí thường gọi là “hố tử thần”. Ở đây sụt đất do các nguyên nhân khác, mà trước hết là do nền đất yếu. TP.HCM nằm trên vùng châu thổ có tầng trầm tích Đệ tứ bở rời khá dày và là vùng đất yếu thường chứa các lớp bùn, cát. Khi xuất hiện miền thoát nước ngầm cục bộ (chẳng hạn thi công các hố móng sâu) có thể dẫn đến xói ngầm gây sụt đất ở những vùng lân cận. Hiện tượng xói ngầm cục bộ cũng có thể do sự cố hệ thống cấp thoát nước bên dưới mặt đất. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng do việc thi công không đảm bảo kỹ thuật.

Còn hiện tượng sụt lún ở Phong Vân, Ba Vì vừa qua thì sao?

Về bản chất, hiện tượng sụt lún ở Ba Vì cũng là hiện tượng sụt đất do xói ngầm. Khu vực xảy ra sụt đất ở Phong Vân nằm trên bờ sông Đà đoạn hợp lưu với sông Thao, thực chất là một bãi bồi. Trong mặt cắt của bãi bồi thường có những lớp cát sen với phù sa. Lớp cát gắn kết yếu, khi có điều kiện thuận lợi dễ dàng bị xói dẫn đến sạt lở, sụt đất ở bên trên.

Từ khi có đập thủy điện Hòa Bình, dòng chảy sông Đà bị chặn do đó dòng chảy sông Thao thường trở nên thắng thế và có xu hướng ép sát bờ phải ở khu vực Phong Vân - Cổ Đô gây sạt lở bờ sông ở khu vực này. Sự điều tiết nước của nhà máy thủy điện (đóng đập hoặc xả lũ) nên mực nước sông ở hạ lưu đập nhiều khi dao động rất nhanh và mạnh ảnh hưởng đến khu vực hạ lưu, đặc biệt là khi đóng đập, nước ở hạ lưu thường hạ xuống rất nhanh, có thể là nguyên nhân sinh các dòng xói ngầm từ phía bờ ra dẫn đến sụt đất như đã nói ở trên.

Biện pháp để khắc phục tình trạng trên như thế nào, thưa ông?

Để khắc phục tình trạng này, trước hết phải xác định chính xác nguyên nhân của từng hiện tượng cụ thể mới có thể đưa ra các giải pháp thích hợp. Ở TP.HCM, do đặc điểm địa chất đã nói ở trên, công tác quản lý đóng vai trò quan trọng hàng đầu từ việc cấp phép xây dựng, giám sát và kiểm tra thi công đảm bảo nghiêm ngặt tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn. Khi thiết kế các công trình xây dựng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn, phải có am hiểu chuyên môn.

Sạt lở bờ sông và sụt đất kiểu như ở Ba Vì có thể dự báo được, thực tế đã có dự báo do Viện địa chất thực hiện, tuy nhiên các dự báo ấy vẫn chưa đi vào thực tiễn. Hiện tại ở khu vực Ba Vì, để ngăn chặn sụt đất tiếp theo, trước hết phải giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, mà có lẽ biện pháp duy nhất hiện nay là xây dựng kè bảo vệ.

Hà Nội cũng thường xuyên tiến hành các công trình xây dựng ngầm lớn, nhưng ít thấy có "hố tử thần" như TP.HCM? 

Khác với TP.HCM,  Hà Nội có nền ổn định hơn, nhưng các nhà khoa học cũng đã cảnh báo nguy cơ lún từng ngày ở Hà Nội. Nguyên nhân được cho là do khai thác nước ngầm quá mức.

Theo một nghiên cứu đã công bố của Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), Hà Nội mỗi năm lún vài chục mm. Những khu vực sụt lún đáng chú ý là Thành Công với 41,42mm/năm, Ngô Sĩ Liên: 31,52mm/năm, Pháp Vân: 22,16 mm/năm…

Xin cảm ơn TS!

Phạm Phạm

Bình luận
vtcnews.vn