Giải mã bí ẩn giếng ngọc 1.200 tuổi tại Hưng Yên

Thời sựChủ Nhật, 14/05/2017 06:54:00 +07:00

Người dân thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang - Hưng Yên) cho rằng, sử dụng nước giếng ngọc hơn 1.200 tuổi khiến ai cũng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, con gái tóc mượt dài và đen như gỗ mun.

Những câu chuyện lạ kỳ

Thôn Tam Kỳ (Xuân Cầu), xã Nghĩa Trụ (Văn Giang - Hưng Yên) được nhiều người biết đến bởi là quê hương của nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu - Tô Chấn. Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này, người dân thôn Tam Kỳ mới khôi phục được hai chiếc giếng ngọc có niên đại hơn 1.200 năm tuổi.

Về Tam Kỳ, chúng tôi dừng chân trước cổng làng cổ kính rêu phong. Nhìn sang phải thấy một chiếc giếng có đường kính khoảng 1m. Đây chính là giếng ngọc mới được dân làng khôi phục lại.

Chúng tôi không khỏi tò mò bước đến gần. Nước giếng xanh trong, in màu của trời, của mây, của những tầng đá xanh bao quanh thành giếng. Phía trên có bia giếng ngọc "Cổng Đồng". Bàn thờ vẫn đang nhả khói hương nghi ngút.

Hinh anh

Chiếc giếng ngọc hơn 1200 năm tuổi tại thôn Tam Kỳ. (Ảnh: Kim Thược) 

Thấy tôi tò mò ngắm nghía chiếc giếng cổ, ông Nguyễn Quang Huy (SN 1962) - Trưởng thôn Tam Kỳ lên tiếng: "Xưa kia, giếng này là nguồn nước sạch của cả làng Xuân Cầu. Mùa mưa, mạch đầy, nước dâng cao tới gần miệng giếng nên có thể dùng gáo múc được.

Mùa khô, nước xuống thấp hơn, nhưng chỉ xuống thấp chứ không bao giờ cạn. Cả làng dùng suốt mùa khô hạn mà nước vẫn trong vắt như gầu đầu tiên múc lên. Nước mát, ngọt nên nhà nào sử dụng nước giếng cũng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, con gái tóc mượt dài đen như gỗ mun".

Hinh anh  3

 Ông Nguyễn Quang Huy bên chiếc giếng cổ hơn 1200 năm tuổi. (Ảnh: Kim Thược)

Ông Huy còn cho biết, các cụ trong thôn Tam Kỳ còn truyền tai nhau những câu chuyện kỳ lạ xung quanh chiếc giếng cổ này. Người ta kể rằng, có người đi làm đồng bị cảm nắng, được dân làng dìu đến bên giếng, rửa mặt bằng nước giếng và múc nước giếng cho uống. Người này dần mở mắt tỉnh lại. Rồi có một năm trời nắng hạn, cỏ cây khô héo, ao hồ cạn sạch. Duy chỉ có giếng ngọc không lúc nào cạn đã giúp người dân Tam Kỳ vượt cơn hạn hán.

Giải thích về những câu chuyện kỳ lạ về chiếc giếng, ông Huy cho hay: "Nhiều người không hiểu cho rằng mê tín dị đoan. Nhưng tôi nghĩ có gì lạ khi một người bị cảm do làm việc qua sức có hớp nước mát uống thì tỉnh táo là điều dễ hiểu.

Quan trọng nước ở giếng ngọc này sạch, không ô nhiễm nên dùng nước này để ăn uống sẽ ít bệnh tật, tắm rửa da không mụn nhọn, gội đầu tóc sẽ mềm mại. Chẳng phải bây giờ nhiều người mắc ung thư hay cá chết hàng loạt cũng một phần là do nguồn nước bị ô nhiễm? Những câu truyện truyền tai nhau là để con cháu Tam Kỳ trân trọng nguồn nước sạch và quý hiếm".

Hinh anh  4

 Chiếc giếng ngọc của thôn mới được trùng tu nên hiện tại người dân chưa sử dụng. (Ảnh: Kim Thược)

Hai mắt thần và con số 7 bí ẩn

Lời đồn quả không sai, chiếc giếng Tam Kỳ quả là một công trình độc đáo. Giếng đào thủ công và chưa bao giờ cạn nước. Mạch nước trong lành, sạch sẽ bốn mùa do chọn được vị trí đắc địa cho nguồn nước tốt.

Quan sát kĩ giếng sẽ thấy, giếng được đào từ cả nghìn năm trước, người dân chỉ dùng những viên gạch xếp chồng lên nhau không chút vôi vữa vậy mà miệng giếng vẫn tròn, đẹp và không hề bị xuống cấp qua thời gian.

Hinh anh  5

Còn chiếc giếng cổ hơn 1300 năm tuổi này vẫn được một gia đình trong thôn sử dụng. (Ảnh: Kim Thược) 

Ông Đặng Xuân Chính (SN 1953), một người dân ở Tam Kỳ cũng là người sưu tầm nhiều thông tin và hình ảnh về giếng ngọc thôn Tam Kỳ cho biết, những viên gạch làm thành giếng là loại “gạch thất”, từng vòng xếp so le nhau. Miệng giếng có 3 tầng đá xanh, không phải đá thường, mà là những chiếc khối đá tròn, cũng xếp lên nhau y như công thức xếp gạch. Ngay cả thành giếng cũng là đá xanh nguyên phiến nhẵn bóng.

Nói về lối xếp "gạch thất", ông Chính giải thích: "Gạch làm thành giếng có chiều dày 7cm, chiều ngang 17cm và dài là 27cm. Còn các khối đá tròn úp phía trên giếng được làm thủng, chiều cao của khối đá là 17cm, đáy 27cm và miệng cối đá úp xuống là 37cm.

Tại sao các cụ lại lấy con số 7 thì đến giờ chúng tôi chưa lý giải được. Chỉ biết, khi lắp vào thì rất là khít. Dù không có vôi vữa, chỉ xếp các viên gạch, viên đá vào nhau những đã tạo được sự vững chắc. 1.200 năm tuổi, giếng vẫn nguyên vẹn".

Hinh anh  7

Ông Đặng Xuân Chính bên những hình ảnh về chiếc giếng cổ trong làng. (Ảnh: Kim Thược)

Ngoài ra, chiếc giếng cổ còn lại nằm trong khuôn viên của một gia đình trong thôn. Chiếc giếng này có tuổi đời hơn 1.300 năm và đến nay vẫn được gia đình này sử dụng để lấy nước sinh hoạt hàng ngày.

Sở dĩ, giếng phải khôi phục là do thời kì kháng chiến chống Pháp, giếng đã bị lấp đi. Người dân thôn Tam Kỳ quan niệm: "2 chiếc giếng cổ là hai mắt thần và là linh của thôn Tam Kỳ. Bởi vậy, việc lấp hai chiếc mắt thần đã vô tình động linh khí của làng. Muốn linh khí tốt, người dân phải khôi phục lại hai chiếc giếng cổ".

Được biết, giếng ngọc của làng còn gắn với di tích Quán Dố - một ngôi miếu cổ, thờ Ma Lỗ Đại Vương. Theo lệ làng, cứ đến tháng Sáu âm lịch, dân làng tổ chức lễ rước nước từ giếng ngọc về Quán Dố để cầu mưa.

Khi ấy, các cụ cao niên trong làng sẽ khăn áo chỉnh tề, trai tráng thì vác kiệu, vác lọng, bê ché ra trước giếng, xin Thần giếng cho nước thiêng về thờ tại Quán Dố, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Hinh anh  9

Nhiều đứa trẻ trong làng rất tò mò về câu chuyện xoay quanh chiếc giếng cổ. (Ảnh: Kim Thược)

Thế nên sau này dù có một khoảng thời gian bị vùi lấp, dù nước giếng ngọc không được sử dụng để ăn uống như xưa, nhưng người thôn Tam Kỳ vẫn luôn quý trọng giếng như bảo vật. Khi tôn tạo lại giếng vào năm 2012, dân làng Tam Kỳ người góp đất, người góp công, người góp tiền giữ cho giếng một khoảng trời riêng bên cổng làng, để bảo tồn giá trị văn hóa cổ xưa hàng ngàn năm tuổi.

Năm 2016, Quán Dố cũng được tôn tạo. Bắt đầu từ tháng Sáu âm lịch năm 2017, dân làng sẽ khôi phục lại lễ rước nước, cầu mưa. Trước khi rời Tam Kỳ, ông Nguyễn Xuân Huy - Trưởng thôn Tam Kỳ tâm sự: "Tôi mong rằng vẻ đẹp này, công trình cổ xưa và quý giá này sẽ luôn được người dân, chính quyền địa phương trân quý bảo tồn, để những lữ khách gần xa và cả con cháu đời sau càng thêm hiểu, thêm yêu quý và tự hào về truyền thống của quê hương Tam Kỳ".

Không chỉ là truyền miệng, giếng Tam Kỳ đã là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà lịch sử nổi tiếng. Qua nhiều lần khảo sát, đánh giá và dựa trên cách xây dựng, nguyên liệu, kỹ thuật gắn với một số di tích của làng, Nhà sử học Lê Văn Lan đã xác định niên đại của giếng cổ. Theo đó, giếng có từ thời nhà Đường, tức là cách đây khoảng 1200 năm. Năm 2013, khi giếng ngọc Tam được trùng tu và khánh thành, Nhà sử học Lê Văn Lan cũng đã có lời đề tự rằng đây là nơi: “Tụ Thủy như tụ Nhân”.

Video: Sự thật về kho vàng hơn 4000 tấn ở núi Tàu

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn