Giá nhà hiện nay cao vì cơ chế xin - cho?

Bất động sảnThứ Năm, 27/07/2017 12:10:00 +07:00

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), giá nhà hiện nay cao là do người tiêu dùng và doanh nghiệp phải gánh chịu những khoản chi phí ngầm, không minh bạch.

Ngày 26/7, Đoàn làm việc của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi lấy ý kiến về kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 tại HoREA.

Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA thì tiền sử dụng đất là một “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản, là “gánh nặng” của doanh nghiệp và người tiêu dùng phải “gánh chịu” khi mua nhà. Đồng thời cũng là “ẩn số” không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư. Đây cũng là môi trường dễ phát sinh tiêu cực và tạo ra cơ chế “xin-cho”.

anh-minh-hoa_1

 Giá nhà hiện nay cao vì cơ chế xin - cho?

Vì vậy, để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, HoREA kiến nghị thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất dự án để giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế "xin - cho" trên thị trường bất động sản, cần phải bổ sung thêm một số điều khoản.

Thứ nhất, theo HoREA, nên nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm tiền sử dụng đất, thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, mức đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.

"Việc áp dụng thuế sử dụng đất sẽ giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng không phải chịu gánh nặng tiền sử dụng đất như hiện nay. Doanh nghiệp có thể tiên lượng chi phí tạo lập quỹ đất khi đầu tư dự án. Nhà nước có nguồn thu thuế sử dụng đất ổn định, lâu dài", ông Châu cho hay.

Thứ hai, HoREA cho rằng nên giao cho Sở Tài chính là đầu mối chủ trì toàn bộ công tác thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất; chuẩn bị nội dung trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố xem xét quyết định giá đất cụ thể để xác định tiền sử dụng đất dự án.

Video: Điểm mặt các dự án sai phạm nghìn tỷ ở Thủ đô

Ngoài ra, HoREA cho biết, cùng cần thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất dự án để giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế “xin-cho” trên thị trường bất động sản; cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án.

“Kiến nghị này phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, có hiệu lực từ ngày 1/8/2017, trong đó có cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Châu cho hay.

HoREA cũng kiến nghị, cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của nước ta; cơ chế cụ thể để thực hiện quy định “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, và quy định đấu giá quyền sử dụng đất dự án; quản lý, sử dụng quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch…

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn