Giải mã chuyện nuôi ‘thần may mắn’ trong nhà của người Dao

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 09/06/2014 06:17:00 +07:00

(VTC News) - Đối với người Dao ở làng My, con nuôi là “thần may mắn”, là “điềm lành” cho cả nhà, nên họ đều tôn trọng, yêu quý.

(VTC News) - Đối với người Dao ở làng My, con nuôi là “thần may mắn”, là “điềm lành” cho cả nhà, nên họ đều tôn trọng, yêu quý.


Kỳ 2: Con nuôi là ‘thần may mắn’

Dao Tuyển là một trong ba ngành Dao, gồm Dao Họ, Dao Đỏ và Dao Tuyển. Ở Lào Cai, người Dao Tuyển có khoảng 12.000 người, cư trú rải rác khắp tỉnh.

Người Dao Tuyển có nhiều phong tục tập quán khá độc đáo, điển hình là tục cầu con và nhận con nuôi. Tục lệ này thường chỉ còn trong truyền thuyết, hoặc có diễn ra cũng mang tính hình thức, tuy nhiên, ở làng My (Xuân Quang, Bảo Thắng, Lào Cai), thì tục lệ này vẫn còn nguyên vẹn đến nay và rất sống động.

Thầy cúng Đặng Văn Chung, đã bỏ một ngày trời lên danh sách, thống kê và đếm được tới 90 người được nhận làm con nuôi của làng từ năm 1979 đến nay. Trong khi đó, cả làng chỉ có 80 hộ người Dao. Chỉ có vài hộ không nhận con nuôi, còn hầu hết các hộ đều có con nuôi.

Hai cậu con nuôi mới nhận của anh Tiến "còi" 

Điều lạ nữa, kể cả gia đình đã có con cháu đầy đàn, đủ cả gái lẫn trai vẫn nhận thêm con nuôi. Làng My xin con nuôi nhiều đến nỗi, người dân nơi khác tưởng họ là những kẻ chuyên… buôn bán trẻ con.

Rất nhiều gia đình trong làng hiện nuôi những 2 người con nuôi như gia đình anh Bàn Văn Định (một gái, một trai), anh Lý Văn Tiến “còi” (hai con trai), anh Lý Quang Sơn (2 con trai), Bùi Văn Đạnh (2 con trai), Lý Văn Long (một trai, một gái)… Thậm chí, có gia đình nhận những 3 đứa con nuôi (2 gái, một trai) như gia đình anh Lý Quang Châu.

Điều lạ là hầu hết những gia đình này đều đã có con cái, thậm chí cả trai lẫn gái. Và một điều lạ hơn nữa là số lượng con nuôi là gái với con nuôi là nam ở làng My không chênh nhau là mấy. Như vậy, có thể nói, tục nhận con nuôi ở đây không phải có nguồn gốc từ chuyện trọng nam khinh nữ, hoặc nhận con trai để có người nối dõi tông đường. Lý do quan trọng nhất ở việc nhận con nuôi chính là niềm tin về sự may mắn đem lại cho gia đình.

Trong số những người là con nuôi ở làng My, tôi thấy quá nửa số con nuôi ở đây là người Kinh. Khi người Kinh về đây ở, làm các thủ tục cúng bái, cấp sắc cũng sẽ mang họ Dao và trở thành người Dao. Xét về mặt di chuyền học, người Dao Tuyển ở làng My là sự pha trộn của khá nhiều tộc người, tuy nhiên, nhìn nhận về khía cạnh văn hóa thì thuần Dao, bởi văn hóa Dao thấm nhuần trong từng con người.

Ông Đặng Văn Chung là thầy cúng, hiện đang sở hữu một kho sách cổ Nôm Dao vô cùng quý giá. Ông gầy như cây sậy. Dưới tấm kính bàn uống nước có mấy chiếc thẻ cử tri của ông và các con đều ghi “Dân tộc: Dao”, trong sổ hộ khẩu cũng vậy, mặc dù từ thế hệ ông trở đi, đại gia đình ông đã là người Kinh hoàn toàn.

Ông Chung sinh năm 1937, quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Năm 1945, nạn đói tràn qua làng ông, cha mẹ phải cho ông để người khác nuôi. Qua tay người nọ, người kia, rồi ông lên tận làng My heo hút giữa rừng.

Thầy cúng Đặng Văn Chung cũng là con nuôi của làng My 

Rất nhiều đứa trẻ miền xuôi cũng được người Dao ở đây nhận về nuôi trong đợt đói kém đó. Sau này, cha mẹ qua cơn đói khát, lần mò lên làng My tìm lại con, nhưng ông Chung nhất định không về, vì ông đã coi mình là người Dao của bản Dao rồi.

Sau này, cũng có vài lần ông về thăm lại quê quán, họ hàng, gặp cha mẹ đẻ và mọi người đề xuất ông về quê sinh sống, nhưng ông không có ý nguyện về. Con cái, cháu chắt ông mặc dù mang dòng máu Kinh, nhưng giờ đây cũng là người Dao cả và hầu như đều không biết tiếng Kinh. Bản thân ông nói tiếng Kinh cũng câu được câu chăng, nhưng hàng trăm cuốn sách cổ chữ Nôm Dao ông đều đọc lưu loát.

Rồi trường hợp bố con ông Bàn Văn Quang cũng khá đặc biệt. Ông Quang là người Kinh, quê Hải Phòng. Ông kể rằng, năm 1947, khi còn rất nhỏ, có nhiều bom nổ, cháy nhà, mẹ ôm ông chạy, rồi mẹ ông bị trúng đạn chết giữa đường. Một người đàn ông dắt ông đi, rồi đi bè qua một con sông rất lớn, trao cho một người đàn bà. Rồi người đàn bà đó bán ông cho người Dao ở làng My.

Ông Quang làm con nuôi của một thầy mo. Ông Quang lấy vợ cũng là con nuôi của người Dao trong làng. Vợ chồng ông Quang lại chỉ đẻ được hai cô con gái, nên ông xin một đứa con nuôi, cũng là người Kinh, ở Hải Phòng, khi mới 3 tuổi, đặt tên là Bàn Văn Long.

Hồi đó, để xin được Long, ông Quang phải làm một mâm lễ trị giá một con trâu. Hiện tại, Long là Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản. Anh Long mới đây đã liên lạc được với cha mẹ đẻ. Cha mẹ anh rất giàu có, sống tại TP. Hải Phòng và rất mong anh về, nhưng anh quyết ở lại vùng người Dao sống cuộc đời đạm bạc, có thể nói là nghèo khó.

Điều kỳ lạ nhất mà tôi được chứng kiến ở cái “bản con nuôi” này, đó là văn hóa Dao Tuyển đã thấm nhuần trong mỗi người con nuôi.

Gần như nhà nào ở làng My cũng nhận con nuôi. Con nuôi là "thần may mắn" trong gia đình họ. 

Người con nuôi khi sống với cộng đồng Dao Tuyển ở đây, họ không còn khái niệm về con nuôi hay con đẻ, tộc Dao hay tộc khác nữa. Tình cảm cha con, dòng tộc, vợ chồng vô cùng bền chặt. Chính vì thế, từ trước đến nay, ở bản của người Dao Tuyển này chưa hề có vụ ly hôn nào và đặc biệt là chưa có trường hợp nào người con nuôi bỏ cha mẹ nuôi về với cha mẹ đẻ.

Câu chuyện về tình cảm của người con nuôi với ông thầy cúng Hoàng Sĩ Lực, người dạy chữ Nôm Dao cổ trong bản cũng rất xúc động.

Ông Lực nhận cậu bé tên Khánh về nuôi từ năm 1983, khi Khánh mới 3 tuổi, mặc dù khi đó ông đã có hai người con. Lúc đó, Khánh suy dinh dưỡng đến nỗi cổ chân chỉ bằng ngón tay, da vàng vọt, bụng trướng phình. Bố mẹ Khánh ở Vĩnh Phúc, rất nghèo, con cái bệnh tật, không nuôi được nên cho đi.

Giờ đây, bố đẻ Khánh đã rất thành đạt, hiện là giám đốc một sở lớn trong tỉnh, tuy nhiên, Khánh vẫn chỉ coi mình là con một ông thầy cúng. Bố mẹ Khánh hứa sẽ xây nhà to, xin công việc tốt ở thành phố, nhưng Khánh nhất định không nghe mà chỉ thích ngày lên nương vất vả, tối ăn cơm rau cơm muối bên bếp lửa với cha mẹ nuôi.

Hiện tại, Khánh đã lấy vợ, sinh con và người cha đẻ cho tiền xây một ngôi nhà khang trang ngay đầu bản My. Sắp tới, vợ chồng Khánh sẽ lại kiếm một đứa con nuôi cho đúng phong tục.

Một góc làng My 

Chuyện tình cảm của con nuôi với gia đình ở làng My khiến người ta thêu dệt nên khá nhiều chuyện. Có lời đồn rằng, các thầy mo người Dao Tuyển ở đây đã dùng bùa phép để mê hoặc, khiến cho những đứa trẻ được nhận về nuôi quên hết quá khứ, gốc gác, cha mẹ đẻ của mình.

Một số người ở nơi khác tìm gặp thầy cúng ở đây và đề nghị làm bùa phép giúp con nuôi của mình quên cha mẹ đẻ. Lại có người muốn giành lại con đẻ liền mang nhiều tiền đến, rồi van xin thầy cún giải bùa phép để đứa con theo về với mình. Tuy nhiên, các thầy cúng đều nói rõ là họ không làm được việc đó.

Theo thầy cúng Đặng Văn Chung, điều cốt yếu khiến những người làm con nuôi ở bản Dao Tuyển này luôn tự coi mình là con đẻ bởi vì họ được sống, lớn lên trong môi trường thấm nhuần văn hóa dân tộc Dao. Và điều quan trọng nhất là người con nuôi luôn được coi như con đẻ, không có sự phân biệt nào, thậm chí con nuôi còn được tôn trọng hơn.

Theo phong tục, khi bố mẹ chết đi, tài sản được chia cho con đẻ, con nuôi như nhau, thậm chí, nếu con nuôi có đóng góp xây dựng gia đình nhiều hơn thì còn được chia nhiều hơn và sẽ là người lo hương khói, thờ cúng tổ tiên.

Từ trước đến nay, ở làng My, chưa có ai đánh hoặc quát mắng con nuôi bao giờ, trong khi đó, nếu con đẻ hư thì roi vọt ngay. Ông Tẩn Mìn Quang bảo: “Mình chăm sóc con nuôi hơn con đẻ vì nó thiệt thòi hơn. Mình đã nhận nó về nuôi thì mình phải thương nó chứ”.

Đối với người Dao ở làng My, con nuôi là “thần may mắn”, là “điềm lành” cho cả nhà, nên họ đều tôn trọng, yêu quý. Sống trong môi trường chan chứa tình cảm đó, những người con nuôi đều phát triển lành mạnh về tâm hồn và rất coi trọng hiếu nghĩa.

Có thể nói, phong tục nhận con nuôi ở làng My vừa là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống người Dao Tuyển, lại thể hiện tính nhân văn cao cả của con người.


Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn