Giá cước vận tải không giảm, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lên tiếng

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Năm, 01/10/2015 06:52:00 +07:00

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã thông tin xung quanh việc giá cước vận tải, taxi, thực phẩm chưa điều chỉnh tương ứng

(VTC News) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã thông tin xung quanh việc giá cước vận tải, taxi, thực phẩm chưa điều chỉnh tương ứng với việc giảm giá xăng đã kéo dài.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong 10 năm qua. Đây là diễn biến tiếp theo khi mà hai năm qua, nhiều tháng lạm phát xuống rất thấp so với thường lệ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông tin trong buổi họp báo Chính phủ chiều 1/10 (Ảnh: Phạm Thịnh)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông tin trong buổi họp báo Chính phủ chiều 1/10 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Trả lời về vấn đề này, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục giảm mạnh.

“Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng thấp, tuy nhiên, không có biểu hiện giảm phát mà còn có lợi cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trên thực tế, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh: Tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,1% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,3%). Tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước: tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước (cùng kỳ các năm 2011: 6,03%; 2012: 5,1%; 2013: 5,14%; 2014: 5,53%)”, ông Nên thông tin.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có một số biện pháp hành chính nhưng tình trạng giá hàng hóa, đặc biệt là giá cước vận tải, taxi, thực phẩm chưa điều chỉnh tương ứng với việc giảm giá xăng đã kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin theo quy định pháp luật về quản lý giá, cước vận tải hành khách tuyến cố định, cước vận tải hành khách bằng taxi, cước vận tải bằng xe buýt thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá.

Đối với các mặt hàng này, cơ quan chức năng theo thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá và có những điều chỉnh phù hợp với biến động giá xăng dầu trên thị trường.

“Tuy nhiên, biến động giá xăng dầu còn ảnh hưởng đến một số mặt hàng khác liên quan đến đời sống của đông đảo nhân dân, các cơ quan chức năng đang chỉ đạo xem xét mức độ ảnh hưởng để có những kiến nghị điều chỉnh các quy định về quản lý giá cho phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.
Thời gian qua, giá xăng giảm nhưng giá cước taxi, vận tải hành khách, thực phẩm... lại không giảm tương ứng
Thời gian qua, giá xăng giảm nhưng giá cước vận tải, thực phẩm... lại không giảm tương ứng 

Thời gian vừa qua, một số ý kiến lo ngại lãi suất huy động tăng do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá có thể dẫn đến tăng lãi suất cho vay, đi ngược với chủ trương tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông tin, trước những biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỷ giá 1% và nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%.

“Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, phù hợp, hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài. Tuy nhiên, do lạm phát đang ở mức thấp, để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin.

Thực tế mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định sau khi điều chỉnh tỉ giá và so với cuối năm 2014 đã giảm khoảng 0,2-0,5%/năm.

Từ nay đến cuối năm và đầu năm 2016, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước, có đối sách, giải pháp phù hợp, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn