‘Giá điện của Việt Nam đang quá rẻ so với khu vực’

Kinh tếThứ Năm, 13/04/2017 14:34:00 +07:00

Giá bán điện Việt Nam hiện nay đang rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với giá điện trên thị trường thế giới và khu vực.

Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là xu thế tất yếu đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn không hào hứng đầu tư vào các dự án điện NLTT ở Việt Nam vì lo ngại tính minh bạch và giá bán điện thiếu tính cạnh tranh. Hiện tại, có nhiều ý kiến cho rằng giá điện Việt Nam đang quá rẻ so với khu vực.

Bà Vũ Chi Mai, cán bộ cao cấp của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đơn vị trực tiếp tham gia tư vấn về xây dựng giá điện cạnh tranh cho Bộ Công thương cho rằng để giải quyết được thực trạng trên, Việt Nam cần phải quy hoạch lại giá điện theo giá thị trường.

- Bà đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển NLTT (gió, năng lượng mặt trời...) của Việt Nam hiện nay?

Tiềm năng NLTT của Việt Nam là rất lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và của Viện Năng lượng, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thì Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nguồn NLTT.

Theo số liệu của GIZ, tiềm năng lượng gió ở độ cao trên 80m sẽ cho sản lượng là 27.000 MW.

Còn đánh giá của cơ quan phát triển Tây Ban Nha và của WB thì tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời của Việt Nam là 130.000 MW.

Nếu Việt Nam phát triển hai nguồn năng lượng gió và mặt trời thì với tình hình chi phí đầu vào như hiện nay, câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam không phát triển năng lượng tái tạo.

Hinh anh

Bà Vũ Chi Mai cho rằng để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thì Việt Nam cần phải quy hoạch lại giá điện.

Hiện nay, trên thế giới, công nghệ năng lượng truyền thống ngày càng giảm. Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến môi trường và nguy cơ đảm bảo an ninh năng lượng ngày càng tăng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống phải nhập.

Tất cả những hạn chế trên là nhu cầu đòi hỏi phải thay đổi tư duy, cách làm về năng lượng. Và phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu năng lượng chính là đòi hỏi bức thiết.

- Bà hãy cho biết những thách thức của Việt Nam khi phát triển nguồn NLTT là gì?

Thách thức đầu tiên theo tôi là do dư luận và truyền thông hiểu chưa đúng về bản chất giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Bây giờ hễ cứ nghe nói đến năng lượng tái tạo là nghĩ ngay đến điện của nguồn điện từ NLTT sẽ rất đắt.

Theo đánh giá của GIZ, trong dự án hỗ trợ Bộ Công thương và trong đề án nghiên cứu năm 2014, chúng tôi đánh giá rằng nếu Việt Nam phát triển được khoảng 1000 MW điện gió thì lúc đó giá thành sẽ khác. Bởi vì mức đầu tư cũng như sản lượng điện sinh ra nhiều, lúc đó giá thành điện gió sẽ không còn đắt nữa.

 
Giá điện Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá điện trên thị trường thế giới và khu vực.

Bà Vũ Chi Mai, cán bộ cao cấp của GIZ

Nhưng để phát triển 1000 MW điện gió thì mức đầu tư ở thời điểm đầu tiên vẫn luôn là cao nhất. Trong khi đó, hiện nay Nhà nước vẫn nói là không thể hỗ trợ được phát triển NLTT vì chi phí quá đắt.

Tuy nhiên, theo chúng tôi tính toán, để bù được mức chênh lệch giữa mức giá điện từ NLTT và điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) hiện nay thì Nhà nước hoàn toàn có thể dựa vào chính sách để điều chỉnh. Cụ thể, mỗi hộ dân chỉ cần trả 5 đồng/kWh thì Việt Nam đã có một thị trường NLTT rồi. Số tiền bù giá 5 đồng/kWh này sẽ được cộng vào giá bán điện.

Ví dụ như hiện nay khi một gia đình tiêu thụ điện năng cho sinh hoạt, giá khởi điểm ví dụ là 2.500 đồng, vậy để phát triển năng lượng điện gió thì chỉ cần trả thêm 5 đồng/kWh. 5 đồng cộng dồn vào 2.500 đồng kia thực ra cũng chẳng sao cả.

- Khi giá điện tăng thêm 5 đồng/kWh cũng đồng nghĩa với việc sẽ kéo theo chi phí của các ngành sản xuất khác tăng theo, chưa nói đến có thể gặp phải sự phản ứng của dư luận. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Ai cũng biết là giá điện Việt Nam hiện nay là đang quá thấp so với khu vực. Vậy tại sao lại không thể tăng?

Như nhiều chuyên gia kinh tế và năng lượng vẫn nói, trong thời gian sắp tới, nhu cầu về tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ rất nhiều, nên Việt Nam cần phải có thêm nhiều nguồn cung, cần thêm nhiều nhà máy điện nữa. Nhưng hiện nay Nhà nước không có nhiều tiền để đầu tư vào những dự án này nữa.

Nên bài toán đặt ra lúc này là muốn phát triển các dự án năng lượng thì cần phải kêu gọi nguồn vốn đầu tư của nước ngoài. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là đầu tư của nước ngoài họ cũng chỉ bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam khi mà họ thấy giá điện của thị trường Việt Nam tăng lên, tương đương với mức giá bán điện trên thị trường thế giới.

Giá bán điện Việt Nam hiện nay đang rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với giá điện trên thị trường thế giới và khu vực. Nên đó là điều mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại, khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phát triển năng lượng ở Việt Nam sẽ bị lỗ.

- Đó là ý kiến từ góc nhìn của nhà đầu tư và của nhà nước. Còn ở góc nhìn của người tiêu dùng thì có vẻ họ không chấp nhận việc giá điện tăng lên và thực tế có thể họ cũng chưa thực sự hài lòng về giá điện hiện nay. Có gì mâu thuẫn ở đây chăng?

Rõ ràng là câu chuyện truyền thông nói riêng và của dư luận nói chung đều có một điểm chung: cho đến nay

mọi người vẫn chưa thực sự hiểu đầy đủ về NLTT. Mặc dù trong thời gian vừa qua, NLTT ở Việt Nam đã có những dấu hiệu phát triển khá tốt và EVN Việt Nam đã làm được những việc rất hiệu quả. Nhưng nhìn chung, vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi từ người tiêu dùng.

Như tôi đã nói, trong thời gian tới do kinh tế phát triển nóng nên nhu cầu về năng lượng điện của Việt Nam cũng tăng theo. Chúng ta cần phải có thêm nhiều nhà máy sản xuất điện, nhiều nguồn cung cấp hơn nữa. Và tất nhiên, cần phải có cả vốn đầu tư từ nước ngoài. Nhưng muốn có vốn đầu tư nước ngoài thì chúng ta cũng cần phải đáp ứng được một số yêu cầu của họ.

Một trong những yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài là họ đòi hỏi Việt Nam cần phải có một thị trường đầu tư minh bạch. Nên EVN với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước sẽ phải từng bước minh bạch hóa để hình thành nên một thị trường giá điện cạnh tranh.

- Thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam thấp hơn thu nhập của các nước, nên xét theo tương quan này thì giá bán điện của Việt Nam hiện nay là vẫn đang ở mức cao?

Thực ra không thể nói là giá bán điện Việt Nam hiện nay là quá cao được, nếu so với mặt bằng chung của giá bán điện trên thế giới. Ngay như so với khu vực Đông Nam Á thôi, giá bán điện của chúng ta vẫn đang thấp rất nhiều. Ví dụ như so với giá bán điện của Philippines, thì hiện nay giá bán điện của họ là 20 cent, trong khi giá bán điện của Việt Nam chỉ bằng 1/3, tức là từ 6 – 6,8 cent.

Việt Nam có một lợi thế là nhờ thế mạnh thủy điện mà làm cho giá bán điện truyền thống giảm. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng thủy điện hiện nay của Việt Nam không còn khả năng để phát triển nữa. Do vậy cần thêm những nguồn năng lượng khác nữa. Mà những nguồn năng lượng khác này tất nhiên sẽ có giá khác, chi phí sẽ cao hơn so với thủy điện.

Rõ ràng là người tiêu dùng khi thấy được các vấn đề về sức khỏe, môi trường thì họ sẽ thay đổi cách nghĩ ngay thôi. Tôi không nghĩ người dân trong thành phố mà lại ngần ngại trả thêm 5 đồng để sử dụng sản phẩm điện từ nguồn NLTT. Lấy ví dụ như nhà tôi, mỗi tháng gia đình tôi sử dụng hết 400 Kwh. Bây giờ trả thêm 5 đồng, tức 400kWh số nhân với 5 đồng cũng chỉ thêm có 2000 đồng thôi, không đáng kể.

Cái mà Việt Nam cần làm lúc này là cần minh bạch hóa giá bán điện và tạo ra một thị trường giá bán điện mang tính cạnh tranh. Minh bạch hóa cũng là để cho người dân hiểu bản chất của giá điện. Cũng nhờ minh bạch hóa mà Nhà nước mới biết cái gì cần hỗ trợ và cái gì không cần hỗ trợ vì Nhà nước không thể lúc nào cũng hỗ trợ được.

Còn về phía người dân thì sao? Họ sẽ phải đặt mình giữa hai lựa chọn: hoặc là một bên sức khỏe tốt, năng lượng sạch, môi trường thân thiện, phát triển bền vững và một bên là sử dụng điện từ thủy điện?

Có thể giá bây giờ giá điện từ thủy điện còn rẻ đôi chút, song đổi lại phải đối mặt với những thảm họa như lũ lụt ở miền Trung vừa rồi hoặc như mấy nhà máy điện than, khi xảy ra những trục trặc, sự cố gì đó thì người dân lại phải đối mặt với những tác động như ô nhiễm môi trường, sức khỏe suy giảm, vậy chọn bên nào?

Cộng đồng muốn chia sẻ đó không? Tôi nghĩ là cộng đồng và dư luận sẵn sàng chia sẻ điều đó và sẽ chung tay để thực hiện cải thiện điều đó.

- Xin cảm ơn bà.

Video: Giá điện sắp tăng

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn