Mạnh tay chi cả tỷ USD, bóng đá Trung Quốc mơ 'hoá rồng'

Thể thaoThứ Tư, 10/01/2018 10:17:00 +07:00

Giải VĐQG Trung Quốc (China Super League-CSL) có lúc vượt qua cả Ngoại hạng Anh để trở thành giải đấu mua sắm mạnh tay nhất thế giới.

Khoảng 4 mùa giải trở lại đây, số tiền chuyển nhượng các CLB bóng đá Trung Quốc chi luôn tăng theo cấp số nhân.

Nếu như năm 2014, tổng chi phí chuyển nhượng của China Super League (CSL) chỉ là 101 triệu USD thì tới năm 2016 đã tăng lên tới 451 triệu USD. Hàng loạt ngôi sao tầm cỡ thế giới đã chia tay các giải VĐQG châu Âu vốn danh giá để theo tiếng gọi tiền bạc của CSL.

sport-preview-chinese-super-league

 Hàng loạt ngôi sao thế giới theo tiếng gọi của đồng tiền đến với CSL.

Nổi bật trong số này phải kể tới tiền đạo Carlos Tevez (Argentina) hay Oscar, Ezequiel, Hulk và cả những tên tuổi cũ hơn như Didier Drogba…Những tên tuổi lừng danh trên ghế huấn luyện cũng tới Trung Quốc để hành nghề như Fabio Capello, Manuel Pellegrini hay Felipe Scolari.

Những người làm bóng đá Trung Quốc muốn kết hợp việc đưa về những ngôi sao hàng đầu thế giới để thúc đẩy giải VĐQG phát triển cùng đào tạo trẻ. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) từng gắn giấc mơ phát triển bóng đá Trung Quốc với ý chí của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Ông Tập cùng với những tham vọng về chính trị, muốn đưa Trung Quốc trở thành một thế lực bóng đá. Trung Quốc đã đưa ra một bản kế hoạch quy mô lớn với 50 nghìn học viện bóng đá được xây dựng vào năm 2050.

Một phần nào đó, người Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu. CSL liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thế giới. Lượng khán giả trung bình của giải VĐQG Trung Quốc đã tăng lên, đạt khoảng 24.000 người/trận năm 2016 và 28.000 người/trận năm 2017. Con số này còn cao hơn cả giải bóng đá VĐQG Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trên bảng xếp hạng FIFA, Trung Quốc có lúc vươn lên vị trí thứ 60 mặc dù hiện tại đang rơi xuống vị trí 71, sau Nhật Bản (57) và Hàn Quốc (60).

Trung Quoc

Anh Wang lái xe kiểm tra mặt cỏ sân Côn Sơn trước thềm giải đấu U23 châu Á. (Ảnh: Hữu Phạm)

Wang, một nhân viên BTC nước chủ nhà Trung Quốc tại VCK U23 châu Á 2018 rất hào hứng liệt kê một loạt tên tuổi các ngôi sao nước ngoài từng và đang thi đấu ở CSL. Người Trung Quốc đặc biệt cảm thấy thoả mãn với việc giải VĐQG của nước mình trở thành điểm đến của nhiều ngôi sao, vượt qua cả sức hút từ các đội bóng châu Âu.

Nỗi lo bong bóng vỡ

Sau nhiều mùa giải mạnh tay mua sắm, các CLB Trung Quốc đang bị siết lại ngân sách đầu tư cho thị trường chuyển nhượng. Mùa hè trước, CSL chấn động với thông tin 13 đội bóng đứng trước nguy cơ bị loại khỏi giải đấu do nợ đọng lương cầu thủ.

Một cú sốc khác đối với người Trung Quốc là tuyên bố của Carlos Tevez, người được chào mức lương lên tới 850.000 USD/tuần. Cựu tiền đạo Manchester Ụnited nói bóng đá Trung Quốc khó theo kịp các nền bóng đá phát triển trong 50 năm nữa. CSL, như lịch sử từng xảy ra với một số giải đấu hàng đầu thế giới, có thể bị vỡ do cách làm đốt cháy giai đoạn, duy ý chí.

Nếu có điều gì khác khiến kế hoạch phát triển bóng đá của những lãnh đạo Trung Quốc chậm đến thành công, thì là tình yêu của người dân với bóng đá.

Charles, đang làm việc tại Trung tâm thể thao Côn Sơn cho VCK U23 châu Á 2018 nói, bóng đá ở Trung Quốc chỉ đứng thứ 3 về độ yêu thích của người dân, sau bóng bàn và cầu lông. Đây là hai môn thể thao thế mạnh của Trung Quốc trên thế giới.

U23 Trung Quoc 3

U23 Trung Quốc đá trận khai mạc giải U23 châu Á nhưng sân bóng vẫn còn nhiều chỗ trống. 

Thậm chí với nhiều người Trung Quốc, bóng rổ mới là môn thể thao được yêu chuộng với biểu tượng nổi tiếng Yao Ming chơi tại giải nhà nghề Mỹ.

Sân vận động Côn Sơn đang chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2018. Wang dự đoán có thể do thời tiết lạnh giá, sẽ chỉ có khoảng 10.000 CĐV mỗi trận đấu ở bảng D, nơi có U23 Việt Nam. Tuy nhiên, anh cũng không chắc chắn lắm về con số dự đoán mình đưa ra bởi bảng D không có chủ nhà Trung Quốc.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn