Giá hàng Tết được "bình ổn" vẫn cao hơn thị trường

Kinh tếThứ Ba, 09/02/2010 07:02:00 +07:00

(VTC News) - 109 gian hàng bình ổn giá hỗ trợ Tết Canh Dần giá vẫn cao hơn thị trường và có sự chênh lệch giữa các đơn vị, khiến NTD không khỏi hoài nghi.

(VTC News)  -  Nhằm ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết Canh Dần 2010, UBND TP Hà Nội đã có quyết định tạm ứng tiền cho 12 doanh nghiệp dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau Tết. Tuy nhiên, giá cả trong 109 gian hàng bình ổn vẫn tăng cao và có sự chênh lệch giữa các đơn vị, khiến người dân không khỏi phân vân, hoài nghi, bối rối...

Người mua lẫn người bán không nắm được thông tin

Càng gần tới ngày Tết, nhu cầu đi mua sắm của người dân tại các siêu thị, trung tâm thương mại càng tăng cao.

8h30 phút tối 3/2, siêu thị Fivimart (163A Đại La, Hai Bà Trưng) – một trong những điểm bán tham gia bình ổn giá thị trường đã ken đặc người mua với không khí nhộn nhịp. Khoảng sân rộng có hai bãi để xe với 7 hàng xe dày kín, xếp cạnh nhau san sát. Hàng dài người sốt ruột đứng đợi hồi lâu trước cổng ra vào để ghi số vé xe. Có người không đủ kiên nhẫn đã quay đầu xe tìm đến điểm mua sắm khác.

Chương trình bình ổn giá Tết khó đến với người tiêu dùng 

Đại diện cho Công ty Cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart), bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc, cho biết: “Hiện tại, lượng khách đông tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó. Với chương trình bình ổn giá Tết, người tiêu dùng (NTD) được lợi nhiều hơn bởi siêu thị đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá cả ổn định”.

Tuy vậy, người mua đến các điểm mua sắm này không phải bởi sức hút của chương trình bình ổn giá dịp Tết vì theo khảo sát của pv VTC News, số lượng NTD biết thông tin này rất hiếm hoi, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Tết Canh Dần 2010, với mức cho vay giới hạn ở 250 tỷ đồng, thành phố Hà Nội tập trung vào việc bình ổn giá của 9 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu:  Gạo – nếp, đường cát trắng, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến từ thịt, rau – củ - quả.

Tại Hà Nội, trong số 12 doanh nghiệp, Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro là đơn vị được nhận vay phần vốn ưu đãi lớn nhất (125 tỷ  đồng). Riêng công ty siêu thị Hà Nội Harpomart được nhận vay 50 tỷ đồng, chiếm già nửa trên tổng số vốn 88 tỷ đồng mà công ty đầu tư tích trữ hàng tiêu dùng trong dịp Tết.

Theo bà Hậu, Công ty Cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) được cấp 13 tỷ - con số ít ỏi so với kế hoạch đầu tư kinh doanh 57 tỷ ban đầu, vì vậy Nhất Nam đang gồng mình lên để góp phần vào sự bình ổn giá trong những thời điểm sức mua tăng đột biến, cố gắng nỗ lực nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết tốt nhất cho người dân. 



Chị Nguyễn Thị Hoa (ngõ 93 Hoàng Văn Thái) – khách mua hàng tại Fivimart nói: “Tôi có nghe báo đài đưa tin có chương trình bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết nhưng không nắm rõ được địa điểm ở những đâu. Tới các điểm bán hàng bình ổn thì cũng không thấy dấu hiệu gì để nhận biết”.

Tại siêu thị Hapro Food (135 Lương Định Của, Đống Đa), NTD chỉ thấy bên ngoài cửa ra vào căng tấm biển lớn “Điểm bán hàng phục vụ Tết Canh Dần 2010” chứ không ghi cụ thể khiến người mua không thể biết đây là một trong những đơn vị bán hàng bình ổn giá Tết.

Cũng theo khảo sát của pv VTC News, tại phần lớn những điểm bán hàng bình ổn giá khác như số 35 Hàng Bông (Hoàn Kiếm), số 7 Hàng Đường (Hoàn Kiếm), siêu thị Fivimart 23 Lý Thái Tổ(Hoàn Kiếm), 93 Lò Đúc (Hai Bà Trưng),... đều không treo biển để nhận biết.

Một số siêu thị có in bảng giá các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn trên giấy A4 nhằm mục đích thông tin cho khách hàng nhưng lại được dán một cách “kín đáo” – nơi ít người để ý nhất.

Siêu thị Intimart (26 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm) dán bảng giá bình ổn gồm 2 trang ở phía mé bên của kệ hàng bán dầu ăn, khuất mắt người qua lại.


Anh Hoàng Anh Tú (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đang chăm chú lựa chọn giò tại quầy hàng thực phẩm Fivimart cho biết: Anh đến siêu thị Intimart bởi nghĩ nguồn hàng ở đây đảm bảo chất lượng, sản phẩm đa dạng, phong phú với nhiều mặt hàng bày bán, thực phẩm tươi ngon, không pha tạp, có khuyến mãi giảm giá hoặc tặng kèm sản phẩm chứ không hề biết tới chương trình bình ổn giá Tết với mức giá thấp hơn 5% so với thị trường tự do.

Không chỉ NTD “đói” thông tin, bản thân người bán - những nhân viên siêu thị (cửa hàng) đều ít biết đến chương trình này. Thậm chí, chị Đào Thị C. – nhân viên của siêu thị Fivimart (93 Lò Đúc, Hai Bà Trưng) còn hồn nhiên kéo NTD vào mua hoa quả với lời chào đon đả: “Anh chị mua hoa quả sớm đi, mấy ngày giáp Tết chắc chắn hàng sẽ tăng đột biến theo giá của thị trường”. (?)

Loạn giá giữa các điểm bán hàng bình ổn

TP Hà Nội chi 250 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu Tết Canh Dần, cho vay với lãi suất 0%, không thế chấp tài sản trong thời gian 6 tháng. Điều kiện để các doanh nghiệp tham gia: Sản xuất, phân phối hàng hóa phù hợp với mặt hàng tham gia bình ổn; có kinh nghiệm, uy tín, phương án khả thi tạo nguồn hàng bình ổn;... Tuy nhiên, sau khi chương trình đi vào hoạt động, theo khảo sát của PV VTC News, có sự chênh lệch về giá giữa các điểm bán hàng bình ổn, thậm chí khác biệt về giá ngay trong cùng một hệ thống siêu thị.

Giá của các mặt hàng bình ổn giữa các điểm bán chênh lệch nhau trên dưới 10.000 đồng. Cụ thể, với dầu ăn Simply đậu nành: Tại siêu thị Hapro (51 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng), chai 1 lít có giá 32.000 đồng; 2 lít giá 64.000 đồng; 5 lít:153.000 đồng. Trong khi đó, tại điểm bán hàng bình ổn 135 Lương Đình Của (Đống Đa, Hà Nội), dầu ăn Simply này có giá tương đương như sau: 31.000; 60.500; 147.500 đồng.

Còn tại siêu thị Intimart (26 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm), giá lần lượt là: 32.000; 61.900; 147.200 đồng. Như vậy, chênh lệch lớn nhất lên tới 6.500 đồng.

Khảo sát bất kỳ một mặt hàng nào khác cũng nhận thấy tình trạng giống nhau. Ví dụ: Mặt hàng gạo tại điểm bán hàng bình ổn Tết số 135 Lương Định Của (Đống Đa): Gạo tám Hải Hậu có giá 37.500 đồng/2 kg; Nếp cái hoa vàng: 43.000 đồng/2 kg; Gạo tám Điện Biên: 34.000 đồng/2 kg. Tại siêu thị Fivimart (93 Lò Đúc, Hai Bà Trưng), giá của các loại gạo này tương đương như sau: 29.9000 đồng; 46.200 đồng; 33.800đồng. Mức chênh lệch của gạo ở hai điểm bán này cao nhất 7.600 đồng.

Bản thân giá cả các mặt hàng bình ổn trong cùng một hệ thống siêu thị cũng có sự khác nhau đáng kể. Các siêu thị, cửa hàng Hapro thuộc Tổng công ty thương mại Hà Nội đều có giá bán chênh lệch nhau.

Cụ thể, 01 kg đường tinh luyện Biên Hòa Sugar, bán tại Hapro 31 Lê Đại Hành có giá 20.500 đồng/1kg, tại Hapro số 7 Hàng Đường, giá lại tăng lên thành 22.000 đồng. Thịt sườn non tại Hapro E7 Bách Khoa có giá 26.500 đồng/ 300g, trong khi đó tại Hapro 135 Lương Định Của tăng lên 27.500 đồng.

Gạo "loạn giá" trong thị trường bình ổn 

Thậm chí, ngay trên cùng một tuyến phố, giá cả giữa các điểm bán hàng bình ổn của Hapro cũng khác nhau. Một chai dầu Neptune 5 lít, nếu ở Hapro Mart tại số 7 Hàng Đường có giá 145.000 đồng thì khi tới Hapro Mart tại 35 Hàng Bông, khách hàng được giảm 2.000 đồng, chỉ phải mua với giá 143.000 đồng.

Khó kiểm soát việc thực hiện cam kết

Theo quy định, giá bán của doanh nghiệp Hà Nội tham gia bình ổn giá phải thấp hơn 5% giá thị trường. Tuy nhiên, tiêu chí ổn định giá này quá chung chung trong khi cơ chế xác định giá thị trường lại chưa có. Không ít người kể cả NTD lẫn doanh nghiệp đều băn khoăn, thắc mắc: Cơ sở nào hình thành nên giá thị trường để có “điểm mốc” để đưa ra so sánh. Bởi hiện tại, giá cả hàng hóa biến động từng ngày, các siêu thị lại áp dụng các khung giá khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi,  bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: So sánh với “thị trường” ở đây nghĩa là so sánh với nơi bán hàng trong cùng một hệ thống, so sánh với giá ở các trung tâm thương mại, các siêu thị khác. NTD không thể đem giá cả “chợ đen” với những hàng hóa trôi nổi ngoài thị trường để so sánh bởi giá ở các siêu thị lâu nay đều đắt hơn ở chợ”.

Tuy nhiên, kể cả việc so sánh với các siêu thị khác trong TP Hà Nội thì nhiều mặt hàng bình ổn còn cao giá hơn ở một số siêu thị khác. Ví dụ: Tại điểm bán hàng bình ổn 93 Lò Đúc (siêu thị Fivimart), một số loại như: Txanh Mỹ có giá 65.000 đồng/ kg; Táo đỏ Mỹ 62.000 đồng/ kg, Nếp cái hoa vàng: 23.100 đồng/kg; Tám thơm Thái Lan: 19.500 đồng/kg; Tám Hải Hậu: 23.200 đồng/kg;… Trong khi đó, giá tại siêu thị Big C tương đương là: 56.000; 50.900; 19.800; 17.600; 17.200 đồng... thấp hơn ít nhất 5% so với nơi đang thực hiện bình ổn giá thấp hơn thị trường.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội thì bỏ ra 250 tỷ đồng để bình ổn giá Tết là một việc khó khăn. Con số này chỉ hỗ trợ một phần để bản thân doanh nghiệp chủ động hơn trong việc dự trữ những mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, nhấn mạnh việc giám sát thực hiện cam kết luôn cần thiết và cần được đề cao để các doanh nghiệp không thể tự ý quyết định giá trong thời điểm thị trường đang nóng lên như hiện nay.

109 điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp Tết

Quận Ba Đình có 7 điểm: D2 Giảng Võ, Số 5 Lê Duẩn, C13 Thành Công, G3 Vĩnh Phúc, Tầng 1 chợ Bưởi, Siêu thị Fivimart số 10 Trấn Vũ, Siêu thị Fivimart 671 Hoàng Hoa Thám. Hàng hóa được bình ổn giá là thịt gia súc gia cầm, dầu ăn, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, rau củ quả, đường do Công ty Siêu thị Hà Nội và Công ty Cổ phần Nhất Nam cung cấp.

Quận Hoàn Kiếm có 9 điểm là: Số 35 Hàng Bông, Số 45 Hàng Bồ, Số 65 Cầu Gỗ, Số 102 Hàng Buồm, Số 7 Hàng Đường, Số 53 Hàng Giấy, Số 75 Trần Xuân Soạn, Siêu thị Fivimart 23 Lý Thái Tổ, Số 26 Lê Thái Tổ.

Quận Đống Đa gồm 8 điểm: Số 27 Huỳnh Thúc Kháng, Số 131 Hào Nam, Số 135 Lương Định Của, Số 9 - 11 ngõ Thổ Quan, Số 136 Tây Sơn, Số 57 Khâm Thiên.

Quận Hai Bà Trưng với 15 điểm: Số 198 Lò Đúc, E7 Bách Khoa, Số 284 Minh Khai, Hồ Đình (khu chung cư), E6 Quỳnh Mai, Số 51 Lê Đại Hành, Số 9 Lê Quý Đôn, Số 13 Hàn Thuyên, Số 476 Bạch Mai, Số 199 Lò Đúc, Số 22 Triệu Việt Vương, Số 82 Trương Định, Siêu thị Fivimart 93 Lò Đúc, Siêu thị Fivimart 163A Đại La, Số 27 Lạc Trung.

Quận Cầu Giấy có 6 điểm: Siêu thị Fivimart tầng 1, Khu chung cư cao tầng Trung Yên I, Khu đô thị Trung Yên, Trung Hòa, Siêu thị Fivimart D5 Nguyễn Phong Sắc, Siêu thị Fivimart 94 Hoàng Quốc Việt, Số 139 Cầu Giấy, Nhà A1 Tập thể Đồng Xa, Mai Dịch, Số 10 Trần Cung.

Quận Thanh Xuân chỉ có 2 điểm: C12 Thanh Xuân Bắc, B3A Nam Trung Yên.

Quận Hoàng MaiTây Hồ mỗi nơi chỉ có một điểm duy nhất là: Số 96 Định Công và Siêu thị Fivimart 51 Xuân Diệu.

Quận Long Biên 6 điểm: K3 Việt Hưng, Số 2 Sài Đồng, Số 26 Đức Giang, Số 622 Ngô Gia Tự, Số 349 Ngọc Lâm, A7 chợ Long Biên.

Thị xã Sơn Tây có 8 điểm tại chợ Nghệ, Quang Trung, Lê Lợi.

Huyện Từ Liêm 8 điểm: Số 136 Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn, chợ Phùng Khoang, chợ đầu mối Minh Khai, Đường 69 Đông Ngạc, Đường 70 Đại Mỗ, Số 34 phố Nhổn, chợ Canh, Xuân Phương, Siêu thị Fivimart lô CT4 Lê Đức Thọ.

Huyện Ứng Hòa có 8 điểm tại Vân Đình, Tân Phương, chợ Dầu và cầu Lão.

Huyện Đông Anh 4 địa điểm là D1 Kim Chung, chợ Bắc Thăng Long, chợ Cổ Loa.

Huyện Thanh Trì địa điểm duy nhất là cầu Bươu.

Huyện Gia Lâm 3 điểm: Số 2 Ngô Xuân Quảng, Số 176 Hà Huy Tập, Siêu thị Fivimart 583 Nguyễn Văn Cừ.

Huyện Thường Tín 3 điểm: Chợ Hà Vỹ, Thị trấn Thường Tín, Đại lý Tuấn Duyên.

Huyện Ba Vì có 2 điểm tại chợ Quảng Oai và Tản Lĩnh.

Huyện Chương Mỹ 3 điểm tại chợ Xuân Mai, chợ Gốt.

Huyện Mỹ Đức 3 địa điểm là cửa hàng Sáu Chiến, Thọ Sơn; cửa hàng Hùng Sơn, Chùa Hương; cửa hàng Chiến Lý, Đốc Tín.

Huyện Phúc Thọ 1 điểm ở chợ Gạch.

Huyện Phú Xuyên có 1 điểm ở chợ Lịm.

Huyện Hoài Đức 1 điểm tại chợ Sấu.

Huyện Thanh Oai 1 điểm là Nhà thi đấu Trung tâm Văn hóa thể thao.

Huyện Quốc Oai gồm 2 điểm đều ở chợ Phú
 

Bài, ảnh:Tiểu Phương

Bạn có nhận xét gì về thông tin trong bài viết này hay băn khoăn về giá cả các điểm bán hàng bình ổn Tết Canh Dần? Hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn