Hóa giải những mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu thế nào?

Đời sốngThứ Hai, 20/05/2019 15:41:00 +07:00

Những thảm án đau lòng từ mối quan hệ “khác máu tanh lòng” gần đây gây nên những bi kịch gia đình tang thương.

Mâu thuẫn gia đình khiến con dâu đầu độc mẹ chồng

Đó là câu chuyện của Nguyễn Thị Chìa (SN 1976, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) mua thuốc diệt chuột về đầu độc bố mẹ chồng. Năm 19 tuổi, Chìa về làm vợ anh Nguyễn Văn Cang, người cùng xã. Chồng Chìa đi làm ăn xa. Bố mẹ chồng Chìa vốn khó tính. Chìa lại không khéo ăn, khéo nói nên ngay từ khi về làm dâu đã không có được cảm tình của bố mẹ chồng.

Do đó, cuộc sống giữa con dâu và mẹ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Cô thường bị mẹ chồng “nói bóng, nói gió” mắng chửi nhưng vì nghĩ đến các con nên Chìa âm thầm chịu đựng. Điều đáng nói là cô cũng không tâm sự với chồng mà cứ âm thầm chịu đựng một mình.

Những lần bị bố mẹ chồng lôi tên bố mẹ đẻ ra chửi đã khiến Chìa ôm hận trong lòng. Chìa đã mua sẵn 5 gói thuốc chuột giấu dưới bếp. Trong lúc nấu cơm cho bố mẹ chồng, Chìa nghĩ đây là cơ hội để ra tay trả thù nên đã lấy thuốc chuột bỏ vào nồi canh rau. Sau khi ăn, bố chồng của Chìa không qua khỏi, mẹ chồng may mắn thoát chết. Chìa đã bị tuyên án chung thân.

Trước đó, Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Nga (SN 1983 ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) về tội “Giết người”. Nạn nhân lại chính là mẹ chồng của Nga. Sau những mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu không thể giải quyết, Nga đã lén lấy nửa gói thuốc diệt chuột cho vào ca nước để “đầu độc” mẹ chồng.

Trường hợp con dâu đầu độc mẹ chồng không phải hiếm. Đã có nhiều trường hợp chỉ vì mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu không giải tỏa được mà gây ra những thảm án đau lòng. Vì bi kịch gia đình xảy đến khi mẹ chồng ngày càng cay nghiệt, mà Nguyễn Thị Bích (ở Sơn La) đã lấy mạng mẹ chồng bằng 33 nhát dao.

Theo chia sẻ của cô, ngoài việc bắt con dâu phải làm việc quần quật ở ngoài đồng, bà còn thường xuyên chửi bới, đay nghiến con dâu, có lúc còn lôi cả bố mẹ cô ra mà chì chiết tội không biết dạy con. Ba năm làm dâu là ba năm cô ngậm đắng cay, không dám cãi mẹ nửa lời.

Nỗi uất ức ấy cứ lớn dần trong cô con dâu trẻ và cái ngày nó bung phát ra ngoài cũng đến. Khi cô vừa xuống bếp thì bị mẹ chồng tiếp tục vô cớ gây sự. Không còn làm chủ được bản thân, thấy con dao trên bếp, cô lấy xuống và đâm vào người mẹ chồng. Sau đó, khi mẹ chồng ngã xuống cô còn lấy chiếc chày gỗ đập nhiều nhát vào người mẹ chồng. Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Sơn La đã thực hiện lệnh bắt và khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Bích về tội “Giết người”.

Giải quyết bằng cách nào?

Về quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong xã hội hiện đại trong cuốn gia đình học của tác giả Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý đã đề cập tới vấn đề này. Tất cả sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình đều không phải ngẫu nhiên mà đều có cơ sở là quan hệ huyết thống và sự lựa chọn nhau.

Ở đây quan hệ mẹ chồng nàng dâu lại không dựa trên cơ sở đó. Họ không cùng huyết thống cũng chẳng được lựa chọn nhau song vẫn phải gắn bó vì một người “ở giữa” – đó là con trai và người chồng của họ.

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu bắt nguồn từ nhiều nhân tố khác nhau. Một phần do sự khác biệt giữa hai thế hệ, hai quan điểm sống. Mà trên hết là sự thiếu quan tâm chăm sóc nên các thành viên thấy không có yêu thương, cảm thông khi sống cùng một mái ấm gia đình.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, những vụ án đau lòng như trên cho thấy những hành động dại dột, vi phạm pháp luật đó là do mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm khiến họ không kiểm soát được hành vi của mình.

Vấn đề “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu không phải chỉ bây giờ mà từ xưa đã tồn tại. Để giữ hòa khí khi sống chung là cả một nghệ thuật. Điều quan trọng là cần phải học cách tôn trọng, nhường nhịn và quan tâm đến nhau. Mỗi người nên bớt đi tính ích kỷ, cái tôi cá nhân. Quan hệ mẹ chồng, nàng dâu nếu không biết tự vượt qua cái tôi của chính mình rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn lớn từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Thứ nhất, với mẹ chồng cần có cái nhìn thiện cảm hơn với con dâu, cần thông cảm và chia sẻ với con dâu để mẹ con có thể hiểu nhau.

Thứ hai, nàng dâu hãy biết san sẻ giúp đỡ mẹ chồng, quan tâm đến sức khỏe của mẹ chồng, phải biết tính cách, sinh hoạt của mẹ chồng, không thể ép mẹ chồng thay đổi thói quen đã nhiều năm. Thường xuyên nói chuyện với mẹ chồng cũng là bí quyết để cải thiện mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Qua đó bạn có thể biết được những sở thích, thói quen của bà và cả những điều mẹ chồng đang mong đợi ở con dâu để tìm cho mình cách sống hòa hợp.

Hãy để mẹ chồng hòa nhập vào cuộc sống của mình. Không nên giải tỏa cảm xúc bằng thái độ bất cần, thách thức. Nàng dâu lúc nào cũng cho rằng mình đúng, mình giỏi, mình hiểu biết mà không tôn trọng ý kiến của mẹ chồng thì cuộc sống cũng sẽ có lúc không thuận.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng, khi mâu thuẫn có nhiều người chọn cách im lặng hoặc cứ vâng dạ cho quan chuyện còn “mình làm cứ làm” là điều không nên. Sự nín nhịn sẽ tích tụ lại trong lòng thành quả bom nổ chậm để có thể bùng phát khi có một vấn đề bức xúc nào đó. Hãy tìm lối thoát cho mình tránh sống trong ức chế. Một khi “giọt nước tràn ly” không làm chủ được bản thân sẽ có những hành động sai lầm, gây ra những thảm án mà người trong cuộc không mong muốn.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cách tốt nhất vẫn là nên sống riêng để giảm bớt những mâu thuẫn có thể gặp phải trong quá trình chung sống. Còn nếu không thể sống riêng và bắt buộc thì cần hài hòa.

Đặc biệt, người chồng trong gia đình cũng là người đóng vai trò vô cùng quan trọng để cân bằng mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Người chồng đừng tỏ ra mình là người vô can để mặc cho hai người phụ nữ tự xoay sở mối quan hệ của mình. Phải là người làm làm cầu nối giữa hai người phụ nữ từ xa lạ xích lại gần nhau hơn. Một khi lấy vợ về chỉ biết đến vợ, yêu chiều vợ mà bơ mẹ đi thì việc mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ắt sẽ xảy ra.

(Nguồn: giadinh.net.vn)
Bình luận
vtcnews.vn