Giấc mơ kinh tế số 43 tỷ USD: Khoảng trống pháp lý

Đầu TưThứ Hai, 22/02/2021 17:32:55 +07:00

Các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch...

Khi công nghệ số ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế số, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra gay gắt và là điều tất yếu xảy ra. 

Kinh nghiệm từ Australia

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam thấm thía điều này hơn ai hết, chỉ có điều, theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), đây là cuộc chiến không cân sức khi các doanh nghiệp trong nước chịu lép vế trước các nền tảng xuyên biên giới có tiềm lực tài chính và công nghệ lớn mạnh. Đáng lưu ý, các nền tảng xuyên biên giới cho đến nay vẫn không chịu các cơ chế kiểm duyệt cũng như không thực hiện các nghĩa vụ thuế với Việt Nam. 

Nhấn mạnh lại yêu cầu cần có một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, ông Lê Đình Cường cũng biết đây là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển.

"Điển hình là cuộc chiến giữa chính phủ Australia và Facebook đang thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới. Theo đó, Australia chuẩn bị thông qua dự luật đàm phán truyền thông, trong đó yêu cầu các hãng công nghệ phải trả tiền cho nội dung báo chí. Với dự luật này, Facebook, Google phải đạt được thỏa thuận thương mại với báo chí Australia hoặc sẽ phải tuân theo quy định bắt buộc của chính quyền về việc trả tiền để sử dụng các nội dung tin tức trên nền tảng của họ.

Đáp lại, ngày 18/2 Facebook đã xóa bỏ các trang tin tức của các đơn vị báo chí, truyền thông trong và ngoài nước ở Australia. Đồng thời, mạng xã hội này cũng ngăn không cho người dùng tại Australia đăng hay chia sẻ nội dung tin tức trên nền tảng này. Không chỉ vậy, Facebook còn xóa bỏ nhiều trang cung cấp thông tin, chính sách của các cơ quan ban ngành thuộc Chính phủ Australia, các trang của các tổ chức phi lợi nhuận, làm từ thiện và khiến dư luận Australia rất bức xúc.

Tuy nhiên, sau động thái trên, đến ngày 20/2, mạng xã hội này đã đồng ý quay trở lại bàn đàm phán với Chính phủ Australia.

Trong khi đó, Google, ban đầu đe dọa đóng công cụ tìm kiếm của công ty này tại Australia, hiện đang phải chạy đua để đạt thỏa thuận với các cơ quan báo chí Australia", vị chuyên gia dẫn chứng.

Giấc mơ kinh tế số 43 tỷ USD: Khoảng trống pháp lý - 1

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang mong chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được ban hành để tạo sân chơi bình đẳng với các nền tảng xuyên biên giới

Từ câu chuyện của Australia, Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả  tiền khẳng định sự tham gia của các nền tảng xuyên biên giới là bình thường và cần thiết, giúp người dùng có thể lựa chọn nhiều chương trình giải trí có chất lượng, song cần phải quản lý các doanh nghiệp này để đem tới sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển văn hóa, con người.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Ở lĩnh vực vận tải, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, cuộc đấu tranh giữa hai loại xe công nghệ và xe truyền thống vẫn chưa kết thúc, nhưng sự áp đảo của Grab trên thị trường gọi xe công nghệ đã thấy rõ.

Ông nhắc lại khoảng thời gian 4 năm thí điểm taxi công nghệ, những tranh cãi gay gắt đã nổ ra giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, đỉnh điểm là vụ kiện đình đám giữa Vinasun và Grab trong suốt thời gian dài để đòi bồi thường phần thiệt hại mà Vinasun cho rằng chính Grab gây ra.

Đến năm 2020, taxi công nghệ đã có một hành lang pháp lý để hoạt động mà không cần tranh cãi taxi công nghệ có phải là loại hình vận tải không, còn taxi truyền thống cũng có động lực đổi mới để cạnh tranh.

Theo ông Bùi Danh Liên, cạnh tranh là tất yếu, bên nào phát triển, phục vụ lợi ích của người dân tốt hơn thì sẽ giữ chân được khách hàng.

"Taxi truyền thống đang chết dần, mà nguyên nhân do đại dịch COVID-19 chỉ là một phần, quan trọng là sự phát triển của thị trường đã khác.

Grab đầu tư vào công nghệ, có nhiều chính sách giảm giá có lợi cho người tiêu dùng, lại không cần chủ sở hữu, ai có xe là có thể huy động chạy được nên cơ động hơn rất nhiều. Còn taxi truyền thống buộc phải có chủ sở hữu là hãng taxi, họ đầu tư nhiều vốn vào phương tiện. Ngặt nỗi hạ tầng giao thông không phát triển nhanh được, đường sá vẫn thế mà taxi tăng lên nhiều sẽ gây tắc đường, hoặc giá thành sẽ tăng lên vì chi phí nhiên liệu cao. Chưa kể, bây giờ nhiều người ngần ngại đi taxi vì nhược điểm của taxi truyền thống là bị cấm đường nhiều, phải chạy đường vòng nhiều, cây số tăng lên, số tiền người dân phải bỏ ra tăng lên.

Quan trọng hơn là đối tượng đi taxi ngày càng thu hẹp lại, không còn như trước. Rồi đây, các phương tiện công cộng như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm... sẽ phát triển mạnh mẽ, với các ưu đãi của Nhà nước, người dân sẽ lựa chọn đi phương tiện công cộng nhiều hơn.

Thị phần trước sau sẽ bị thu hẹp, lại bị cạnh tranh bởi taxi công nghệ, taxi truyền thống không thay đổi sẽ chết. Phải ứng dụng công nghệ để giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm giá thành để nâng cao sức cạnh tranh", ông Bùi Danh Liên nói.

Cùng chung mong muốn với lĩnh vực vận tải, ông Lê Đình Cường bày tỏ, các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo luật định, đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước Việt Nam, giống như doanh nghiệp trong nước.

"Thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam vẫn mong chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được ban hành. Đây là hành lang pháp lý hoàn chỉnh, quản lý được các dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình xuyên biên giới, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam mong mỏi.

"Trong khi đó, Google, ban đầu đe dọa đóng công cụ tìm kiếm của công ty này tại Australia, hiện đang phải chạy đua để đạt thỏa thuận với các cơ quan báo chí Australia", vị chuyên gia dẫn chứng.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp