Phương pháp Yamabiko: 'Muốn trẻ siêng học đừng đưa ra những câu mệnh lệnh'

Đời sốngThứ Hai, 25/09/2017 08:00:00 +07:00

Thay vì những câu quát mắng, ra lệnh kiểu như: con ngồi vào bàn học đi/ làm bài ngay đi, viết bài cho đẹp, làm bài cho đúng…, thì bố mẹ hãy nói chuyện, đặt câu hỏi để dẫn dắt bé vào việc học một cách nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Phương pháp này đã được một thầy giáo Nhật Bản áp dụng rất thành công. Chỉ bằng những buổi trò chuyện như vậy ông đã giúp một câu bé “hư hỏng” theo như lời ông nội, lười biếng, không chịu học hành, hay xao nhãng trở nên chăm chỉ và tập trung hơn.

Vậy phương pháp Yamabiko là gì?

Yamabiko còn được gọi là phương pháp echo – tiếng vọng hay nhại lại, thuộc hệ thống giáo dục Shichida. Nó được sử dụng khi bố mẹ nói chuyện cùng con cái. Bố mẹ không đơn thuần chỉ lắng nghe, mà sẽ trả lời bằng cách nói lại những câu nói của trẻ rồi thêm vào những câu hỏi mang tính chất gợi mở để bé trả lời.


Trò chuyện với bé theo phương pháp Yamabiko để khơi gợi sự ham học hỏi của be

Điểm cốt lõi trong phương pháp này là bố mẹ sẽ không bao giờ sử dụng những câu nói mang tính chất áp đặt hay ra lệnh. Thay vào đó là lắng nghe con một cách chăm chú, thể hiện sự quan tâm bằng cách lặp lại những lời nói của trẻ. Tiếp đó, đặt thêm những câu hỏi để hiểu được tâm tư, tình cảm của con mình.

Khi thấy được sự quan tâm, lắng nghe chân thành, không áp đặt của bố mẹ, bé cảm thấy thoải mái và chia sẻ nhiều chuyện hơn. Đây cũng là một phương pháp hiệu quả để giúp bé rèn luyện khả năng suy nghĩ, diễn đạt rõ ràng.

Video: PGS Văn Như Cương dạy học sinh cách chữa bệnh lười

Áp dụng phương pháp Yamabiko để giúp trẻ tập trung vào việc học

Với những em bé thiếu tập trung, không hứng thú với việc học tập thì thay vì gắt gỏng, quát nạt, bố mẹ hãy áp dụng phương pháp này để giúp bé thay đổi từ từ. Để có thể tìm hiểu nguyên nhân cũng như khơi gợi tinh thần ham muốn học hỏi, hứng thú học tập, bố mẹ hãy sử dụng phương pháp Yamabiko để trò chuyện cùng con. Ví dụ:

Bố mẹ đưa ra câu hỏi: Tại sao con không làm bài tập?.

Con: Con không thích học.

Bố mẹ: Con không thích học à? Vậy con muốn làm gì?

Con: Con muốn chơi trò chơi.

Bố mẹ: Con muốn chơi trò chơi à. Vậy con thích chơi trò gì?

Con: Chơi trò siêu nhân.

Bố mẹ: Chơi trò siêu nhân. Sao con lại thích siêu nhân?

Con: Vì siêu nhân rất giỏi, rất mạnh mẽ, hay giúp đỡ người khác?

Bố mẹ: À con thích vì siêu nhân rất giỏi, hay giúp đỡ người khác. Vậy con biết vì sao siêu nhân giỏi như vậy không?


Bé sẽ giác học tập khi được sự khơi gợi, động viên một cách gián tiếp qua những cuộc trò chuyện với bố mẹ. Ảnh minh họa.

Cứ như vậy bố mẹ hãy dẫn dắt bé hướng đến việc phải học tập thật tốt mới có thể trở thành người giỏi giang, giúp đỡ được người khác như siêu nhân. Yếu tố quan trọng để trở thành “người” mà bé hâm mộ, yêu thích là sự ham học, sự tập trung…

Tùy những câu trả lời của bé mà bố mẹ có thể đưa ra những câu hỏi cụ thể để dẫn dắt bé thấy được sự quan trọng của việc học tập, dần dần tìm được sự tập trung.

Điều quan trọng trong việc áp dụng phương pháp này là bố mẹ cần có sự kiên trì và nhẫn nại. Đồng thời trong quá trình đó, bố mẹ cũng đừng quên khen gợi và động viên bé. 

Ban đầu sẽ rất mất rất nhiều thời gian để hướng bé đến việc học. Nhưng lâu dần bé sẽ hình thành được thói quen và tự động ngồi vào bàn học, hoàn thành bài tập của mình. Như vậy, bố mẹ không cần quát tháo, mắng mỏ mà bé vẫn vâng lời, tập trung vào nhiệm vụ của mình.

Thiên Vân
Bình luận
vtcnews.vn