Giá dầu giảm mạnh khi EU nới lỏng trừng phạt năng lượng Nga

Thời sự quốc tếThứ Ba, 10/05/2022 09:16:14 +07:00
(VTC News) -

Giá dầu giảm mạnh nhất trong hơn 5 tuần trở lại đây trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng một số biện pháp trừng phạt được đề xuất đối với năng lượng Nga.

Hôm 10/5, Bloomberg đưa tin giá dầu West Texas Intermediate (WTI) tiếp tục giảm xuống dưới 103 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch tại châu Á sau khi giảm khoảng 6% vào ngày 9/5. 

Trong khi đó, EU dự định hủy bỏ lệnh cấm được đề xuất đối với các tàu vận chuyển dầu thô từ Nga thuộc sở hữu của khối này do lệnh vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên, trong đó có Hy Lạp. 

Giá dầu giảm mạnh khi EU nới lỏng trừng phạt năng lượng Nga - 1

Giá dầu thế giới giảm mạnh nhất trong hơn 5 tuần trở lại đây. (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi Nga tiến hành chiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, thị trường dầu đã trải qua một giai đoạn đầy biến động. 

Hiện EU vẫn đang tranh luận về gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moskva. Các nhà ngoại giao từ nhiều nước đang cố gắng vượt qua sự phản đối của Hungary đối với đề xuất cấm dầu thô của Nga. Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, EU đã đạt được một số bước tiến về vấn đề này trong các cuộc hội đàm gần đây.

Để giải quyết vấn đề, EU được cho là đã đề nghị những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu của Nga như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech hoãn thực hiện các lệnh trừng phạt cho đến nửa cuối năm 2024.

Tuy nhiên, Hungary vẫn chưa bị thuyết phục do các lo ngại về khủng hoảng năng lượng. Thủ tướng Hungary Victor Orban đã gọi lệnh cấm dầu là "quả bom hạt nhân" đối với nền kinh tế nước này.

Hôm 8/5, Ngoại trưởng Szijjarto nói: "Đến nay chúng tôi đã bỏ phiếu thuận cho tất cả gói trừng phạt, nhưng gói mới nhất này sẽ tàn phá an ninh năng lượng của Hungary".

Gói trừng phạt thứ năm nhằm vào Nga được EU đưa ra vào ngày 8/4. Theo đó, gần 3.000 tàu Nga bị cấm vào các cảng của châu Âu. Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn được phép đưa ra các ngoại lệ liên quan đến thực phẩm, vận chuyển y tế hoặc nhập khẩu năng lượng. 

Một nguyên nhân khác khiến thị trường dầu bất ổn là đợt dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Để ngăn dịch bệnh lây lan, chính quyền Bắc Kinh tiến hành nhiều đợt phong tỏa, gây áp lực cho nền kinh tế nước này. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cảnh báo về tình hình “phức tạp và nghiêm trọng” khi Bắc Kinh và Thượng Hải thắt chặt các biện pháp chống dịch.

Trần Trang(Nguồn: Bloomberg)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp