Giá điện tăng cao bất thường, EVN đưa ra phương án tính giá mới

Kinh tếThứ Năm, 17/09/2015 08:41:00 +07:00

Trên website của EVN vừa đưa ra Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện để lấy ý kiến người dân với 3 phương án.

(VTC News) - Trên website của EVN vừa đưa ra Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện để lấy ý kiến người dân với 3 phương án.

Phương án 1, giữ nguyên 6 bậc thang tính giá điện như hiện hành. Phương án 2, quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá). Một mức biểu giá bán điện sinh hoạt (đồng giá) là 1.747 đồng/kWh, đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành. Và phương án 3 là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc.

Phương án giá điện mới của EVN
Phương án giá điện mới của EVN 
Theo EVN, đối với phương án đồng giá các hộ sử dụng dưới 240 kWh/tháng sẽ bị tác động tăng tiền điện phải trả hàng tháng, trong đó mức tác động thay đổi theo mức độ sử dụng điện của các hộ, hộ bị tác động cao nhất là hộ sử dụng 100 kWh/tháng, sau đó mức tăng giảm dần và điểm hòa không bị tác động là sử dụng 240,3 kWh/tháng. Các hộ sử dụng trên 240 kWh/tháng là các hộ được hưởng lợi càng sử dụng nhiều điện càng được lợi do các mức giá tại biểu giá điện hiện hành từ 200 Kwh trở lên có mức giá cao hơn mức đồng giá.


Đi theo đồng giá, bước đầu có thể khó khăn do tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp do vậy cần tính toán cụ thể. Áp lực tiết kiệm điện của phương án đồng giá không cao bằng giá bậc thang mặc dù người tiêu dùng cũng phải tự tính toán về tiền điện thanh toán.

Trong các phương án giá điện mới của EVN, phương án rút gọn biểu giá sinh hoạt bậc thang xuống 3 bậc hoặc 4 bậc với số kWh ở mỗi bậc thang theo các kịch bản như sau:

Kịch bản 1: bậc 1 là 50 kWh, bậc 2 từ 250 kWh, bậc 3 từ trên 300 kWh. Tương ứng kịch bản 2 là 100, 200 và trên 300 kWh. Kịch bản 3 là 150, 150 và trên 300 kWh. Kịch bản 4 là 200, 200 và trên 400 kWh. Kịch bản 5 gồm 4 bậc là 50, 150, 200, trên 400 kWh

EVN phân tích: Ưu điểm của phương án giá điện mới của EVN thứ 3 này là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn, sử dụng càng ít điện sẽ được thanh toán tiền điện ở các mức giá thấp hơn. Mặt khác còn góp phần thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với những người sử dụng ít điện và khả năng chi trả thấp, đặc biệt là đối với kịch bản 1, 2 và 5.

Về nhược điểm, việc ghi chỉ số tác động đến thanh toán tiền điện với số kWh ở nấc thang cao hoặc vào mùa nắng nóng sử dụng nhiều điện thì tiền điện thanh toán có tốc độ tăng cao hơn lượng điện sử dụng gây hiểu lầm là do ghi chỉ số sử dụng điện không chuẩn xác. Điều này tạo dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Khi rút gọn còn 3 bậc thang hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại này vẫn còn hiện hữu.

Từ các phân tích trên, EVN kiến nghị cần cân nhắc, tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý, các hiệp hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và khách hàng trước khi kiến nghị thực hiện theo phương án 3 rút gọn biểu giá điện xuống còn 3 bậc thang kịch bản 2 hoặc 4 bậc thang kịch bản 5.

Giá điện hiện đang là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay, vì vậy các phương án tính giá điện phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch và người dân phải thấy được những ưu điểm của cách tính mới này.

Hiện cách tính giá điện của EVN đang khiến nhiều người dân bức xúc, cụ thể, dù tháng 8 thời tiết khá mát mẻ, nhưng nhiều khách hàng vẫn rất bất ngờ với việc hóa đơn tiền điện bỗng dưng nhảy vọt, thậm chí cao hơn hẳn so với các tháng nóng nhất của mùa hè.

Anh X.Nam (phố Vọng, quận Hai Bà Trưng)cho biết, các tháng mùa hè, trẻ con ở nhà, điều hòa bật nhiều nhưng tiền điện cũng chỉ hơn 1,6 triệu đồng. Tháng 8 dùng điều hòa ít hẳn do trời mát nhưng tiền điện lại nhảy vọt lên hơn 2,1 triệu đồng. Các thiết bị điện khác ở nhà chỉ dùng ít hơn chứ không nhiều như các tháng trước.

Dù giá điện tăng hồi đầu năm và hàng loạt hoá đơn điện tăng bất thường, nhưng mới đây EVN tiếp tục làm dư luận xôn xao khi kêu lỗ 2.000 tỷ đồng.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc lý giải: "EVN vay vốn bằng ngoại tệ nên tăng tỷ giá như vừa qua sẽ ảnh hưởng ngay trực tiếp đến giá thành và chi phí đầu tư".

Tổng ước tính các khoản chênh lệch tỷ giá của EVN lên tới 12.040 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2.040 tỷ đồng là lỗ tỷ giá ảnh hưởng đến giá thành sản xuất kinh doanh ngay trong năm nay và 10.000 tỷ đồng là khoản chênh lệch tỷ giá của các khoản vay dài hạn nên sẽ ảnh hưởng trong tương lai.

Ông Tri liệt kê, từ đầu năm đến nay, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng đến các khoản nợ ngắn hạn, phải trả nợ ngay của EVN là khoảng 240 tỷ đồng. Ngoài ra, giá khí để phát điện cũng được mua bằng đồng USD nên tỷ giá tăng cũng khiến chi phí EVN mua điện từ các nhà máy chạy khí sẽ tăng lên. Ước tính, năm 2015, chi phí mua điện của EVN tăng lên là 1.800 tỷ đồng vì rủi ro tỷ giá.

Như vậy, tổng cộng các khoản chênh lệch tỷ giá mà EVN phải hạch toán ngay vào giá thành trong năm nay là hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngọc Vy(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn