Giả danh cán bộ điều tra đe dọa, chiếm đoạt tài sản nhiều công chức ở Quảng Ninh

Pháp luậtThứ Tư, 25/07/2018 15:15:00 +07:00

Nhiều cán bộ công chức ở Quảng Ninh bị kẻ lạ giả danh cán bộ công an, gọi điện đe doạ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sáng 25/7, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây, nhiều cán bộ công chức và người dân trên ở TP Hạ Long bị kẻ lạ giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện đe dọa, yêu cầu cung cấp các thông tin bí mật cá nhân… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

Giả danh đại úy công an

Điển hình, hồi 9h40’ ngày 11/7, anh Hoàng Ngọc Tú - Phó Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh nhận được một cuộc điện thoại đến số máy để bàn của cơ quan với nội dung thông báo có bưu phẩm gửi theo đường bưu điện chưa nhận, để biết rõ thêm chi tiết ấn số 9.

Anh Tú làm theo hướng dẫn và được kết nối với một số điện thoại khác, thông báo: "Vào ngày 18/6/2018, có người tên là Nguyễn Huy Hoàng (ở Bưu chính Viễn thông số 3, Mạc Cửu, phường 13, Quận 5, TP Hồ Chí Minh) gửi cho anh Tú 1 bưu phẩm, bên trong chứa 1 thẻ ngân hàng BIDV.

chi-tran-thi-lan-bi-doi-tuong-ten-thanh-goi-dien-lua-dao-yeu-cau-nop-1.500.000-dong

Một nạn nhân nhận được cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu nộp 1.500.000 đồng. 

Do quy định không được gửi thẻ ngân hàng theo đường bưu điện nên Bưu điện đã trình báo với cơ quan Công an. Công an TP.HCM đã xác nhận thẻ BIDV số tài khoản 12007635926825, chứa 6 tỷ đồng được cấp tại ngân hàng BIDV số 119 đường Hậu Giang, phường 5, quận 6, TP.HCM do anh Hoàng Ngọc Tú làm chủ, là đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy do cơ quan Công an đang điều tra.

Nếu anh Tú không phải là người có thông tin như trên thì gọi điện cho Công an TP.HCM để báo cáo việc bị mạo tên hoặc bưu điện sẽ kết nối cuộc gọi luôn cho Công an TP.HCM để anh Tú trình bày".

Do cuộc điện thoại có nhiều thông tin liên quan đến cá nhân, nên anh Tú đồng ý kết nối cuộc gọi. Sau khi kết nối, đầu dây bên kia xưng tên là Đại úy Phạm Anh Tuấn, số hiệu 168.039, Đội 6, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM.

“Đại úy công an” nói trên đề nghị anh Tú cung cấp tên và số CMND, thông báo cho anh Tú biết anh có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, trong đó có đối tượng Nguyễn Huy Hoàng và 20 hồ sơ trong những vụ lừa đảo, làm thẻ mạo danh từ Ngân hàng, trong đó có 1 tài khoản BIDV chứa 6 tỷ đồng đang được sử dụng mang tên Hoàng Ngọc Tú.

Ngoài ra, anh Tú cho biết: “Đại úy công an” còn hỏi tôi có biết 2 người là Lê Thị Bích Như và Nguyễn Như Long là nhân viên ngân hàng được trả 200 triệu đồng để làm thẻ ngân hàng không, yêu cầu tôi phải nêu rõ hiện có mấy tài khoản ngân hàng, số dư tài khoản ngân hàng là bao nhiêu, có sổ tiết kiệm, tiền mặt hay bất động sản khác không?

Do thấy người gọi điện hỏi về tài sản, tài khoản ngân hàng, tôi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên trả lời chỉ dùng 1 tài khoản ngân hàng để trả lương hàng tháng, chỉ có 400.000 đồng trong tài khoản, ngoài ra không có tài sản gì khác. Người gọi điện nói sẽ ghi nhận thông tin để tiếp tục điều tra và ngắt điện thoại”.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, anh Tú đã lên cơ quan Công an trình báo.

3 cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo cũng bị ‘hành’

Không chỉ mình anh Tú nhận được cuộc điện thoại trên, vào ngày 12/7, 3 cán bộ của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng nhận được cuộc gọi vào số máy bàn của cơ quan với nội dung tương tự có liên quan đến đối tượng Nguyễn Huy Hoàng trong đường dây buôn bán trái phép chất ma túy.

anh-nguyen-huy-long-pho-truong-phong-ke-hoach-tai-chinh-so-gddt-tinh-quang-ninh-dang-lam-viec-thi-nhan-duoc-cuoc-dien-thoai-la

Anh Nguyễn Huy Long, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT ghi lại thông tin từ cuộc điện thoại lừa đảo 

Anh Nguyễn Huy Long, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Khi nhận cuộc gọi, tôi thấy nhiều thông tin liên quan đến bản thân nên vẫn tiếp tục lắng nghe và đang đọc số chứng minh nhân dân thì có ông Sơn phòng bên cạnh sang bảo "tôi là bị lừa đấy” nên tôi đã cúp máy ngay. Ông Sơn cũng đã nhận được một cuộc điện thoại với nội dung như thế cách đây 1 ngày”.

Đại úy Nguyễn Hoa Lương - Phó Đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh cho biết: “Để làm người nghe tin, chúng sử dụng ngôn ngữ điều tra của công an, tạo bối cảnh gọi báo Tổng đài Tổng cục cảnh sát để thông tin về vụ án.

Bằng hình thức giả danh nhân viên bưu điện và công an như trên, tội phạm sẽ chiếm đoạt thông tin cá nhân của người nghe điện thoại, có thể sử dụng để làm giấy tờ ngân hàng, mở thẻ tài khoản… từ tên người cung cấp thông tin”.

Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo: Khi nhận được điện thoại của người lạ đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, tiền gửi mở tại ngân hàng với lí do có liên quan đến hoạt động tội phạm như buôn bán ma túy, rửa tiền, tham nhũng… yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản khác để kiểm tra, xác minh, giám định thì cần xác định ngay đây là thông tin giả mạo.

Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát không xác minh đối tượng bằng cách gọi điện mà sẽ có giấy mời hoặc triệu tập cụ thể. Cơ quan Công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội.

Người dân cần lưu ý tất cả số điện thoại giả mạo theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số vì chúng được thực hiện qua mạng internet. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này.

Để tránh bị mắc bẫy, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ, nơi làm việc, thông tin tiền gửi, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ sử dụng vào mục đích gì.

Khi gặp tình huống nghi bị lừa đảo, người dân không chuyển tiền ngay mà kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ  tội phạm.

Nếu đã chuyển tiền thì liên hệ ngay với ngân hàng nơi gửi để phong tỏa tài khoản, ngăn chặn kịp thời thiệt hại xảy ra. Khi phát hiện cá nhân, tổ chức nào có biểu hiện hoạt động lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn