Ghi chép từ Nam Phi

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 05:46:00 +07:00

World Cup 2010 đã qua đi, nhưng những câu chuyện về hậu trường của các cầu thủ vẫn luôn là đề tài nóng bỏng để các fan hâm mộ tò mò muốn tìm hiểu...

Tôi chỉ cách Rooney 2 bước chân

Với NHM Việt Nam thì đội tuyển Anh của HLV Capello có một giá trị đặc biệt. Chính vì thế ngay từ khi chuẩn bị sang Nam Phi tôi đã mơ ước được mục kích những Rooney, Gerrard, Beckham…

Và tôi đã toại nguyện khi được xem các cầu thủ Anh tập luyện, rất gần, tới mức có thể bắt tay được với những cầu thủ vốn chỉ được xem qua TV.

 

 

ĐT Anh - VIP hơn tôi tưởng

Hôm trước, tôi cùng mấy anh em trong đoàn tác nghiệp của VTC cũng đã “đi săn sư tử” Anh nhưng đi được  đến nửa đường, chừng 70km thì nghe thông tin cấp báo là thầy trò Capello không tập, vì hôm đó, ĐT Anh được xả trại đi safari. Thế là chúng tôi quay về.

Sáng hôm qua, nhìn lịch luyện tập mà trung tâm báo chí (IBC) phát cho các phóng viên chúng tôi biết chắc chắn ĐT Anh sẽ luyện tập vào lúc 10h30 sáng. Thế là cả đoàn không kịp ăn sáng, nhao ngay lên xe để lên đường

ĐT Anh đóng quân ở Royal Bafokeng Sports Campus, cách điểm trú chân của VTC 120 km. Đó là một chặng đường dài và khá phức tạp, anh lái xe của Đại sứ quán phải dò đường bằng thiết bị định vị GPS. Sau hơn 1 giờ thì tới thành phố Royal Bafokeng. Hỏi đường đến sân Royal Bafokeng, qua 3 cổng an ninh, trình thẻ, xin xỏ thì được vào sân. Thế nhưng cả đoàn phóng viên của VTC sửng sốt khi nhận ra trong sân không một bóng người. Chúng tôi quay lại, hỏi thăm tình nguyện viên thì được họ cho biết  là tuyển Anh tập cách Royal Bafokeng 4km.

Một lần nữa chúng tôi vội vã xách đồ nghề lên đường. Đúng là thầy trò Capello được bảo vệ hơn cả VIP. Chúng tôi phải trải qua 5 cửa an ninh, kiểm tra thẻ, hộ chiếu, kí xác nhận qua được 4 cổng. Đến cổng thứ 5 thì bị soát đồ như ở sân bay. Sau 5 cổng, cả đoàn vào được bãi đậu xe.

Khu Royal Bafokeng Sports Campus được Anh đặt ngay từ khi chiến thắng ở vòng loại. Đó là khu tổ hợp gồm khách sạn, sân tập, khu chăm sóc sức khỏe, bể bơi, xông hơi, massage... Mỗi loại hình nằm ở một tòa nhà trên diện tích rộng cả trăm hecta. Vì thế, từ bãi đỗ xe cả đoàn đi bộ khoảng 2km mới nhìn thấy thấp thoáng cánh phóng viên các nước.

Không hiểu phóng viên ở đâu mà đông thế, tôi ước tính cũng đến gần 1.000 phóng viên. Đông nhất là cánh phóng viên Châu Âu, sau đó là Nam Mỹ. Thật may là nhóm châu Á chỉ có Đài truyền hình VTC, một nhóm phóng viên của Nhật Bản và tôi, đến từ Thể thao 24h.

 

 

Tôi chỉ đứng cách Rooney… vài bước chân

Trước khi bước vào sân tập, chúng tôi cứ nghĩ rằng phóng viên đông như thế, chắc chắn sẽ bị lực lượng an ninh “lùa” lên khán đài, hoặc phải tác nghiệp từ xa. Nhưng thật không ngờ, khi đến nơi tất cả “vỡ òa” vì BTC cho phép phóng viên vào sát đường pitch, giống như phóng viên Việt Nam được tiếp cận thầy trò Calisto ở sân tập Mỹ Đình. Nghĩa là có thể đứng sát đến mức có thể đếm được từng… sợi lông chân cầu thủ.

Làm phóng viên mảng quốc tế, theo dõi đội tuyển Anh nhiều năm nhưng tôi vẫn có vài điều bất ngờ. Chẳng hạn, biết “sếu vườn” P.Crouch có chiều cao vào loại hàng khủng nhưng có gặp trực tiếp mới thấy anh chàng này lênh khênh đến mức nào. Mấy anh phóng viên của VTC đi cùng sau khi chụp ảnh cho tôi có nói: “Có khi Điển đứng chỉ cao đến thắt lưng nó”. Còn Rooney, khác với vẻ tập trung cao độ khi thi đấu Rooney rất hay trêu đùa các đồng đội.

Với riêng tôi, có lẽ đây là một cơ hội đặc biệt khi chỉ đứng cách cầu thủ mà mình yêu quý như Rooney chỉ vài bước chân.

Trong màn khởi động, ĐT Anh chia 2 nhóm. Một do HLV phó Stuart Pearce hướng dẫn. Một nhóm gồm 3 thủ môn  James, Hart và Green tập riêng. Capello chỉ quan sát. Beckham rất thân thiện, quay ra nói chuyện với mấy phóng viên quen biết rồi biểu diễn tâng bóng ấn tượng, giống như hồi cùng Hồng Sơn thi tâng bóng ở Anh do Pepsi tổ chức.

Nhóm của Pearce chia 2 vòng tròn tập đá ma. Rooney nổi bật ở màn này với những pha biểu diễn 1 chạm, tâng và gót rất kỹ thuật.

Quá trình “mở cửa” cho báo chí vào quay phim, chụp ảnh chỉ diễn ra đúng 15 phút. Sau đó, một nhóm an ninh riêng của ĐT Anh lịch sự gặp các phóng viên thông báo 15 phút đã hết. Hầu hết các đài, báo, radio đều muốn nán lại. Nhóm an ninh này nhắc nhở lần thứ 2 trước khi một loạt “viện binh” khác ra lùa sạch bọn phóng viên dai như đỉa khỏi sân tập. Trong 15 phút kể trên, quay phim, chụp ảnh thoải mái nhưng hết giờ kể cả chụp bâng quơ 1 ngọn cây, ngôi nhà trong khu tổ hợp cũng lập tức bị nhân viên của ĐT Anh và cảnh sát địa phương “stop” lại.

 

Bất ngờ gặp “xe tăng” Đức trên đường

Với tấm thẻ FIFA thuộc dạng “oách” nhất, mục tiêu của tôi ở Nam Phi lần này là phải “săn” bằng sạch các siêu sao mà bấy lâu nay vốn chỉ nhìn thấy qua tivi. Để tiếp cận ĐT Anh hay Argentina, tôi phải rình mất 2 ngày. Nhưng với ĐT Đức, tất cả chỉ là... 1 tiếng. Một cơ may trời cho. Một điều thần kỳ nữa ở Tshwane.

 

 BTV Vân Nga phỏng vấn danh thủ Bebeto - Cựu tuyển thủ Brazil

30 phút đuổi “xe tăng”

Nói trắng ra, gặp được sao Đức không phải cơ may trời cho mà đây là cơ may do chính lãnh đạo đội Oliver Bierhoff mang lại. “Ông trùm” của ĐT Đức chọn điểm hạ trại ở Pretoria, đơn giản vì cộng đồng người Đức di cư sang Nam Phi tập trung cả ở đây. Ở World Cup này, Đức tỏ ra rất cởi mở với công chúng. Chỉ 10 tiếng sau khi đặt chân xuống Nam Phi hôm 7/6, họ mở cửa cho khán giả vào xem tập miễn phí. Ở buổi tập trước lễ khai mạc, Mannschaft công khai lịch tập.

Cũng nhờ Bierhoff dễ tính mà góc Tây Pretoria được dịp lên cơn sốt và vì thế tôi mới có cơ may gặp cả đoàn “xe tăng”. Đang trên đường đi siêu thị mua đồ dự trữ cho chiến dịch thì nhận được tin Đức sẽ tập vào 4h45 chiều 10/6 tại sân Super ở Atteridgeville. Ngay lập tức, tôi bảo anh lái xe đổi hướng, chỉnh lại GPS tiến về hướng Tây. Theo thiết bị định vị, chúng tôi cách sân Super 17,6km và còn hơn 1 tiếng để di chuyển.

Ra đường vào giờ tan tầm, dù đường rộng và qui hoạch rất châu Âu nhưng Pretoria vẫn tắc đường như thường. Cũng may, cảnh ùn tắc chỉ cục bộ và nửa tiếng sau chúng tôi đã ra đến ngoại ô. May hơn nữa, vừa ra đến đường vành đai thì gặp xe cảnh sát nháy đèn và hú còi inh ỏi. Dụi mắt nhìn lại thấy ngay chiếc xe bus nổi bật với nền cờ đỏ, vàng, đen kèm khẩu hiệu “Auf dem Weg zum Cup” (Trên đường chinh phục Cúp) đi giữa đám xe hộ tống. ĐT Đức đây rồi, chỉ cách chúng tôi khoảng chục xe. Và thế là chúng tôi cứ bám theo dàn xe mà chạy. Rất muốn bứt lên để cận cảnh đoàn “xe tăng” nhưng anh lái xe ngăn ngay: “Bên này không vượt ẩu được như ở nhà mình đâu. Lách sang làn bên cạnh, xe khác tông chết”. Thế là cứ đành phải song hành cùng cỗ xe tăng Đức suốt 30 phút dọc đường.

Chỉ lạ một điều là người Đức vốn kỷ luật, ngăn nắp, đôi khi thận trọng đến cầu kì, thế nhưng đến Nam Phi, họ bất ngờ dễ tính. Thầy trò Joachim Loew hạ trại gần Atteridgeville, ngoại ô phía Tây Pretoria. Đây là khu nghèo và bẩn nhất ở thủ đô hành chính của Nam Phi. Đức tập ở sân Super, nghe tên thì rõ oách nhưng chỉ cách khu ổ chuột xập xệ vài bước chân.

 

 PV Tùng Điển trên sân Super của đội tuyển Đức

10 phút ngắm “tăng”

Khác hẳn sự hào nhoáng ở đại bản doanh của ĐT Anh, đến trại tập của Đức mới thấy nó “dân dã” vô cùng. Đánh xe vào cổng sân Super, thay cho hình ảnh tráng lệ là cảnh người da đen lem luốc, chen lấn xô đẩy và bâu kín xe của khách, đòi dẫn đường nhưng mục đích chỉ là vòi tiền “boa”. Anh lái xe nhanh nhẩu đưa cho một cậu 20 rand rồi chúng tôi chui tọt vào sân.

Trận này Đức chỉ cho báo chí vào sân nên qua được cổng an ninh, chúng tôi thoát mọi sự đeo bám và như bước vào thế giới khác. Sân Super để “mộc” trông như đấu trường La Mã. Bóng chiều tà đổ xuống, ánh nắng hắt ngang khán đài, tương phản với nền trời xanh ngắt, đẹp đến ngẩn ngơ. Chỉ tiếc là mấy “sếp” Đức dễ tính nửa vời. Họ đẩy cảnh phóng viên lên hết một góc khán đài, cách mặt sân một đường piste rộng tới 15m và sân còn bị che chắn bởi một hàng rào mắt cáo cao tới 5-6m. Cầu thủ thì tập ở góc xa xa. Chỉ mấy vị trong BHL và đại diện của DFB ngồi ở khu kỹ thuật sát đường piste.

Vì thế, ý định tiếp cận những ngôi sao vốn chỉ nhìn thấy trên tivi như Lalm, Schweinsteiger, Klose... để có thể hỏi vài câu, xin chữ kí hay chụp mấy tấm hình kỉ niệm sụp đổ. Đến tận sân, đã thấy ĐT Đức tận mắt nhưng không được xem mà chỉ để... ngắm. Nhưng thế cũng hay. Đến đây mới biết, Loew trông trên hình lạnh là thế nhưng hóa ra lại rất tươi cười, thỉnh thoảng vẫy tay chào mọi người trên khán đài. Lãnh đội Oliver Bierhoff thì đúng là “đại bàng”. Trong khi toàn BLĐ mặc đồng phục màu đỏ-đen của Mercedez-Benz thì mình Bierhoff khoác áo bành tô đen, ngồi vắt chân, oách như James Bond.

Trên sân tập, ánh nắng chiều tà cũng đủ để nhận ra đội trưởng Lalm nhỏ con nhưng thoăn thoắt. Schweini đã cắt đầu mới nhưng dáng người thì không lẫn vào đâu. Nhưng trong buổi tập nhẹ, hạ khối lượng, người nổi bật nhất không phải Lalm hay Schweini. Mà đó là một “cậu nhóc” thấp, bé, đi giày da cam. Ở màn đá ma một chạm, mấy ông to lớn toàn nhồi bóng khó cho cậu bé, nhưng cậu đập, tỉa, nhả lại rất khéo. Mãi không nhận ra cậu nhóc có lẽ chỉ cao hơn 1m60 là ai, hỏi thử một đồng nghiệp trông có vẻ là người Đức mới biến đó là Marko Marin. “Cậu” này thì bé thật, cả tuổi lẫn thể hình. Marko mới 21 tuổi, chỉ cao có 1m70 (sao trên sân thấy bé thế!), là tiền vệ tài năng của Werder Bremen. Nhưng cậu khéo thật, mấy đàn anh định bắt nạt mà đâu có được.

Đang mải mê ngắm nghía thì thấy hai anh an ninh đen xì, to như hộ pháp ập đến. Chẳng nói chẳng rằng, họ giơ dùi cui chỉ ra cửa. Thế là hết giờ “ngắm” rồi, vừa được 10 phút.

Nhưng thôi, với một tiếng đi “săn” (so với hai ngày rình Tuyển Anh, hai ngày khác săn Argentina) thì gặp được cả đoàn xe Đức, được chạy đua 30 phút trên đường, được tận mắt ngắm các tuyển thủ nổi tiếng như Schweini, Lalm hay kể cả cậu nhóc Marko..., như thế đã là thắng quả rồi!

 

 PV Hoàng Minh của VTC3 đang thổi Vuvuzela tại Fan Fest ở Centurion

“Cuồng điên” ở Fan Fest

Để  cảm nhận trực tiếp không khí World Cup, bữa tiệc bóng đá địch thực phải là ở Fan Fest, hiểu nôm na là “hội fan”. Ở đây mới thấy hết sự cuồng say, thậm chí có thể gọi là điên rồ của fan bóng đá đến từ khắp nơi trên thế giới.

 

Fan Fest nằm ở khu “nhà giàu” Centurion, cách chỗ chúng tôi ở khoảng 50km. Mới nghe, tôi nghĩ chắc nó cũng như mấy cái hội chợ gốm sứ hay hàng xuất khẩu ở nhà mình. Nếu có khác chỉ là ở mấy cái màn hình lớn, dành cho những người không có vé vào sân đến để xem trực tiếp. Đường ở Nam Phi đẹp, rộng chắc đi chỉ mất nửa tiếng là cùng.

Thế nhưng ra đường mới thấy mình đúng là “ếch ngồi đáy giếng”. Vừa ra khỏi ngoại ô Pretoria thì đã tắc đường. Hàng đoàn xe kéo dài cả chục km cứ đứng ị ra đó, thỉnh thoảng nhích từng bánh một. Trời đất, nửa tiếng đồng hồ mà đi chưa được cây số, phen này chắc đến nơi thì trận đấu cũng xong!

Sau 3 giờ nhích bánh, cuối cùng chúng tôi cũng đến được cổng Fan Fest. Đông chưa từng thấy. Chỉ nguyên tìm điểm đỗ xe đã khốn khổ. Chạy lòng vòng một hồi, anh lái xe của ĐSQ mới đậu được ở một điểm cách cổng vào 3km. Thế là lại cuốc bộ. Hỏi mới biết, Fan Fest mở cửa từ 10 giờ sáng (2 giờ chiều thì khai mạc). Hàng trăm người đến đây xí chỗ, nhảy múa, thổi kèn từ sáng. Bảo sao đông là phải!

Lúc bọn tôi vào đến giữa Fan Fest, tìm được chỗ đứng và ngó lên màn hình thì trận khai mạc đã đá được 10 phút. Đông ngoài sức tưởng tượng. Fan Fest này được đặt trên nền sân của đội cricket Centurion. Sức chứa khán đài đã là 3 vạn người, cộng thêm diện tích mặt sân, có lẽ tổng cộng người đến Fan Fest vào cỡ 6 vạn. Có 2 màn hình khổng lồ, mỗi cái to như cái nhà 2 tầng (50 mét vuông). Chỉ nguyên tiếng người và tiếng kèn vuvuzela thôi đã khiến tất cả rạo rực. Lúc Tshabalala ghi bàn mở tỷ số cho Nam Phi, gần 6 vạn cái mồm gào rú, nhảy múa. Tiếng hét như sấm rền ngang tai. Tiếng giậm chân ầm ầm dưới đất. Nói thật, cứ như trời sập. Sợ quá, tôi trộm nghĩ đến một thảm họa Heysel nữa thì chắc chết.

Bởi đây là trận khai mạc, có sự hiện diện của chủ nhà Nam Phi, hơn nữa đi lại khó khăn nên 80% người có mặt ở Fan Fest là thổ địa, cả da đen lẫn da trắng. Lác đác cũng thấy một vài nhóm Mexico, với ấn tượng nổi bật là nhuộm tóc 3 màu trắng đỏ xanh. Ngoài ra, cánh báo chí cũng có mặt ở đây đông nghịt, từ ESPN, RAI, Sky, Super Sport... đến cả VTC, Thể thao 24h của Việt Nam. Quá khích, mấy anh quay phim của VTC cũng hứng chí thổi thi vuvuzela với mấy bạn da màu bản địa. Không ngờ, Hoàng Minh (VTC3) thổi to và dài hơi như một người Bafana Bafana đích thực.

Tan trận, cũng phải mất 2 giờ đoàn VTC mới về tới nhà, vừa kịp xem trận Pháp-Uruquay (qua tivi thôi, vì trận đó cách chỗ bọn tôi ở hơn 600km). Mệt, mỏi, hơi ù tai và nhức đầu vì tiếng vuvuzela còn văng vẳng nhưng quả thực, bao năm xem bóng đá, làm bóng đá, giờ tôi mới một lần được trải nghiệm như ở Fan Fest. Đúng như khẩu hiệu của Nam Phi: Once in lifetime!

 

 BLV Vũ Quang Huy

PHỎNG VẤN SIÊU TỐC: 1 phút với Quang Huy

Quang Huy đến Nam Phi lần này vẫn với tư cách một BLV gạo cội. Ở tận bên này, hàng ngày anh vẫn bình luận cho cả Đài Tiếng nói Việt Nam, báo điện tử VTC News... Nhưng đặc biệt hơn, Quang Huy còn là người đứng đầu chiến dịch của VTC ở đầu cầu Nam Phi. Phóng viên tạp chí THS VTC có cuộc phỏng vấn siêu tốc với “người nổi tiếng”.

 

- An ninh ở Nam Phi rất kém, trên tư cách “lãnh đội”, anh đối phó với vấn đề này thế nào?

Nguy cơ bị trộm, cướp là có thật, không chỉ 1 mà nhiều nhà báo quốc tế đã trở thành nạn nhân. Nhưng đoàn VTC làm rất cẩn thận, đã tiền trạm, tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng, lại được sự giúp đỡ của Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam nên tôi có thể đảm bảo an toàn tối đa. VTC ở trong một biệt thự riêng biệt, có bảo vệ 24/7, kỷ luật như một đơn vị quân sự, đi lại đều nhờ các lái xe của ĐSQ thông hiểu bản địa, đi lại trên những cung đường ngắn nhất và an toàn nhất.

 

- Điểm cầu Nam Phi cách Hà Nội hơn 10.000 cây số, chắc chắn gặp nhiều cản trở và anh đã khắc phục thế nào?

Chúng tôi đã tiền trạm trước cả tháng, đã cử một ê-kíp 5 người sang thiết lập đường truyền trước khai mạc 1 tuần, đã đầu tư tới 2 tỷ đồng để thuê đường truyền tốt nhất của Telkom tại Nam Phi nhưng vẫn rất khó khăn. Nam Phi hiện đại là thế nhưng không ngờ hạ tầng viễn thông lại kém và bị tắc ngay tại đây. Nhân viên của Telkom làm việc rất lơ mơ, loay hoay mãi không kết nối được với Hong Kong và Hà Nội. Sát ngày bóng lăn, tôi đã lo “cầu sập”. Cũng may là sau khi bỏ 5.000 USD mua thêm thiết bị mới, cầu đã thông vào 10/6, tức chỉ trước lễ khai mạc 24 tiếng. Cả đoàn được một phen hú vía! 

 

- Anh đã đi nhiều EURO, World Cup, khác biệt ở Nam Phi là gì?

Trời rất rét (cười). Nhưng Nam Phi dễ ăn, dễ ngủ và thú vị như Sapa vậy. Với tôi, đây có lẽ là chiến dịch tuyệt vời nhất. Khác biệt cực lớn là lần này chúng tôi được trực tiếp vào sân chứ không làm qua tivi như trước. Gặp và làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp quốc tế cũng giúp mình học hỏi được nhiều điều. Ví dụ chỉ riêng việc tác nghiệp tại cabin, mỗi một BLV được hỗ trợ bởi 3-4 màn hình, đưa nhiều góc máy, thông số, bảng biểu... hỗ trợ. Đây là điều kiện lý tưởng để làm việc. VTC tiến tới cũng sẽ phải copy mô hình này.

 

- Câu hỏi cuối: sau những gì đã xảy ra, anh nghĩ đội nào sẽ lên ngôi ở World Cup 2010?

Tôi ấn tượng nhất với sự cân bằng và đồng đều của Hà Lan. World Cup này lần đầu tổ chức ở một vùng đất mới và có thể sẽ có một nhà vô địch mới, Hà Lan hoặc TBN chăng?

 PV Tùng Điển

Bình luận
vtcnews.vn