Giải mã 'bác sĩ ảo' hỗ trợ điều trị ung thư tại Phú Thọ

Sức khỏeThứ Sáu, 11/05/2018 11:30:00 +07:00

Thông tin một số bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khi được điều trị có sự kết hợp với "bác sĩ ảo" Watson for Oncology trở nên khoẻ mạnh hơn khiến nhiều người xôn xao, vậy "bác sĩ ảo" - trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư là gì, có vai trò ra sao?

"Bác sĩ ảo" - trí tuệ thông minh nhân tạo ứng dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư tại Việt Nam hiện là tâm điểm của sự chú ý khi thành quả của công nghệ này được chứng minh: Một số bệnh nhân ung thư điều trị theo phác đồ mà vị "bác sĩ" này đưa ra đã đáp ứng thuốc tốt, tình hình sức khỏe diễn biến tích cực, có triển vọng trong điều trị căn bệnh quái ác ung thư phổi.

Vị "bác sĩ ảo" có tên là IBM Watson for Oncology - hệ trí tuệ nhân tạo chuyên biệt chỉ nhằm cung cấp các giải pháp cho bệnh ung thư, được thiết kế bởi tập đoàn IBM, đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ từ tháng 2/2018, bệnh viện đầu tiên ứng dụng tại Việt Nam.

DIỄN BIẾN LIÊN QUAN:

Watson-for-Oncology

Giao diện hoạt động của "bác sĩ" ảo - Watson for Oncology được thiết kế bởi tập đoàn IBM 

Để hiểu rõ hơn về vị "bác sĩ" ảo này, PV báo điện tử VTC News có trò chuyện với ông Eric CW Yeo - Tổng Giám đốc công ty IBM tại Việt Nam.

- Một trong những cơ chế hoạt động của IBM Watson for Oncology vận hành bằng trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo này được "đào tạo" như thế nào?

Watson for Oncology được đào tạo bởi nhiều chuyên gia về ung thư và có một hệ thống được đặt tại New York (Mỹ). Thành phố này sở hữu một trong những trung tâm điều trị ung thư lớn nhất tại Mỹ. Chúng tôi “đào tạo” hệ thống này cùng với các chuyên gia đến từ MSK - một tổ chức chuyên về ung bướu, và các chuyên gia về ung thư khác nhau để đảm bảo rằng hệ thống vận hành chuẩn xác trong vòng 5 năm qua.

- Hệ thống này có ảnh hưởng tới 80% quyết định của các bác sĩ?. Làm thế nào để biết chắc chắn rằng những lời khuyên mà Watson for Oncology đưa ra là chính xác nhất?

Đầu tiên, tôi cho rằng, chúng ta cần phải hiểu rõ với nhau rằng, Waston for Oncology không được thiết kế và cũng không bao giờ có thể thay thể được các bác sĩ trong công cuộc điều trị ung thư cho bệnh nhân.

Thứ hai, việc phương pháp điều trị nào được lựa chọn, quyết định cuối cùng sẽ như thế nào, điều đó phải dựa trên sự bàn bạc, thống nhất giữa các bác sĩ, bệnh nhân và sự tham khảo từ hệ thống Watson for Oncology.

eric-cw-yeo-ibm

Ông Eric CW Yeo - Tổng giám đốc IBM tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên về trí tuệ nhân tạo Watson for Oncology. (Ảnh: Chi Lê)

Bởi vì trong hệ thống có chứa những thông tin và dữ liệu của các bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới, đặc biệt là những ca điều trị ung thư ở New York – vì vậy mà nó có thể tư vấn cho các bác sĩ hoặc đề xuất các cách điều trị khả dụng cho bệnh nhân.

Chúng ta đều biết, các bác sĩ, chuyên gia về ung thư đều rất bận rộn, và giống như chúng ta, họ cũng chỉ là con người. Họ không có đủ thời gian để đọc, để hiểu hết tất cả các chuyên đề, các bài viết phân tích về ung thư trên thế giới này.

Vậy nên, khi có hệ thống Watson for Oncology hỗ trợ, các bác sĩ, chuyên gia ung thư sẽ có những sự tham khảo, hay những gợi ý về những phương pháp điều trị tốt hơn mà họ có thể giúp đỡ, chữa trị cho người bệnh, mà không cần mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu, phân tích rồi tổng hợp.

Và đúng như nhận định trên, 80% và bất cứ những sự đề xuất nào liên quan tới bệnh ung thư, được bác sĩ, chuyên gia sử dụng đều rất quan trọng, bởi chúng liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người.

Do đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, các phương pháp điều trị cuối cùng dành cho bệnh nhân đều phải do bác sĩ chỉ định, và những quyết định đó phải có sự đồng ý của bệnh nhân.

img_0690-2053428 5

Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh (Trung tâm Ung bướu BVĐK tỉnh Phú Thọ) bên chị Đàm Thị Hạnh - bệnh nhân  vẫn sống khỏe khi đã ung thư phổi giai đoạn cuối. (Ảnh: Đức Kế)  

Đặc biệt, trong những trường hợp cụ thể, các bác sĩ mới là những người tạo ra tính linh hoạt trong áp dụng các phương pháp điều trị. Bởi mỗi bệnh nhân có hoàn cảnh khác nhau, căn bệnh khác nhau, do đó, cần phải có sự điều chỉnh cho hợp lý, và cách làm này chỉ có thể do con người vận hành.

Bệnh ung thư diễn biến rất phức tạp, mỗi bệnh nhân lại có một hoàn cảnh riêng: Tuổi tác khác nhau, có hút thuốc hay không, gia cảnh thế nào…, tất cả những thuộc tính này làm cho các kết luận điều trị khác nhau, với những cá nhân khác nhau.

Watson for Oncology cung cấp những đề xuất, chứ nó không phải thiết bị y tế, cũng không phải phương pháp chữa trị. Hệ thống này sinh ra là để hỗ trợ các y bác sĩ, chứ không phải để thay thế các bác sĩ – đây là điều rất quan trọng mà chúng tôi hi vọng mọi người sẽ nhớ kỹ khi tiếp cận hệ thống này.

- Watson for Oncology là hệ thống hoạt động trên cơ sở dữ liệu đám mây…

Đúng vậy, và khi hoạt động trên dữ liệu đám mây, các dữ liệu về bệnh ung thư sẽ liên tục được cập nhật tới hệ thống Watson for Oncology, dù cho hệ thống máy chủ được đặt tại Mỹ và được bảo vệ hết sức chặt chẽ bằng tường lửa và hệ thống bảo mật.

img_0717-2052545 6

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam áp dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư. (Ảnh: Đức Kế)

Chúng tôi tự tin rằng, các dữ liệu cá nhân luôn được bảo vệ tối đa, đồng thời lọc ra các thông tin cần thiết cung cấp cho bác sĩ và người nhà bệnh nhân.

- Thực tế tại Mỹ từng ghi nhận những vụ tấn công vào các hệ thống công nghệ ứng dụng trong y tế. Vậy, các dữ liệu cá nhân mà ông nhắc đến, liệu chúng có dễ dàng bị tấn công hay không?

Đầu tiên, tôi cần khẳng định rằng, IBM là một trong những công ty bảo mật hàng đầu trên thế giới. Chúng tôi có hệ thống bảo vệ cho các ngân hàng lớn, bệnh viện, chính quyền điện tử - tất cả các tổ chức mà sử dụng hệ thống IVF của chúng tôi. Và đó là cách mà chúng tôi tạo dựng danh tiếng cho tới ngày nay.

Thứ hai, tất cả các hệ thống của IBM luôn được bảo mật chặt chẽ. Một điều khác là chúng tôi cho rằng, dữ liệu cá nhân của khách hàng, bệnh nhân luôn phải ở trong tình trạng bí mật, không được chia sẻ nếu như không có yêu cầu từ phía chính chủ. Vì tính bảo mật cao và tính bí mật của thông tin cá nhân, tôi cho rằng sẽ ít có khả năng xảy ra các trường hợp thông tin này sẽ bị lọt ra ngoài, hay bị tấn công.

Bên cạnh đó, các dữ liệu về ung thư do một bên khác cung cấp. Vậy, trách nhiệm của IBM đến đâu trong vấn đề này?

Chúng tôi là một tập đoàn về công nghệ - một công ty viết phần mềm và cung cấp, chịu trách nhiệm về những gì liên quan tới hai từ “công nghệ”.

Video: IBM Watson for Oncology - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư

Và vì chúng tôi chỉ chuyên về công nghệ, nên cần phải hợp tác với bên thứ ba, họ có tất cả những thông tin, dữ liệu về các bệnh nhân, chuyên gia trong lĩnh vực điều trị ung thư.

Tôi cần nhấn mạnh rằng, chúng tôi không phải là công ty về bệnh ung thư, chúng tôi chỉ là chuyên gia công nghệ mà thôi, chúng tôi chỉ biết làm thế nào để cung cấp các dữ liệu, phân tích, kết hợp chúng lại với nhau.

Do đó, chúng tôi phải nhờ đến các chuyên gia về ung thư, và sự kết hợp của 2 điều này: Chuyên gia và công nghệ - chúng tạo nên một “trung tâm” thông tin về ung thư tốt nhất trên thế giới, có trách nhiệm cung cấp các “giải pháp” cho công dân trên toàn thế giới.

- IBM hướng tới điều gì khi đưa hệ thống này ứng dụng tại Việt Nam?

Hãy thử tưởng tượng, nếu ngày mai chúng ta không có công nghệ này thì bệnh nhân và con người Việt Nam sẽ ra sao? Ung thư là căn bệnh đã trở thành vấn nạn ở Việt Nam, và hệ thống này sẽ đóng góp thế nào tới công cuộc chống lại bệnh ung thư của các bác sĩ, làm thay đổi đời sống của con người Việt Nam? Đó chính là thông điệp mà IBM muốn hướng tới.

Xin cảm ơn ông!

Chi Lê
Chuyên đề: Ung thư
Bình luận
vtcnews.vn