Gia nhập EU - đường dài với Ukraine

Thời sự quốc tếThứ Ba, 01/03/2022 16:09:00 +07:00
(VTC News) -

Chặng đường gia nhập liên minh châu Âu của Ukraine có thể sẽ kéo dài và nhiều khó khăn, vì đây là một quy trình phức tạp.

Tổng thống Ukraine gửi đơn gia nhập Liên minh châu Âu sau khi được lãnh đạo khối này "bật đèn xanh". Thế nhưng, chặng đường đến Brussels của Kiev có thể sẽ không mấy dễ dàng.

Lịch sử

Liên minh châu Âu khởi đầu với 6 quốc gia vào năm 1957. Khối đã nhiều lần gia tăng số thành viên, trong đó những đợt kết nạp đặc biệt được cho là bắt đầu từ năm 1995.

Khi đó, Áo, Thụy Điển và Phần Lan gia nhập EU, khiến khối lần đầu tiên có biên giới với Nga.

Gia nhập EU - đường dài với Ukraine - 1

(Ảnh minh họa)

Đến năm 2004, EU kết nạp Ba Lan, các nước Baltic (Estonia, Latvia và Litva), Hungary, Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Séc, cùng với các quốc đảo Địa Trung Hải là Đảo Síp và Malta.

Năm 2016, Vương quốc Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý gây sốc về việc rời bỏ Liên minh châu Âu. Các thỏa thuận “ly hôn” được hoàn tất vào năm 2020.

Hiện EU có 27 thành viên.

Danh sách chờ

4 nước Balkan phía Tây hiện đang là ứng cử viên chính thức cho vị trí thành viên EU, nhưng họ cũng đã ở trong “phòng chờ” được vài năm mà chưa gia nhập khối.

Trong đó, Bắc Macedonia chờ từ năm 2005, Montenegro từ 2010, Serbia từ 2012 và Albania từ 2014.

“Chúng ta cùng là một gia đình châu Âu, và tôi thực sự tin rằng chúng ta có chung vận mệnh”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với các nước hồi tháng 10/2021.

Thổ Nhĩ Kỳ là ứng viên từ năm 1999, và đến năm 2005 mới bắt đầu các cuộc đàm phán để trở thành thành viên. Tuy nhiên, mối quan hệ của nước này với EU xấu đi từ 2013 và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Hai thành viên khác thuộc Liên bang Nam Tư cũ – Bosnia và Kosovo – cũng được xem là ứng viên tiềm năng của EU, nhưng chưa đáp ứng các tiêu chí dành cho thành viên.

Gia nhập EU - đường dài với Ukraine - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Ukrinform)

Năm 2009, EU khởi động sáng kiến Quan hệ Đối tác phía Đông với một nhóm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ bao gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Moldova và Ukraine. Thỏa thuận nhằm thắt chặt các mối quan hệ kinh tế và chính trị, đổi lấy các cải cách.

Trong các nước này, Ukraine và Georgia xem thỏa thuận như một bước đà để trở thành thành viên của khối. Nhưng họ chưa nhận được sự đảm bảo nào từ các lãnh đạo EU. Năm 2021, Belarus ngừng tham gia các thỏa thuận.

Chặng đường xa

Hôm 28/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi được trở thành thành viên EU “ngay lập tức”. Dù vậy, để gia nhập EU là một quá trình dài và phức tạp, khi các cuộc đàm phán thông thường có thể kéo dài đến vài năm.

Bước đầu tiên để trở thành thành viên là phải được công nhận làm một quốc gia ứng viên. Sau đó quá trình đàm phán dài hơi sẽ bắt đầu, nhằm chứng minh nước ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về dân chủ, kinh tế và chính trị. Trong đó, các thể chế ổn định đảm bảo sự dân chủ, tôn trọng nhân quyền và cộng đồng thiểu số, nền kinh tế thị trường hiệu quả là những yêu cầu bắt buộc.

Khi kêu gọi được trở thành thành viên EU, Tổng thống Zelensky mong muốn có một “quy trình đặc biệt” để đẩy nhanh quá trình kết nạp cho Kiev. “Tôi chắc chắn điều đó là có thể”, ông nói.

Phương Anh(Nguồn: AFP)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp